Hàng loạt chính sách quan trọng liên quan đến tiền lương, bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 3

28/02/2022 10:32 AM | Kinh doanh

Nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2022 người lao động cần nắm rõ.

Tăng mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc

 Hàng loạt chính sách quan trọng liên quan đến tiền lương, bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 3 - Ảnh 1.

Cán bộ cấp xã già yếu được tăng trợ cấp. Hình minh họa

Thông tư 2/2022/TT-BNV về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 1-1-2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Cụ thể, mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 1-1-2022 (đã làm tròn số) đối với cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc được điều chỉnh như sau:

- Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 2.473.000 đồng/tháng;

(Trước đây, theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2019/TT-BNV mức hưởng là 2.116.000 đồng/tháng).

- Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng;

(Trước đây, mức hưởng là 2.048.000 đồng/tháng).

- Đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng.

(Trước đây, mức hưởng là 1.896.000 đồng/tháng).

Hướng dẫn điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH

 Hàng loạt chính sách quan trọng liên quan đến tiền lương, bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 3 - Ảnh 2.

Từ năm 2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng của tháng 12/2021

Đây là nội dung tại Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (có hiệu lực từ ngày 15/3/2022).

Theo đó, từ ngày 1-1-2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng của tháng 12-2021 với:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động ; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động

Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.

Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).

- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.

- Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.

- Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.

Người vi phạm giao thông tại Hà Nội nộp phạt trực tuyến từ ngày 1/3

 Hàng loạt chính sách quan trọng liên quan đến tiền lương, bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 3 - Ảnh 3.

Từ 1/3, người vi phạm giao thông tại Hà Nội có thể nộp phạt trực tuyến. Ảnh minh họa: TP

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết từ ngày 1/3 tới đây, người vi phạm giao thông trên địa bàn TP có thể nộp phạt trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, khi phát hiện trường hợp vi phạm, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu người vi phạm cung cấp số điện thoại, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân...

Tiếp đó, CSGT ra quyết định xử phạt, đăng tải lên cổng dịch vụ công Quốc gia, đồng thời gửi mã số cho người vi phạm qua điện thoại. Nhận được mã số, người vi phạm truy cập vào cổng dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html), tiến hành tra cứu và làm theo các bước hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt online.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, thông thường để nộp phạt, người dân phải đến trụ sở công an làm việc theo lịch hẹn, tiếp đến ra kho bạc nộp tiền, rồi trở lại trụ sở công an làm việc, nhận giấy hẹn. Cuối cùng, đến hết thời gian hẹn, người vi phạm lại đến trụ sở công an nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Với hình thức này, người vi phạm mất ít nhất 4 lần đi lại.

Với hình thức nộp phạt trực tuyến qua cổng dịch vụ công, người dân không phải đi lại, các tài xế tỉnh ngoài cũng không phải đi xa nộp phạt. Người vi phạm chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc nộp phạt trực tuyến sẽ tránh được việc đi lại, tiếp xúc dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo K.N

Cùng chuyên mục
XEM