Hàng không nhà nước và tư nhân đều đòi bình đẳng
Chia sẻ về câu chuyện cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không, lãnh đạo cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cùng đòi được đối xử bình đẳng. Bên nào cũng nói bị đối xử không công bằng. Các tranh luận đã được đưa ra tại tọa đàm Môi trường phát triển cho ngành hàng không, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 16/5.
“Tắc - tắc - và tắc”
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Việt Nam (CIEM) đánh giá: “Hàng không giờ chỉ thấy tắc - tắc - và tắc. Tắc từ hạ tầng tới chính sách, thực hiện, nhưng chưa rõ ai chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều tâm tư, cùng muốn bình đẳng, tôi thấy đúng như thế, nhưng giải quyết được là cả vấn đề”, ông Cung nói.
Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh thừa nhận, hiện cảng hàng không có điểm nghẽn . Đặc biệt nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), dẫn tới tắc nghẽn các sân bay khác. Tuy nhiên, để “giải cứu” Tân Sơn Nhất đã mất 3 năm vẫn chưa xong thủ tục. Tư nhân xây dựng sân bay 27 tháng, chúng tôi làm có thể chỉ mất 24 tháng, nhưng chỉ khâu thủ tục đã mất mấy năm vẫn chưa xong. Tư nhân thấy viên gạch thích thì mua về lát, nhưng chúng tôi phải xin chủ trương, lập kế hoạch, đấu thầu”, ông Thanh nói. Ông Thanh “đòi hỏi” doanh nghiệp nhà nước cũng được bình đẳng như tư nhân, đặc biệt về thể chế.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Phạm Ngọc Minh (Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines) nói, doanh nghiệp này vướng chính ở điểm “giao và không giao”. Theo ông Minh, với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nếu giao thêm cả làm đường băng, đường lăn, sân đỗ thì cũng không làm được, nhưng nếu làm sân bay mới như Long Thành, Vietnam Airlines sẽ tham gia.
Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết, hiện hàng không tư nhân cũng có nhiều cái vướng, như muốn đầu tư thêm máy bay cũng phải xin ý kiến các bộ ngành, chủ trương đầu tư của chính phủ.
“Chúng tôi mong được cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thống nhất thể chế với các doanh nghiệp hàng không. Bình đẳng giữa tư nhân và nhà nước”, ông Thắng nói. Là hãng hàng không ra sau, ông Thắng thừa nhận hãng cũng có nhiều hạn chế về nhân lực. Do đó, hãng này hướng tới tuyển dụng nhân lực không chỉ người Việt. Hiện Bamboo có 30% là nhân lực tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… từ phi công tới tiếp viên, nhân viên kỹ thuật.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, nhà nước cần xác định lại định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước. Cũng vì tư duy doanh nghiệp nhà nước phải kiếm tiền nên mới xảy ra việc 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ. Đồng thời, năng lực quản lý nhà nước cũng phải đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, không phải lấy lý do nhân lực không đủ để không cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh.
“Tôi chia sẻ với Vietnam Airlines, khi doanh nghiệp nhà nước đang chịu áp lực phải kinh doanh có lãi, còn phải phục vụ các nhiệm vụ khác, như bay chuyên cơ. Do đó, chính doanh nghiệp nhà nước cũng cần được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp tư nhân”, ông Nhưỡng nói.
Hàng không đã tới ngưỡng
Ông Phạm Ngọc Minh (Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines) cho rằng, tăng trưởng hàng không hiện đã chậm lại khi nửa cuối năm 2018 hàng không tăng trưởng 9%, nửa đầu năm 2019 chỉ còn khoảng 7%. “Điều đó cho thấy sự bùng nổ hành khách chuyển từ đường bộ sang máy bay đã tới giới hạn. Câu chuyện cần bàn tới hiện nay là tháo nút thắt quá tải hạ tầng hàng không, như nút thắt sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Minh nói.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện các đường bay liên lục địa tới Việt Nam rất ít, khi các hãng chủ yếu bay tới Singapore, Thái Lan… do Việt Nam không có sân bay cửa ngõ tầm cỡ quốc tế. “Có lãnh đạo Singapore từng nói với tôi, Việt Nam chỉ được xem là trạm dừng xe buýt gom khách sang Singapore để bay xuyên lục địa. Do đó, hạ tầng hàng không sẽ là yếu tố quyết định để duy trì tốc độ tăng trưởng của hàng không Việt”, ông Minh nói.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, từ năm 2001 tới nay, sự tham gia của hàng không tư nhân đã tạo ra tác động rất lớn. Hàng không không còn độc quyền nhà nước; từ chỗ hàng không chỉ dành cho người thu nhập cao, doanh nhân, đã trở thành phương tiện thông dụng. Cùng đó, hàng không tư nhân đã tạo thêm sự năng động cho thị trường hàng không Việt Nam. “Tuy vậy, hiện hàng không Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về hạ tầng, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, và an ninh - an toàn hàng không”, ông Lộc nói.
Năm 2018, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2.800 tỷ đồng. Vietjet năm tài chính vừa qua đạt doanh thu hơn 53.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.800 tỷ đồng. Jetstar cũng đạt doanh thu hơn 9.100 tỷ đồng và có lợi nhuận.