Hàng không Mỹ Latin ngấm đòn: Sống sót qua Đại suy thoái nhưng gục ngã trước cú đánh của Covid-19

01/06/2020 20:25 PM | Kinh doanh

Hai hãng hàng không lớn phá sản cho thấy Mỹ Latin trở thành “điểm đen” trên thế giới về sự thiệt hại của ngành hàng không do dịch Covid-19.

Hai hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latin, LATAM Airlines và Avianca Holdings, đã từng sống sót qua cuộc Đại suy thoái, nhưng chỉ vài tuần cách ly đã khiến cho cả hai hãng này tuyên bố phá sản. Diễn biến này đánh dấu Mỹ Latin trở thành “điểm đen” trên thế giới về sự thiệt hại của ngành hàng không do dịch Covid-19.

Việc hai hãng hàng không đệ đơn phá sản đang gây ra tác động lớn đến United Airlines và Delta Air Lines, hai hãng hàng không hàng đầu của Mỹ đã đặt cược hoạt động kinh doanh vào sự bùng nổ của du lịch hàng không Mỹ Latinh sai thời điểm khiến hai hãng sẽ phải gánh chịu thiệt hại hàng tỷ USD.

Hy vọng nhận được các khoản cứu trợ khẩn cấp từ chính phủ các nước Mỹ Latin đang nhanh chóng tan biến. Các vụ phá sản này cho thấy ngay cả tên tuổi lừng lẫy nhất trong lĩnh vực hàng không tại khu vực Nam Mỹ cũng không tránh khỏi sự sụp đổ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong lúc nhiều hãng hàng không Mỹ và châu Âu đã nhận được các khoản cứu trợ từ chính phủ.

Cả LATAM và Avianca cho biết, họ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh trong quá trình tái cấu trúc các khoản nợ.

Chỉ riêng hãng LATAM đang phục vụ nhu cầu đi lại của 40% hành khách trong khu vực Mỹ Latinh. Việc hãng máy bay này phá sản đã khiến nhiều nhà đầu tư sửng sốt và giáng một đòn mạnh vào Airbus, do LATAM và Avianca đều đang là những khách hàng hàng đầu của hãng chế tạo máy bay Châu Âu. “Lĩnh vực du lịch hàng không sẽ không tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ”, ông Jerome Cadier, Giám đốc điều hành hãng LATAM, chia sẻ với hãng Reuters.

Hàng không Mỹ Latin ngấm đòn: Sống sót qua Đại suy thoái nhưng gục ngã trước cú đánh của Covid-19 - Ảnh 1.

Một chiếc máy bay LATAM Airlines tại sân bay quốc tế Guarulhos trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters

Ông Cadier đã tham gia các cuộc đàm phán về bảo lãnh phá sản trong suốt hai tháng qua, trong khi phần lớn các nước Mỹ Latin vẫn áp dụng quy định hạn chế đi lại, đối lập với việc mở cửa kinh tế dần dần tại các khu vực khác trên thế giới.

Trước khi đại dịch Covid-19 khởi phát, Mỹ Latin vốn đã là khu vực có lợi nhuận hàng không thấp nhất thế giới, xuất phát từ biến động của các loại nội tệ, mức thuế cao và suy thoái kinh tế tại nền kinh tế lớn nhất khu vực, Brazil. Tuy vậy, Nam Mỹ vẫn đã được nhận định là một khu vực có tiềm năng lớn về dịch vụ hàng không đến mức hai hãng Delta và United Airlines đều mạnh tay chi tiền quảng bá kinh doanh để chiếm ngôi vương từ hãng American Airlines trong số các hãng hàng không Mỹ bay đến Mỹ Latinh.

“Các bước đi chiến lược”

Hãng Delta đã mua lại 20% cổ phần của hãng LATAM vào tháng 12 năm ngoái. Hãng United Airlines chỉ được kí hợp đồng hợp tác với hãng Avianca cách đây 2 năm, sau khi đồng ý cấp vốn cho doanh nghiệp tư nhân của người sáng lập hãng hàng không Colombia.

Cho dù đã chi 3 tỷ USD, cả hai hãng hàng không Mỹ sau đó vẫn chưa được giải quyết được các thủ tục điều phối các chuyến bay với các hãng đối tác. Với mức giá hiện tại, số tiền hãng Delta bỏ ra để mua số cổ phần ít ỏi của hãng LATAM đã bị đắt gần 4 lần. Còn hãng United đã mua Avianca đắt hơn 20 lần. Nếu bạn đã đầu tư 100 USD vào hãng Avianca từ đầu năm nay, khoản đầu từ này bây giờ sẽ chỉ còn có giá 6,50 USD.

Tại thời đỉnh cao, LATAM tự hào là hãng hàng không thế giới lớn thứ hai thế giới theo giá trị thị trường. Theo các nhà phân tích, một phần do quy mô của hãng LATAM nên cổ phiếu của hãng này đã không giảm sâu như các hãng cũng bị phá sản khác. “Điều này còn do những nhà đầu cơ vẫn hi vọng vào một chương trình cứu trợ từ chính phủ”, ông Cristian Araya, Công ty môi giới Vantrust Capital tại Chile nói.

Chile, quốc gia có hàng triệu người dân đồng sở hữu 15% cổ phần của hãng LATAM thông qua các quỹ hưu trí, tuần này đã tuyên bố đây là một công ty “chiến lược” nhưng đã dừng các hoạt động giải cứu. Còn Colombia đã không có động thái nào giải cứu cho hãng Avianca.

Hiện tại, hai hãng LATAM và Avianca vẫn đang sử dụng hơn 60.000 người lao động, mặc dù hầu hết mọi người chỉ nhận được một nửa số tiền lương hoặc không nhận được gì cả.

Cuộc họp khẩn cấp

Mới đây, hội đồng quản trị LATAM đã tham gia cuộc họp khẩn cấp thứ 10 kể từ tháng 4 để công bố quyết định phá sản. Thông báo phá sản khiến nhiều người choáng váng và sang ngày hôm sau cổ phiếu của hãng hàng không này đã giảm hơn 60%. Tuần vừa qua, các nhà phân tích của hãng Raymond James vẫn xếp hạng cố phiếu của LATAM “vượt trội” và dự đoán cổ phiếu hãng sẽ tăng giá gấp đôi và nhận định các khoản nợ là “có thể quản lý được”.

Tuy nhiên, theo hồ sơ phá sản của hãng, việc thiếu tiến mặt trầm trọng và khủng hoảng nợ của hãng LATAM nghiêm trọng hơn so với nhiều người biết đến. Hãng này đã không trả các kỳ hạn thanh toán đúng hạn, khiến các ngân hàng và bên cho thuê máy bay cảm thấy lo lắng do hãng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng khẩn cấp hồi tháng trước. Các cổ đông đã phủ quyết hội đồng quản trị của LATAM về việc chi trả cổ tức trong khi hãng không còn đủ tiền. Nếu không nộp đơn phá sản, LATAM sẽ phải thanh toán 200 triệu USD chi phí vào tuần tới, khoản tiền chiếm gần 1/3 tổng số tiền mặt do các công ty trực thuộc của hãng hàng không.

Cùng thời gian này, hãng Delta đã bỏ thỏa thuận mua 4 máy bay Airbus A350 mà LATAM không muốn và chỉ phải trả một khoản phí bồi thường hợp đồng nhỏ hơn so với giá mua máy bay. Hãng LATAM còn muốn trả lại ngay 15 máy bay Airbus và hãng Avianca 8 chiếc.

Tôi nghĩ rằng điều mà chúng tôi đã bỏ lỡ là (LATAM) thực sự cần phải trở thành một hãng hàng không quy mô nhỏ hơn nhiều”, ông Savi Savanthi Syth, một nhà phân tích tại hãng Raymond James chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Cadier nói với Reuters rằng ông hy vọng LATAM sẽ thu hẹp quy mô doanh nghiệp khoảng 40%, bao gồm cả việc sa thải nhân viên. Trong một ghi chú về hãng LATAM sau khi phá sản, hãng Raymond James cho biết họ có tin tốt về các hãng đối thủ như Gol Linhas Aereas Inteligentes, Azul SA và Panamanian Copa Holdings của Brazil. “Chúng tôi không mong phải chứng kiến những vụ phá sản tương tự nữa”.

Hàng không Mỹ Latin ngấm đòn: Sống sót qua Đại suy thoái nhưng gục ngã trước cú đánh của Covid-19 - Ảnh 2.

Theo Thu Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM