Hàng hiệu không phải là tiêu sản

04/09/2021 21:50 PM | Kinh doanh

Những mẫu đồ dùng cũ thậm chí còn được người mua săn đón và chấp nhận trả giá cao hơn gấp nhiều lần giá của những mẫu mới hiện tại.

Mua chiếc túi Hermes Birkin 25 gold 2 năm trước với giá 16.000 USD tương đương 370 triệu đồng tại thời điểm đó, Minh Giang (Hải Phòng) mới đây cho biết có người trong giới đồ hiệu đã hỏi mua lại của cô với giá 450 triệu đồng. Tuy nhiên, Giang không bán vì vẫn thích dùng. Ngoài ra, Giang còn sở hữu túi Kelly đen, Kelly Pochette hồng và Picotin đều thuộc thương hiệu Hermes. Những dòng túi này theo Giang nếu bán lại sẽ đều có lãi.

T.B, một shop thời trang hàng hiệu nổi tiếng tại TP HCM cũng đồng ý rằng, túi hiệu Hermes không bao giờ mất giá nếu chủ nhân dùng giữ gìn và bảo quản tốt.

Theo lời Giang, khi mua túi hãng luôn kèm theo 2 chiếc áo mưa, 1 chiếc cất sẵn trong túi để bảo vệ "tài sản". Càng là hàng hiệu mà không bảo vệ sẽ càng dễ hỏng hóc hơn, thậm chí có những loại da cá sấu nếu gặp nước thì càng dễ dư hại. Nhiều khách hàng có cả bộ sưu tập và dùng cẩn thận thì vài năm sau bán đi sẽ có lãi vì túi Hermes luôn tăng giá, còn các loại túi khác hầu như là tiêu sản, trừ một số dòng kinh điển.

Trong giới chơi đồ hiệu nói chung, có ít nhất 2 món đồ mà ai cũng khuyến khích đầu tư – đó là túi Hermes và đồng hồ Rolex. Theo anh Võ Hùng, một người chơi đồng hồ ở Hà Nội, thì đồng hồ Rolex chưa bao giờ lỗi thời cũng chưa bao giờ hết sốt. Tuy nhiên, không phải đồng hồ Rolex nào cũng giữ giá hoặc tăng giá khi được bán lại, mà còn phải tùy thuộc vào từng dòng.

Hàng hiệu không phải là tiêu sản - Ảnh 1.

Chiếc túi Hermes Birkin 25 Gold của Giang đang được người mua lại trả giá 450 triệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu tư vào Hermes Birkin lãi hơn cả mua vàng hoặc chơi chứng khoán

Năm 2015, một sản phẩm của Hermes đã phá vỡ kỷ lục thế giới về chiếc túi xách được bán đấu giá với số tiền lên đến 223.000 USD tại Hong Kong. Đó là chiếc Hermes Birkin da cá sấu màu hồng với phần cứng làm bằng vàng và đính kim cương. Đây cũng là dòng túi luôn đứng đầu danh sách hàng thời trang cao cấp có giá bán lại cao nhất.

Trước đó 1 năm, chiếc túi cá sấu bạch tạng của Hermes cũng được bán đấu giá 185.000 USD vì được nạm kim cương.

Trên Ebay, rất nhiều túi cao cấp trong số hàng trăm chiếc túi Birkin hiện được liêt kê với giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD. Tờ Washington Post từng viết nhiều người rất muốn chạm tay vào một chiếc Birkin và có khi phải chờ đến 6 năm mới đạt được ước nguyện.

Hoạt động kinh doanh từ năm 1837, Hermes ban đầu sản xuất dây nịt, dây cương cho xe ngựa rồi nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực yên ngựa. Công ty đã giới thiệu túi xách và duy trì mối liên hệ với lịch sử chế tạo yên ngựa, chất liệu da cao cấp của túi Birkin cũng dựa trên di sản đó.

Những chiếc túi Birkin được bảo hành suốt đời, và vì giá trị cũng như chất lượng, chúng có thể được truyền lại như một vật gia truyền. Marissa N. Stempien, biên tập viên thời trang của JustLuxe.com cho biết: “Khách hàng còn nhận được nhiều hơn so với việc chỉ trả tiền để có được cái tên Hermes. Mỗi chiếc túi Birkin đều được làm thủ công bởi những người thợ đã qua đào tạo và phải mất 18 giờ để hoàn thành. Con số đó có thể tăng lên gấp đôi nếu họ làm việc trên những sản phẩm đặc biệt, những phụ kiện đính kim cương”.

Stempien nêu ví dụ về một trong những loại da phổ biến và khó tìm nhất của Birkin là da cá sấu. Cá sấu mất nhiều năm để trưởng thành và các trang trại cá sấu cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt trước khi bán ra thị trường quốc tế. Các thương hiệu xa xỉ cũng chỉ lấy những loại da tốt nhất và đắt nhất.

Điều này đưa người mua đến sự khan hiếm. Theo Bernstein Research, có khoảng 120.000 chiếc túi thuộc 2 dòng Birkin và Kelly được sản xuất mỗi năm. Điều đó có nghĩa là những ‘thợ săn’ túi sẽ thường xuyên phải rời khỏi cửa hàng Hermes mà không mua được gì. Nhưng những chiếc túi đã qua sử dụng thì luôn có sẵn trên các sàn thương mại điện tử.

Một nghiên cứu của Baghunter - thị trường mua bán túi xách sang trọng trực tuyến vào năm 2018  cho thấy túi Birkin vượt xa cả chỉ số S&P 500 và giá vàng trong 35 năm trước đó. Cụ thể, khi so sánh ba loại hình đầu tư, người ta thấy rằng thị trường chứng khoán có mức sinh lời trung bình danh nghĩa là 11,66% còn trong thực tế là 8,65%. Vàng có lợi nhuận trung bình hàng năm là 1,9% và lợi nhuận thực tế trung bình là -1,5%.

Trong khi đó, giá trị của túi Birkin tăng với tốc độ nhanh hơn cả chứng khoán và vàng. Cụ thể, dòng túi Birkin có mức giá tăng trung bình 14,2% so với giá gốc, đều đặn và liên tục. Thậm chí, năm 2001, tốc độ tăng theo năm đạt kỷ lục với mức leo thang tận 25%. 

Hàng hiệu không phải là tiêu sản - Ảnh 2.

Túi Hermes cũ được rao bán trên Ebay. Ảnh chụp màn hình


Còn mới nhất, theo Gloss, hồi tháng 6 vừa qua, nhà đấu giá Christie đến từ New York đã báo cáo doanh thu kỷ lục cho các cuộc đấu giá túi xách của mình. Ngày 29/6/2021, 9 sự kiện đấu giá online đã đưa đến số tiền thu lên tới 3,6 triệu USD. Dẫn đầu cuộc đua là một chiếc Hermes Faubourg Birkin 20 da xanh mờ có giá bán ra cao hơn gấp đôi so với so với mong muốn – 200.000 USD. Một chiếc Birkin 35 da cá sấu Himalaya khác cũng được bán với giá 137.000 USD và chiếc Cargo Birkin 35 là 62.000 USD.

Đồng hồ Rolex - khao khát của những người đam mê sưu tập

Jeffrey Hess, một nhà sưu tập đồng hồ, cũng là tác giả của cuốn sách Rolex Wristwatches: An Unauthorized History từng chia sẻ rằng có một thời, bất cứ ai cũng có thể mua được chiếc Rolex. Ông cũng đã đi lòng vòng và mua một chiếc Daytonas với giá 3.000 USD. Bây giờ, nếu bán lại thì có thể được 50.000 USD.

Ban đầu, Rolex chỉ là một nhà sản xuất công cụ chính xác cho các nhà thám hiểm, nhưng sau một bước ngoặt thay đổi người đứng đầu với các chiến lược marketing như đưa vào thế giới Hollywood, tài trợ cho các sự kiện thể thao và từ thiện cùng với việc thắt chặt nguồn cung nguyên liệu thì đồng hồ của hãng đã duy trì được giá trị của sự khan hiếm. Ai cũng nói, Rolex rất khó để mua, những người chơi đồng hồ chỉ còn cách tìm đến thị trường thứ cấp để thỏa mãn nhu cầu của mình.

Trang Timeandtidewatch.com hồi năm ngoái đã làm một bảng thống kê cho thấy sự chênh lệch giữa giá bán lẻ đồng hồ Rolex và giá trung bình của chúng ở thị trường thứ cấp khi thu thập dữ liệu từ Choron24, Bob’s watch, Watchfinder và Watchbox. Kết quả khá bất ngờ.

Hàng hiệu không phải là tiêu sản - Ảnh 3.

Biểu đồ so sánh giá bán lẻ của Rolex (xanh dương) và giá bán lại trên thị trường thứ cấp (xanh lá cây). Ảnh: Timeandtidewatch.com


Mẫu đồng hồ Rolex Daytona 116500LN (đặc biệt là chiếc mặt số màu trắng) dường như chưa bao giờ có hồi kết trong chuỗi nhu cầu mua của khách hàng. Model này được săn đón đến mức thậm chí chiếc Daytona có gờ bằng thép của phiên bản cũ còn có giá bán cao hơn nhiều so với mẫu mới nhất. Riêng mặt số Panda-esque màu trắng có giá cũ trung bình là 29.123 USD trong khi mặt số màu đen được niêm yết trung bình ở mức 26.111 USD. Còn giá bán lẻ niêm yết của chúng chỉ dừng ở mức 13.150 USD.

Rolex Submariner Date “Kermit” 126610LV được so sánh với nhân vật Hulk trong series siêu anh hùng của nhà Marvel và được cho là chuẩn mực về thủ công của Rolex. Tính trung bình, mức giá của chiếc đồng hồ đã qua sử dụng cao hơn cả đồng hồ Daytona mặt số đen là 23.023 USD trong khi giá bán lẻ đang là 9.550 USD. Ngoài ra, chiếc đồng hồ Rolex “Pepsi” GMT-Master II 126710BLRO cũng nằm trong danh mục được săn đón với mức giá trung bình khoảng 20.148 USD trên thị trường bán lại, trong khi giá niêm yết là 9.700 USD.

Hàng hiệu không phải là tiêu sản - Ảnh 4.

Rolex Daytona 116500LN - dòng đồng hồ kinh điển của Rolex. Ảnh: Rolex

Phương Kim

Cùng chuyên mục
XEM