Hana Giang Anh: Càng ít nghĩ đến tiền thì tiền càng tự tìm đến!

06/08/2020 14:10 PM | Sống

"Chính bản thân bạn là một doanh nghiệp nhỏ. Dù bạn có làm nghề gì, đi làm 3 năm, 5 năm hay 10 năm bạn phải có lãi, bởi đi làm mà không có lãi, chỉ đi làm để kiếm tiền chi tiêu thì không có lợi cho bản thân mình."

Hana Giang Anh vốn được biết đến là huấn luyện viên thể hình nổi tiếng tại Việt Nam và chính là người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn nữ yêu thích các bộ môn Fitness. Không riêng gì mỗi lĩnh vực này, Hana Giang Anh cũng chia sẻ rất nhiều những kiến thức, trải nghiệm của cá nhân cô về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe cũng như các bài học cuộc sống. 

Mới đây, Hana Giang Anh đã có một bài viết về cách quản lý tài chính cá nhân. Cô nói mình không phải là một chuyên gia quản lý tài chính nên những chia sẻ chỉ ở góc độ, quan điểm bản thân mà thôi: "Đối với tôi, tiền chỉ là một phần để thể hiện giá trị bản thân, và nó không quyết định được mình là ai. Tôi ít khi nghĩ đến tiền, mà nghĩ làm sao để cống hiến nhiều hơn, đem lại nhiều giá trị hơn thì tiền tự dưng sẽ đi theo mình. Qua những trải nghiệm của tôi suốt 10 năm nay, điều đó rất đúng, càng làm nhiều, càng cống hiến nhiều, càng tâm huyết, thì tôi càng có nhiều tiền hơn."

Cụ thể hơn, Hana Giang Anh kể về những trải nghiệm đã qua: "Ngày trước, tôi khá tệ về khoản này, nhưng từ khi vận hành một doanh nghiệp, tôi buộc phải dành ra 2-3 năm nghiên cứu thêm về tài chính, dòng tiền và cách để mình hoạch định kế hoạch tài chính cho cá nhân cũng như cho doanh nghiệp của mình, nhờ đó mà tôi quản lí​ tài chính cá nhân tốt hơn. 

Hana Giang Anh: Càng ít nghĩ đến tiền thì tiền càng tự tìm đến! - Ảnh 1.

Điều đầu tiên mọi người cần ghi nhớ, đó là hãy nắm rõ về dòng tiền. Khi làm cá nhân, mọi người thường ít quan tâm tháng này dòng tiền vào bao nhiêu, ra bao nhiêu. Mọi người nên ghi điều này vào bảng nhé, và kể cả đồng tiền nhỏ nhất cũng phải ghi lại. Bởi có nắm rõ từng chi tiết nhỏ nhất thì mới quản lí được. Tôi thường ghi lại kể cả những lần tiêu 10.000, 20.000, 30.000, và nếu mình không nắm rõ được đến vậy thì sẽ khó mà bao quát được tổng thể. 

Khoảng mồng 1, mồng 5 hàng tháng, tôi sẽ làm bảng tổng kết cho tháng trước, thu chi bao nhiêu, chia phần trăm phần chi bằng bao nhiêu phần trăm thu. Mỗi người​ sẽ có kết quả khác nhau, và tôi hi vọng của bạn không phải là 100%, hay tệ hơn là 120%. Trong trường hợp bạn quẹt thẻ cũng đừng quên ghi lại nhé, tôi biết có những người quẹt thẻ tín dụng xong không hề ghi lại luôn, đây là một sai lầm lớn đó. Ngoài ra, mọi người đừng nghĩ quá nhiều về việc tiết kiệm, mà hãy nghĩ đến dòng tiền!

Hãy học cách tổng kết khái quát, tìm cách để phần trăm chi ở đúng target mình đặt ra và quản lí phần trăm chi đấy. Để làm điều đó các bạn có thể nâng mức thu hoặc giảm mức chi, dù thế nào cũng phải có lãi. Chính bản thân bạn là một doanh nghiệp nhỏ. Dù bạn có làm nghề gì, đi làm 3 năm, 5 năm hay 10 năm bạn phải có lãi, bởi đi làm mà không có lãi, chỉ đi làm để kiếm tiền chi tiêu thì không có lợi cho bản thân mình. 

Hana Giang Anh: Càng ít nghĩ đến tiền thì tiền càng tự tìm đến! - Ảnh 2.

Tất nhiên đi làm là để học hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm, nhưng ngoài những giá trị đó mình vẫn phải có saving, có profit về mặt tài chính thì mới xứng đáng. (Và cũng đừng nghĩ đến việc yêu cầu nơi làm trả tiền lương cao hơn, lương được trả xứng đáng với những gì bạn tạo ra. Nếu muốn tăng lương, hãy tạo nhiều giá trị hơn). 

Phần lãi nhận được các bạn hãy cho vào tài khoản riêng. Cái nào mình muốn chi tiêu nhiều hơn (ví dụ như sở thích của mình), hãy nuông chiều nó một chút, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát! Và càng chi nhiều cho sở thích đó, bạn buộc phải cắt giảm những phần khác. Các bạn không​ cần tính toán quá chi li rồi sinh mệt mỏi. Không nghĩ quá nhiều về đồng tiền, mà hãy nghĩ cách quản lý nó, bạn sẽ có nguồn tài chính dư dả và tốt hơn. 

Một điều quan trọng nữa tôi muốn nói là, khi bạn đã có profit và saving, đừng để yên, bởi tiền sẽ mất giá theo thời gian. Tôi từng đọc một bài báo có cặp vợ chồng để dành được 5 cuốn sổ tiết kiệm từ ngày xưa, nhưng về già mở sổ ra thấy tổng là 50.000đ, chỉ đủ tiền mua một bát phở. Tiền đấy ngày xưa dành ra mua nhà có phải đỡ hơn không. Chính vì lí do đó, đừng để tiền chết, hãy để nó sinh sôi!!!

Hana Giang Anh: Càng ít nghĩ đến tiền thì tiền càng tự tìm đến! - Ảnh 3.

Tóm lại, Hana muốn chia sẻ với cả nhà kinh nghiệm của mình về quản lí tài chính cá nhân trong 3 bước sau:

1. Nhận biết rõ ràng tài chính, dòng tiền mình thu vào bao nhiêu, chi bao nhiêu, phần trăm chi trên phần trăm thu là bao nhiêu. Nếu nó là 100% hay tệ hơn là 120% thì bạn cần chỉnh đốn lại ngay.

2. Tự quản lý bản thân để có profit hàng tháng.

3. Hãy khiến saving của bạn tiếp tục sinh sôi và nhân lên. Đừng để tiền chết!

Trên đây là 3 bước giúp bạn quản lí tài chính cá nhân tốt hơn mà không bị đau đầu. Nếu hàng ngày bạn chỉ nghĩ "tôi ăn bát bún đắt quá", "tôi mua chiếc váy đắt quá" ... thì không nên, vì điều đó dễ làm bạn keo kiệt và lo lắng hơn. Quan trọng là bạn có được cái nhìn tổng quan về dòng tiền hàng tháng, từ đó mới suy nghĩ tới những​ thứ nhỏ hơn theo nhu cầu mỗi người!"

PV

Cùng chuyên mục
XEM