Hàn Quốc: Quốc gia phát triển duy nhất coi trọng tiền bạc hơn gia đình và sức khỏe
Với người Hàn Quốc, hạnh phúc đo bằng tiền bạc.
Theo tờ SCMP, cuộc khảo sát của viện Pew cho thấy Hàn Quốc là nước duy nhất trong số 17 quốc gia phát triển đặt "vật chất" (Material Well Being) lên trên "gia đình" (Family).
Mặc dù ở những quốc gia như Tây Ban Nha, người dân cũng chỉ dám đặt sức khỏe lên trên gia đình nhưng không có nền kinh tế nào đưa người thân xuống dưới chuyện tiền bạc như Hàn Quốc.
Vậy chuyện gì đang thực sự diễn ra ở xứ sở kimchi?
Bộ phim "Trò chơi con mực" phản ánh phần nào áp lực chạy theo đồng tiền tại Hàn Quốc
Hạnh phúc đo bằng tiền
Mỗi sáng thứ 2, "chuyên gia đặt lệnh" Jeong Jae Bong lại đến văn phòng của anh ấy ở thủ đô Seoul và bắt đầu nhắn cho các khách hàng về những mã cổ phiếu tiềm năng.
"Mọi người ngày nay chỉ muốn biết làm thế nào để sống sướng hơn và các khách hàng của tôi đều cho rằng tiền bạc là thứ duy nhất có thể giúp họ đạt được điều đó, bất kể là tiền từ đầu tư chứng khoán, tiền số hay bất động sản", anh Jeong cho biết.
Trên thực tế, câu chuyện tiền bạc quan trọng hơn những thứ khác trong cuộc sống chạy theo vật chất ngày nay chẳng có gì là hiếm lạ. Thế nhưng hầu như không có một quốc gia phát triển nào dám chính thức thừa nhận điều này ngoài Hàn Quốc.
Theo khảo sát của viện Pew Research, Hàn Quốc là nước duy nhất trong số 17 quốc gia phát triển chính thức thừa nhận cuộc sống vật chất quan trọng hơn gia đình. Khoảng 19% số người được hỏi tại Hàn Quốc cho rằng cuộc sống vật chất quan trọng nhất, 17% thì cho rằng sức khỏe và gia đình chỉ đứng hạng 3 với 16%.
Tại 17 quốc gia phát triển, lựa chọn gia đình chiếm bình quân khoảng 38% và thường xếp số 1.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là người dân mà đặc biệt là giới trẻ Hàn lại chẳng bất ngờ với kết quả này.
Tờ SCMP cho hay nhiều chuyên gia xã hội học nhận định kết quả này là do những chính sách của chính phủ đã ưu tiên kinh tế hơn các giá trị gia đình trong hàng thập niên, ở cả cấp độ xã hội lẫn cá nhân.
Ngoài ra, các chính sách kế hoạch hóa gia đình từ thập niên 1960 cũng tạo nên thông điệp rằng sự giàu có và thoải mái mới là nguồn cội cho phát triển cũng như sinh sản.
Ngày nay, xu hướng hiện đại hóa đi kèm chi phí sinh hoạt tăng cao cùng chủ nghĩa tư bản ăn sâu vào tư tưởng đã củng cố thông điệp về lối sống vật chất trong giới trẻ.
Bộ phim "Ký sinh trùng" phản ánh phân biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc
Minh chứng rõ ràng nhất là khoảng cách giàu nghèo tại Hàn Quốc ngày càng tăng và việc mua nhà đã ngoài tầm với của nhưng người trung lưu lẫn nghèo khó.
Thị trường này trở thành lãnh địa đầu cơ của giới nhà giàu và khiến lớp trẻ Hàn Quốc chẳng còn mấy lựa chọn ngoài cắm đầu vào làm việc nếu không muốn chết đói. Gia đình đương nhiên trở thành "thứ yếu" bởi mọi người còn phải đi làm kiếm tiền.
"Chúng tôi chẳng có lựa chọn khi đang phải sống trong một xã hội tư bản mà chất lượng cuộc sống tùy thuộc vào số tiền bạn có trong túi", anh Jeong mỉa mai.
Trong bối cảnh như vậy, có lẽ chẳng ai ngạc nhiên về nhận định của anh Jeong về sự hạnh phúc đi đôi với số tiền bạn có. Số liệu của Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc (KFIA) cho thấy có đến 50 triệu tài khoản ngân hàng có dấu hiệu hoạt động đầu cơ.
Xin được nhắc lại là tổng dân số của Hàn Quốc chỉ vào khoảng 51 triệu người, nghĩa là hầu như mọi gia đình tại đây đều tham gia đầu cơ để mong đổi đời.
Lối sống vật chất
Tờ SCMP cho hay các chuyên gia xã hội học đánh giá lối sống vật chất tại Hàn Quốc trỗi dậy đi kèm với sự suy giảm tỷ lệ sinh, vốn đã giảm liên tục kể từ thập niên 1960.
Quay ngược lại thập niên 1950, tỷ lệ sinh bùng nổ tại Hàn Quốc với mức bình quân trên 6 trẻ/phụ nữ đã khiến chính phủ đau đầu khi dân số mở rộng quá nhanh. Đến năm 1962, chính phủ ban hành chiến dịch kế hoạch hóa gia đình với thông điệp "đẻ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự giàu có của các gia đình". Thậm chí Hàn Quốc còn chấp nhận cho phá thai vào khoảng thời gian này.
Chủ tịch Kim Jee Youn của Hiệp hội gia đình và sức khỏe Hàn Quốc (KAFH) nhận định chính những động thái ưu tiên kinh tế lên trên sinh sản này đã khiến xứ sở kimchi lão hóa dân số nhanh chóng như hiện nay.
Đầu thập niên 1980, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc xuống dưới 2 trẻ/phụ nữ và con số này xuống dưới 1 chỉ 3 năm sau đó. Hiện tại, tỷ lệ này đang ở mức thấp kỷ lục 0,82 trẻ/phụ nữ trong khi Hàn Quốc cần con số 2,1 để có thể duy trì kết cấu dân số cũng như lực lượng lao động cần thiết cho nền kinh tế.
"Hệ quả phụ của một nền kinh tế phát triển là sự ra đời lối sống chạy theo vật chất. Đó là tư tưởng mà gia đình phải hy sinh cho sự phát triển kinh tế", chuyên gia Kim nhận định.
Trái ngược với sự suy giảm tỷ lệ sinh là "điều thần kỳ sông Hàn". Năm 1960, GDP bình quân đầu người tại Hàn Quốc chỉ vào khoảng 158 USD và nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ nhân đạo thì con số này đã bật tăng lên 3.555 USD/người vào năm 1987.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp dưới các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) đã giúp Hàn Quốc vươn lên, nhưng đi kèm với đó là lối sống chạy theo vật chất.
Năm 2018, GDP bình quân đầu người Hàn Quốc đạt 33.423 USD, đưa nước này sáng ngang với những cường quốc kinh tế trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Thế nhưng sự tăng trưởng này lại chẳng khiến người dân vui vẻ.
Áp lực thành công khiến tỷ lệ người trẻ tự tử tại Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới
Nô lệ đồng tiền
Sự phát triển của nền kinh tế thường đi kèm với chi phí tăng cao, qua đó tạo gánh nặng lên lớp trẻ vốn đã khan hiếm ở quốc gia có tỷ lệ sinh thấp.
Tờ SCMP nhận định giới trẻ Hàn ngày nay gần như mất khả năng mua nhà nếu không sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Hàn Quốc cũng trở thành một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất Châu Á Thái Bình Dương.
Hệ quả là những người trẻ như anh Jeong dù mới chỉ 27 tuổi đã phải từ bỏ mua nhà để chuyển qua đầu cơ chứng khoán với giấc mộng đổi đời.
Trong khi đó, số liệu của trang web môi giới Saramin cho thấy 43,2% lao động đã tham gia đầu cơ từ đầu năm đến nay vì lo sợ cho tương lai.
"Cuối cùng thì tiền cũng đem lại thời gian và sự thoải mái. Bạn sẽ chẳng phải làm nhiều nếu giàu có, đồng thời có nhiều thời gian rảnh hơn", kỹ sư Moon Buyng Do, 29 tuổi, với mức lương cao ngất cho biết khi đặt tiền bạc quan trọng hơn gia đình.
Không dừng lại đó, lối sống chạy theo vật chất khiến người Hàn học tập và lao động quá sức. Mọi người trong gia đình dành rất ít thời gian cho nhau vì họ còn mải học tập và kiếm tiền.
Thậm chí các bậc phụ huynh Hàn Quốc dùng hết thời gian với con cái là để giáo dục chứ không phải nói chuyện, vui đùa hay thắt chặt tình cảm.
Khảo sát của Viện giáo dục và chăm sóc trẻ em Hàn Quốc (KICE) cho thấy cha mẹ Hàn Quốc bình quân chi tới ¼ thu nhập của họ cho giáo dục con cái. Chính điều này khiến học sinh Hàn Quốc phải học thêm muộn mỗi tối và vào cuối tuần, khiến họ chẳng có nhiều thời gian cho gia đình.
Áp lực học giỏi, vào trường tốt, kiếm việc lương cao để sống sót khiến giới trẻ ngày nay stress nặng. Bởi vậy Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người trẻ tự sát thuộc hàng cao nhất thế giới.
Năm 2019, Hàn Quốc có 876 vụ tự sát trong độ tuổi 9-24, tương đương 9,9 người tự sát trên mỗi 100.000 thanh thiếu niên. Trong khi đó ở Italy, nơi đặt gia đình là số 1 khi được hỏi về ý nghĩa cuộc sống, con số này chỉ là 537 vụ tự sát dù dân số đông hơn (59,5 triệu).