Hàn Quốc phân hóa vì án tù của người thừa kế Samsung
Kẻ cho rằng Lee Jae Yong cần nhận bản án nặng hơn vì tội hối lộ, người lại biện hộ là lãnh đạo doanh nghiệp, chấp nhận hay từ chối yêu cầu từ Tổng thống đều phải gánh chịu hậu quả.
Lee Jae Yong, cháu người sáng lập tập đoàn Samsung, sẽ bắt đầu kháng cáo từ tháng này. Ở chiều ngược lại, công tố viên cũng đang lên hồ sơ để đòi mức án cao hơn đối với người thừa kế Samsung. Trước đó, họ đề nghị mức án 12 năm tù giam nhưng kết quả cuối cùng, ông Lee bị tuyên án 5 năm.
Những tranh cãi xoay quanh dự kiến leo thang kể từ khi phán quyết được đưa ra. Bê bối mà ông Lee dính vào đã khiến một Tổng thống bị phế truất, làm nên các cuộc biểu tình trên đường phố và làm xói mòn uy tín của gã khổng lồ công nghệ. Nó tạo ra sự oán giận đối với các chaebol đang thống trị thị trường doanh nghiệp nhưng đồng thời lại xuất hiện những người ủng hộ họ vì vai trò trong nền kinh tế.
Park Ju Min, luật sư và nhà lập pháp dưới quyền Tổng thống Moon Jae In, nhận xét bản án dành cho ông Lee quá nhẹ. Ông Lee bị kết tội hối lộ cựu Tổng thống Park Geun Hye để tạo điều kiện thuận lợi cho con đường thừa kế, trong đó có việc dùng tiền công ty mua con ngựa 800.000 USD cho con gái của bạn thân Tổng thống Choi Soon Sil. Luật sư của ông Lee phản biện đây là nhằm đáp lại yêu cầu hỗ trợ các vận động viên đua ngựa quốc gia của bà Park, không phải để tranh thủ sự ủng hộ từ chính phủ cho vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung.
Dù bản án 5 năm của ông Lee được đánh giá là đáng kể nhìn từ phía chaebol, nó vẫn không làm giảm bớt sự phẫn nộ đối với tỷ phú. Hai bên đều đã kháng án lên Tòa án tối cao Seoul, tầng thứ hai trong hệ thống tư pháp Hàn Quốc nhưng chưa đưa ra lập luận chi tiết.
Bản án dành cho ông Lee dù sao cũng khiến nhiều người Hàn Quốc, vốn đã quen với cảnh các nhân vật quyền lực của giới kinh doanh được tuyên trắng án hay thoát khỏi cảnh tù tội dù mắc phải các tội danh như biển thủ, hối lộ, ngạc nhiên. Danh sách này có cả bố của ông Lee là Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, người đã thoát án tù sau khi bị kết tội trốn thuế và biển thủ. Sau này, ông còn được ân xá từ Tổng thống.
Sau bê bối buộc bà Park bị truất ngôi, ông Moon được bầu làm Tổng thống với cam kết kìm cương chaebol. Điều này khiến ông có thể không ra lệnh ân xá như người tiền nhiệm.
Dù Samsung Electronics vẫn đang phát triển bình thường với doanh thu kỷ lục, nhiều tờ báo lớn thể hiện sự lo ngại về tác động của bản án với công ty trong bối cảnh đang chịu sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc và Apple.
Trong một bài báo, Chosun Ilbo – tờ báo bán chạy nhất đất nước – bày tỏ lo lắng về tương lai Samsung khi các đối thủ đang bắt kịp rất nhanh cả trong smartphone, màn hình và bán dẫn, ba lĩnh vực công ty thống trị. Họ cũng biện hộ cho ông Lee khi chỉ ra khó khăn mà bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng gặp phải nếu bị người đứng đầu quốc gia gây sức ép. "Công ty sẽ bị trả đũa nếu từ chối yêu cầu của Tổng thống và bị trừng phạt nếu chấp nhận".
Được kiểm soát bởi gia đình họ Lee thông qua mạng lưới sở hữu chéo, tập đoàn Samsung có tổng cộng khoảng 60 công ty con, làm đủ mọi ngành nghề từ bán bảo hiểm, vận tải hàng hóa đến bán quần áo nhưng nổi tiếng nhất là smartphone và tivi. Doanh thu của Samsung chiếm khoảng 1/5 GDP Hàn Quốc.