Hàn Quốc dỡ bỏ, cắt giảm nhiều loại thuế để ghìm lạm phát

13/07/2022 19:25 PM | Xã hội

Cũng như nhiều nước trên thế giới, giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đang tăng cao kỷ lục và hiện ở mức cao nhất 24 năm.

Để giảm bớt tác động tiêu cực của tình trạng này, trong cuộc họp khẩn cấp đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol về nền kinh tế, chính phủ đã quyết định dỡ bỏ thuế quan thêm đối với 7 mặt hàng thực phẩm hay phát phiếu mua hàng.

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc , bắt đầu từ tháng 7 này, Chính phủ đã dỡ bỏ thuế quan đối với 100.000 tấn thịt bò nhập khẩu, hơn 82.000 tấn thịt gà, cũng như đối với thịt lợn nhập khẩu, sữa bột, hạt cà phê, hành lá và nguyên liệu ethanol.

Như vậy đã có tổng cộng 26 mặt hàng công nghiệp và thực phẩm được áp dụng thuế quan nhập khẩu bằng 0 khẩn cấp từ đầu năm đến nay.

Hàn Quốc dỡ bỏ, cắt giảm nhiều loại thuế để ghìm lạm phát - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Bên cạnh đó, do giá các sản phẩm xăng dầu tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021 nên cũng ngay trong tháng 7 này, Hàn Quốc đã mở rộng cắt giảm thuế nhiên liệu lên mức trần 37% so với mức 30% trước đó và có hiệu lực cho đến cuối năm nay.

38 triệu USD quỹ chính phủ sẽ được sử dụng cho các phiếu giảm giá. Mỗi người đi mua sắm tại các siêu thị và chợ truyền thống sẽ được phát 10.000 Won (gần 8 USD).

Tuy nhiên, những đợt tăng giá điện mới nhất trong tháng 7 - 9, cũng như tăng giá khí đốt tự nhiên vẫn đang khiến mặt bằng giá cả sinh hoạt tăng.

"Tôi vẫn chưa cảm thấy giá năng lượng được cắt giảm nhiều. Dầu Diesel tăng 50% tháng trước", anh Jeon Min-Gyu, người dân Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ.

"Giá rau đã tăng lên rất nhiều. Gạo, thịt và cá cũng vậy. Với hạt mè, tôi nghĩ giá dầu mè đã tăng 40 hoặc 50% so với năm 2021. Một chiếc bánh mì trước đây có giá khoảng 6,5 nghìn Won thì bây giờ tôi nghĩ nó là gần 8,5 nghìn Won", bà Bae Kyung-Ah, người dân Seoul, Hàn Quốc, cho biết.

"Những hộ có thu nhập thấp sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn nếu giá cả không giảm. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu là nguyên nhân khiến lạm phát tăng nhanh", ông Joo Won, Viên Nghiên cứu Hyundai, đánh giá.

Ngoài ra, sự suy yếu của đồng nội tệ cũng có thể gây thêm áp lực lạm phát vì sẽ đẩy giá hàng nhập khẩu tăng cao. Đồng Won hiện đã giảm hơn 8% so với đồng USD.

Áp lực lạm phát gia tăng cũng là lý do dẫn đến nhiều dự báo một đợt tăng lãi suất mạnh chưa từng có, tới 50 điểm cơ bản, sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính sách ngày hôm nay (13/7).

"Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, lạm phát năm có thể vượt mức dự báo 4,7% của Bộ Kinh tế và Tài chính. Chính phủ sẽ cần phải tăng các biện pháp hỗ trợ trong thời gian tới", ông Eo Woon-Sun, Quan chức cấp cao của Cơ quan thống kê Hàn Quốc, nhận định.

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ giảm xuống còn 2,5% trong năm nay. Trong khi dự báo lạm phát sẽ đạt mức trung bình 5%, vượt xa mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương cho đến năm 2023.

Anh Quang

Cùng chuyên mục
XEM