Hàn Phi là ai mà Tần Thủy Hoàng thần tượng, điều trăm nghìn quân để ép gặp mặt?
Tần Thủy Hoàng điều cả trăm ngàn quân lính chỉ để ép người này tới gặp, nhưng rồi lại hãm hại một cách hèn hạ.
Hàn Phi (280 TCN - 233 TCN) là một bậc thầy về Pháp trị, sống ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng là giai đoạn Tần Thuỷ Hoàng đang thống nhất Trung Hoa. Có thể nói Hàn Phi là nhà tư tưởng nắm bắt chính xác nhất bản chất của các âm mưu, tuy nhiên chính ông sau này lại phải chết vì một âm mưu chính trị mà không có cơ hội được bào chữa.
Chân dung Hàn Phi (bên trái) và Tần Thuỷ Hoàng (bên phải). Ảnh: The Kookje Daily News
Khoảng 2250 năm trước đây, mối quan hệ giữa Doanh Chính (hoàng đế nhà Tần) và Hàn Phi (người thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn - một nước Chư hầu thời Chiến quốc), được coi là một mối quan hệ vừa là bạn vừa là kẻ thù.
Lịch sử ghi lại, Doanh Chính là Tần Thủy Hoàng, còn Hàn Phi chính là người đã hoàn thiện học thuyết Pháp Trị. Giữa hai anh hùng này tồn tại một mối quan hệ đầy mâu thuẫn, nhờ đó đã sinh ra triều đại thống nhất đầu tiên ở Trung Quốc đại lục.
TẦN THỦY HOÀNG NHẤT NHẤT ĐÒI GẶP
Người xưa kể rằng có người đem sách của Hàn Phi đến nước Tần. Sau khi đọc bộ Hàn Phi tử, Tần Thủy Hoàng rất thán phục và ước ao được gặp Hàn Phi, đến nỗi Thừa tướng Lý Tư không còn cách nào khác ngoài dùng thủ đoạn, xúi Tần Thủy Hoàng điều động quân đến bao vây và tấn công nước Hàn, cho rằng nếu như vậy, vua Hàn buộc phải cử người thông minh nhất nước, là Hàn Phi, đi làm sứ giả. Cuối cùng, hàng trăm ngàn quân được huy động để Tần Thủy Hoàng gặp mặt được một thức giả.
Hàn Phi (280 TCN - 233 TCN) là học giả nổi tiếng Trung Quốc theo trường phái Pháp gia, tác giả sách Hàn Phi tử. Ảnh: JoongAng Ilbo
Hàn Phi được cử đi sứ qua Tần. Tần Thủy Hoàng rất coi trọng Hàn Phi nên đã phong cho ông một chức quan cao. Nhưng Hàn Phi chỉ giúp vua Tần được ít lâu. Đó là vì vua Tần chưa tin dùng ông lắm, hoặc do Lý Tư ganh ghét không cho phép ông tiếp cận vua Tần thường xuyên, hoặc do cả hai nguyên nhân.
"MƯU HÈN KẾ BẨN"
Thật trớ trêu khi chính Hàn Phi lại trở thành nạn nhân của một âm mưu. Tuy được Vua Tần coi trọng, nhưng Hàn Phi lại bị Thừa tướng Lý Tư phản đối kịch liệt vì cho rằng không thể tin tưởng Hàn Phi khi ông là một người thuộc hoàng tộc nước Hàn. Một điều ít biết là Hàn Phi và Lý Tư đều là học trò của Tuân Tử, một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc.
Tể tướng Lý Tư (bên trái) và Tần Thủy Hoàng (bên phải).
Lo lắng Hàn Phi sẽ đe dọa vị trí của mình, Lý Tư đã âm mưu với Vua Tần rằng: "Không đời nào Hàn Phi không có thù oán với nhà Tần. Nếu nhà vua không có ý định sử dụng hắn, xin hãy gửi hắn về nước Hàn."
Tần Thủy Hoàng cho là phải, nói: "Nếu như gửi lại, chẳng phải giống như thả con hổ khó bắt về rừng sao? Chi bằng lấy cớ làm trái pháp luật mà giết đi."
Vua Tần giao cho quan lại trị tội Hàn Phi vì tội phản quốc. Lý Tư sai người đưa thuốc độc, khiến Hàn Phi phải tự sát.
NẾU KHÔNG CÓ HÀN PHI, TẦN THỦY HOÀNG SẼ RA SAO?
Kết cục, Hàn Phi đã phải uống thuốc độc mà không biết lý do cũng như không có cơ hội được bào chữa. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng đã chấp nhận triết lý cai trị của Hàn Phi và thống nhất Trung Hoa chỉ 10 năm sau đó.
Theo Nguyễn Hiến Lê trong Sử Trung quốc, cái học của Hàn Phi vẫn được thi hành ở Tần và giúp Tần Thủy Hoàng hoàn thành được công việc thống nhất Trung Quốc, lập chế độ quân chủ chuyên chế thay chế độ phong kiến. Trong thời kỳ của Hàn Phi, các học thuyết của Khổng, mặc dù đã thất bại trong việc cứu vãn thời thế, Hàn Phi đã thành công nhờ dùng trọn các thuyết của Pháp trị, theo đó đề cao luật pháp nghiêm minh, các hình phạt hà khắc, và sử dụng gián điệp.
Tần Thủy Hoàng là vị vua đầu tiên áp dụng Học thuyết Pháp trị do Hàn Phi chủ trương để trị nước.
Học thuyết Pháp trị do Hàn Phi chủ trương, cùng với thuyết Đức trị của Nho giáo, là hai nguyên tắc chính trị lớn ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của các cường quốc ở phương Đông. Theo học thuyết Đức trị của Nho giáo, chỉ "những người có đạo đức" mới có thể trở thành một quân vương, và một quân vương phải có mục tiêu chính trị để chỉ bảo và thay đổi những người có tư tưởng lạc hậu.
Tuy nhiên, Hàn Phi nhấn mạnh rằng đức hạnh không khiến người ta trở thành quân vương hay duy trì quyền lực.
Tư tưởng của Hàn Phi đối nghịch lại với tư tưởng của Nho giáo, cho rằng cách tốt nhất để quản lý xã hội là dùng pháp luật, kẻ có công thì sẽ được thưởng, kẻ có tội phải bị trừng trị.
Trong "Hai cái cán" (Nhị bính), Hàn Phi lập luận rằng một người chỉ có thể cai trị như một quân vương khi anh ta sử dụng được cả quyền lực của phần thưởng và hình phạt. Lập luận này dựa trên tiền đề "mọi người đều thích lợi chứ không thích hại". Hệ tư tưởng của ông hoàn toàn hướng tới việc củng cố quyền lực của quân vương.
Chế độ nhân tài của Hàn Phi cho rằng mọi người được bổ nhiệm và đánh giá theo ‘luật’ do chính nhà vua đặt ra chứ không dựa trên ‘cảm tính’. Đó là một lập luận tiến bộ vào thời điểm đó. Ông cũng phản đối lối suy nghĩ mê tín theo quan điểm duy vật.
Học thuyết của Hàn Phi được người xưa gọi là "Học thuyết của Đế Vương" và vị vua đầu tiên của lịch sử đã áp dụng tư tưởng này một cách triệt để, có hiệu quả trong việc trị nước chính là Tần Thủy Hoàng.