Hạn chế nhập cư, giảm gánh nặng cho TPHCM Xã hội
Nhiều chuyên gia cho rằng TPHCM vẫn giữ được vai trò đầu tàu nhưng vận hành ngày càng ì ạch không chỉ vì thiếu nguồn lực mà còn bởi áp lực tăng dân số cơ học đang tạo ra gánh nặng quá sức về hạ tầng kỹ thuật và xã hội như nạn ngập nước, kẹt xe… và đã đến lúc cần có chính sách hạn chế phù hợp.
Chiều 9/3, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo “Các vấn đề phát triển TPHCM cơ chế, chính sách đột phá”.
Đất lành, chim đậu…nhiều quá!
Theo TS Vũ Thành Tự Anh (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), xét về tỷ trọng đóng góp GDP và lực lượng lao động, TPHCM vẫn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiều năm nữa nhưng tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang có xu hướng chậm lại. “TPHCM đang tụt hậu so với các thành phố trong khu vực. Năm 2016, TPHCM xếp hạng 76 trong số các thành phố trên thế giới và dự báo sẽ tụt xuống thứ hạng 97 trong vài năm tới…”, TS Tự Anh nhận xét.
PGS.TS Nguyễn Minh Hoà nói đã đến lúc TPHCM làm quen với khái niệm dân cư thông minh. Với 8,4 triệu dân số tĩnh và 3,5 triệu dân số động, đô thị này đang đối mặt 3 vấn đề trầm trọng là tăng dân số cơ học quá nhanh với tốc độ tăng mỗi năm xấp xỉ 1 phường (trên 200.000 người). Dân số nén trong một diện tích quá hẹp, nhất là vùng lõi, dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật (kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm…) và hạ tầng xã hội. Ngoài ra, “chất lượng” người dân nhập cư không cao với 30% công nhân phổ thông chưa qua đào tạo.
“Chỉ 10-12% sinh viên tốt nghiệp ở lại TPHCM. Số chuyên gia có trình độ cao từ các nơi về TPHCM rất thấp. Trong khi đó đất ở, đường giao thông, nguồn nước…của TPHCM có hạn. Nói cách khác TPHCM đã đến giới hạn. Nếu không khống chế, đến năm 2020 thành phố sẽ lên tới 15 triệu dân. Đó là chưa nói đến hai kịch bản xấu, đó là khi nước biển dâng hoặc tình trạng xâm nhập mặn như năm ngoái, TPHCM phải tiếp nhận hàng triệu người đến mưu sinh. Đất lành chim đậu nhưng đậu nhiều quá cũng không tốt”, ông Hoà ví von.
Giải pháp mềm
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, TPHCM cần hạn chế tăng dân số cơ học bằng các giải pháp kỹ thuật như xây dựng thành phố trở thành một trung tâm tài chính, khoa học kỹ thuật, dịch vụ thu hút lao động có trình độ cao, hình thành các khu dân cư chất lượng cao.
“Cần tổ chức lại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm số lượng, tập trung về một khu vực. TPHCM cần phát triển khu vực ngoại vi và hạn chế người nhập cư vào trung tâm TPHCM bằng cách tạo ra các vùng đệm, sớm hình thành ít nhất 1-2 trung tâm để chia sẻ với khu trung tâm hiện hữu nhằm giảm áp lực về hạ tầng”, ông Hoà đề xuất.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần khống chế tốc độ tăng dân số cơ học nhưng ông lưu ý TPHCM chỉ được thực thi các giải pháp mềm, đặc biệt là biện pháp kinh tế.
“Đất dành cho giao thông ở TPHCM chỉ bằng 1/3 chuẩn quốc gia. Phương tiện giao thông cá nhân lại tăng nhanh nhất cả nước. Đó là chưa nói những người nhập cư vào thành phố biết đi xe máy ngay cũng tăng nhanh nhất. Để giải quyết bài toán này, trước mắt cần tổ chức giao thông nhưng về lâu dài, ngoài việc khống chế tăng dân số cơ học, TPHCM cần phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, mở rộng về huyện Cần Giờ, Củ Chi tận dụng quỹ đất khá lớn cho giao thông”, ông Thiên đề xuất
Theo ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TPHCM có mở bao nhiêu tuyến đường cũng không giải quyết được nạn ùn tắc vì hệ thống giao thông đô thị chưa phát triển đồng bộ, như chưa có đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT) và người dân chủ yếu đi lại bằng xe máy.
Ông Chính đề xuất TPHCM rà soát lại toàn bộ quy hoạch, nhanh chóng đưa tuyến metro số 1 vào hoạt động cùng với xe buýt BRT và các loại vận tải hành khách công cộng công suất lớn, đồng thời nhanh chóng triển khai các dự án metro còn lại.
Một số chuyên gia đề xuất TPHCM xin trung ương cơ chế thu phí sử dụng hạ tầng đối với một số hãng hàng không giá rẻ để chia sẻ gánh nặng về ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời lập quỹ phát triển hạ tầng vùng. Theo TS Nguyễn Xuân Thành (chương trình giảng dạy Fulbright), TPHCM có thể phát hành trái phiếu công trình, đảm bảo bằng giá trị quyền sử dụng đất và đấu giá đất để hoàn trả sau khi công trình hoàn thành.
Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng, TPHCM tìm cơ chế để phát huy thế mạnh chứ không phải tìm cách xin ngân sách trung ương. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị xác định TPHCM “của cả nước, cùng cả nước, vì cả nước” nên không thể tách rời lợi ích TPHCM với vùng và cả nước.