Hai vợ chồng thu nhập hơn 30 triệu đồng vẫn sống “giật gấu vá vai”: Tháng nào cũng có khoản phát sinh, nghèo thường ít cơ hội đổi đời!
Cân đối chi tiêu trong gia đình luôn là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Ai bảo người giữ tiền là người sung sướng?
Một tài khoản ẩn danh, tạm gọi là N. mới đây đã có bài viết thổ lộ nỗi lòng trong nhóm "Vén khéo".
Theo đó, N. chia sẻ đã 12h30 sáng nhưng bản thân vẫn mệt mỏi, chẳng thể ngủ được. Cô buồn phiền vì thấy các khoản chi phí phát sinh hàng tháng, chưa tháng nào là không có, tháng thì chồng ốm, tháng thì con ốm, mỗi lần đi viện cũng tốn 1 - 3 triệu đồng tiền thuốc. Có tháng thì bố mẹ 2 bên đi viện nên cần hỗ trợ. Cả 2 bên nội ngoại nhà chị N. đều không có điều kiện, không có thu nhập hay lương hưu.
Chị N. buồn rầu chia sẻ tiếp: "Có tháng lại phát sinh đám cưới trong họ, đám cưới cơ quan, hiếu sự cỗ bàn. Có tháng thì vợ/chồng bị hỏng xe, phải sửa hết 3 - 5 triệu đồng. Hay như tháng vừa rồi, chủ nhà bán nhà nên 2 vợ chồng phải chuyển nhà mới, vừa phải đóng cọc cùng 3 tháng tiền nhà hết 20 triệu đồng".
Chị N. cho biết, trong năm nay, thu nhập của 2 vợ chồng đã tăng lên trên 30 triệu đồng, chi tiêu sinh hoạt cố gắng hợp lý nhưng chỉ tiết kiệm được 40 triệu đồng. 2 vợ chồng cô luôn nỗ lực trong việc tăng thu nhập nhưng thường gặp trực trặc. Chẳng hạn như khi đầu tư máy xúc làm công thì trình thì máy bị hỏng, thay sửa thiết bị hết hơn 100 triệu đồng.
Còn cô định mở lớp dạy tiếng Anh vào cuối tuần thì chưa kịp mở, chồng đi công tác 2 tháng, không có ai hỗ trợ những việc ngoài lề nên đành tạm gác lại.
Công việc không thuận lợi, còn con cái cũng thường quấy khóc về đêm. Điều này khiến chị N. bị căng thẳng, luôn thấy áp lực, tiêu cực.
"Hai vợ chồng cố gắng nhiều năm nhưng chẳng có tiền và tài sản. Chúng tôi đã động viên nhau rằng có sức khoẻ, vợ chồng con cái yêu thương, đồng lòng cùng nhau nhưng vẫn chạnh lòng vô cùng. Thực tế, nghèo thường ít cơ hội đổi đời", chị N. bày tỏ.
Trước câu chuyện của chị N. không ít người gửi tới chị lời động viên. Ai cũng từng rơi vào những giai đoạn khó khăn của cuộc đời, làm việc gì cũng thấy kém may mắn. Nhưng chỉ cần kiên trì, nỗ lực, bạn sẽ gặt hái được thành quả.
Phía dưới bài viết, nhiều ý kiến đáng chú ý được để lại như:
- Bạn có thể đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân bé thường xuyên bị ốm vặt, từ đó có biện pháp cải thiện.
- Bạn chỉ cần thay đổi suy nghĩ, rằng những khoản phát sinh là điều không thể tránh được và cần có những khoản chi tiêu, dự phòng hợp lý. Nó như là khoản chi tiêu bắt buộc như tiền chợ, tiền học,... Không cần dùng đến là may mắn, còn phải dùng đến cũng không sao cả. Ốm đau đâu ai tránh được, đầu tư làm ăn máy móc hỏng hóc là bất khả kháng, doanh nghiệp cũng còn có khoản trích dự phòng.
- Mỗi người lại có những khó khăn riêng. Điều quan trọng là cố gắng suy nghĩ tích cực. Đôi khi thấy có gia đình hạnh phúc, bố mẹ già và con cái mạnh khoẻ là tốt rồi. Càng suy nghĩ tích cực thì những điều may mắn càng đến.
Một số cách quản lý chi tiêu gia đình
Việc lập kế hoạch quản lý chi tiêu gia đình giúp bạn kiểm soát tốt các khoản thu chi của gia đình một cách hợp lý mà vẫn ở trong ngân sách cho phép. Bạn có thể chia nhỏ các khoản chi tiêu thành mỗi tháng thành các khoản khác nhau. Tuỳ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của các thành viên hay giới hạn ngân sách cho phép mà có thể điều chỉnh cho hợp lý.
Chẳng hạn, bạn có thể áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ như lọ chi phí thiết yếu, lọ tiết kiệm hàng tháng, lọ dự phòng khẩn cấp, lọ chi phí đối ngoại, lọ chi phí tự do,... Tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình mà bạn có thể thiết lập tỷ lệ chi tiêu một cách hợp lý.
Bạn cũng có thể áp dụng quy tắc 50:30:20. Quy tắc này vận hành theo cơ chế 50% được chi vào khoản phí sinh hoạt thiết yếu và 50% thu nhập còn lại được dùng cho mục đích tiết kiệm. Để mọi khoản chi tiêu được thực hiện kỷ luật, khoa học, bạn nên lập bảng chi tiêu gia đình gồm các bước:
- Bước 1: Lên danh sách các khoản thu - chi
Việc này giúp bạn nắm rõ tình hình tài chính trong gia đình. Việc chia nhỏ các khoản chi tiêu càng cụ thể giúp bạn nắm rõ nên tăng chi tiền cho khoản nào hay giảm bớt cho danh mục nào. Không nên áp dụng một cách rập khuôn mà cần linh động theo dòng tiền của gia đình.
- Bước 2: Phân bổ dòng tiền một cách hợp lý
Bạn cần phân bổ ngân sách để đảm bảo hợp lý theo quy tắc mà bạn cảm thấy phù hợp. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ như Excel; Money Lover hay sổ thu chi Misa,...
- Bước 3: Theo dõi thu chi hàng tháng
Bạn cần theo dõi và kiểm tra lại bảng chi tiêu gia đình hàng tháng đã thiết lập. Lưu ý, không nên chi tiêu quá nhiều cho một khoản nhất định hay chi số tiền quá lớn cho các khoản chi không cần thiết.
- Bước 4: Thực hiện ghi chép thu chi
Bạn nên ghi chép cẩn thận các khoản theo từng ngày, từng tuần và theo tháng. Lưu ý bạn không nên bỏ qua các khoản chi nhỏ bởi nó sẽ ảnh hưởng đến bảng kế hoạch chi tiêu mà bạn đã thiết lập ngay từ đầu.