Hải quan nói gì sau vụ Khaisilk, Con Cưng…?
Ngày 26/7, Tổng cục Hải quan tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan đến Thông tư 38/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng liên quan đến xuất xứ hàng hóa được đông đảo phóng viên đặt ra. Điển hình là việc thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ việc tráo nhãn mác tại Khaisilk, Con Cưng ,…
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho hay khi làm thủ tục nhập khẩu, nếu doanh nghiệp muốn được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt thì tại thời điểm đó phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo mẫu, thỏa mãn các tiêu chí đã quy định.
Nếu đáp ứng đầy đủ sẽ được chấp nhận, ngược lại thì sẽ từ chối, hàng hóa không được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Đối với việc ghi nhãn mác, hiện nay đã có rất nhiều quy định về việc nhãn mác phải ghi như thế nào, thể hiện nội dung gì,… Một số vụ việc như báo chí nêu (Khaisilk, Con Cưng,…) đều đã hoàn thành thủ tục hải quan.
Việc cắt nhãn mác rồi thay thế là hành vi phát sinh sau quá trình thông quan, xảy ra trong nội địa. "Với tất cả vụ việc như vậy, ngành hải quan sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý đúng quy định" - đại diện Tổng cục Hải quan cho hay.
Cũng theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, Thông tư 38/2018 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng quy định cụ thể, thống nhất, minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đáng chú ý, thông tư quy định rõ bốn trường hợp phải nộp chứng từ xuất xứ hàng hóa gồm: Hàng hóa có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa đang được thông báo nghi ngờ nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; hàng hóa thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát,...