Hai năm bầm dập của Mark Zuckerberg và cuộc chiến sống còn với Facebook: Đốm lửa chờ bùng cháy (kỳ 1)
Từ những vấn đề liên quan tới kích động thù nghịch, phân biệt chủng tộc tới tin tức giả mạo xuất hiện tràn lan biến hai năm qua trở thành thời gian khó khăn với gã khổng lồ Facebook và cả thế giới.
Một ngày cuối tháng 2/2016, Mark Zuckerberg gửi một lời nhắc tới tất cả các nhân viên của Facebook, nêu rõ những vấn đề về hành vi gây phiền hà trong hàng ngũ. Thông điệp của ông chủ Facebook nói đến kẻ nào đó cố tình sửa những thông điệp được in trên các bức tường trụ sở công ty ở Menlo Park, nơi các nhân viên được khuyến khích dùng giấy ghi nhớ và bút viết tay. Ít nhất hai lần, ai đó đã gạch chéo cụm từ "Black Lives Matter" (Người da đen đáng được sống) và thay nó bằng "All Lives Matter" (Mọi người đều đáng được sống). Zuckerberg muốn một người nào đó chịu trách nhiệm cho việc này.
"Người da đen đáng được sống không có nghĩa là những người khác không đáng. Chúng ta chưa bao giờ có những quy định về việc viết lên tường nhưng không lời ai nói quan trọng hơn tiếng nói của những người khác. Sự phỉ báng này cần được điều tra", Zuckerberg viết.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng bởi trong giai đoạn này, những cuộc tranh luận về chủng tộc và chính trị giữa các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đang ngày càng trở nên thô tục, khiến nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng. Trên Facebook, một nhóm nổi tiếng có tên gọi Blacktivist nỗ lực thu hút sự chú ý bằng những thông điệp đầy tính bôi nhọ như "Nền kinh tế và sức mạnh của Mỹ được xây dựng trên di dân cưỡng bức và tra tấn".
Ngay khi lời nhắc của Zuckerberg được đăng tải, một nhân viên hợp đồng trẻ tên là Benjamin Fearnow đã loan báo nó. Anh ta chụp màn hình và gửi cho một người bạn tên là Michael Nuñez, người đang làm việc cho trang tin tức công nghệ Gizmodo. Ngay lập tức, Nuñez đăng một bài viết ngắn về bản ghi nhớ của Zuckerberg.
Một tuần sau, Fearnow tiếp tục bắt gặp điều khác mà ông nghĩ người bạn của mình muốn đăng báo. Trong một giao tiếp nội bộ khác, Facebook đã mời nhân viên của mình gửi các câu hỏi cho Zuckerberg trong phiên họp toàn thể. Một trong những câu hỏi được bình chọn nhiều nhất trong tuần là "Facebook có trách nhiệm gì trong việc ngăn Tổng thống Trump trong năm 2017?". Fearnow sử dụng điện thoại để chụp lại và gửi cho bạn.
Nước Mỹ từng bị chia rẽ nghiêm trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Fearnow, người vừa tốt nghiệp Trường Báo chí Columbia, làm việc tại văn phòng Facebook ở New York trong bộ phận gọi là Các chủ đề gây sốt (Trending Topics). Nguồn cấp dữ liệu của bộ phận này được tạo ra bởi một thuật toán nhưng có 25 người có kiến thức về báo chí kiểm duyệt nó. Nếu từ "Trump" đang được lan truyền, họ phải xác định xem thông tin nào quanh đó là đúng và cái nào là sai. Tuy nhiên, thuật toán của Facebook hoạt động kém hiệu quả khiến sự xuất hiện của những tin tức giả liên quan đến ứng viên sáng giá nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng không được ngăn chặn và lan truyền tới người dùng.
Facebook luôn tự hào họ là nơi làm việc lý tưởng nhất nhưng Fearnow và những người làm trong nhóm của ông không thực sự vui vẻ. Họ là nhân viên hợp đồng và được tuyển dụng thông qua một công ty có tên Bcforward nên hàng ngày, họ vẫn được nhắc nhở rằng họ không phải một phần thực sự của Facebook.
Thêm vào đó, công việc mà nhóm Fearnow đang làm đã bị coi là mạt hạng ở Facebook. Với các công ty công nghệ, phần lớn đều muốn có càng ít bộ phận vận hành bằng con người càng tốt. Họ muốn tự động hóa, lập trình hóa để tối ưu sản lượng và giảm thiểu nhân sự. Ngoài ra, con người luôn cần nghỉ ngơi, cần bảo hiểm sức khỏe, luôn mắc sai lầm và phiền phức nhất là đôi khi họ thích giao lưu với báo giới. Mọi người đều cho rằng các thuật toán của Facebook đủ tốt để vận hành toàn bộ dự án và những người trong nhóm của Fearnow, những người đã lao động để dậy các thuật toán, sẽ bị đào thải.
Một ngày sau lần chụp màn hình thứ hai, Fearnow thức giấc với 30 lời nhắc về cuộc họp trên Facebook. Dù trả lời mình đang được nghỉ nhưng Fearnow tiếp tục nhận điện thoại cùng lời yêu cầu có mặt trong 10 phút. Fearnow đã thiết lập một cuộc hội thoại video với 3 nhân viên khác của Facebook, trong đó có Sonya Ahuja, người đứng đầu Ủy ban điều tra của công ty.
Trong cuộc họp, Ahuja hỏi Fearnow có liên hệ với Nuñez hay không và chàng trai trẻ đã phủ nhận. Tuy nhiên, Ahuja dẫn bằng chứng là các tin nhắn giữa Fearnow và bạn trên Gchat cùng thông báo sa thải. "Hãy đóng máy tính xách tay của bạn lại và đừng mở lại nó", Ahuja yêu cầu.
Cũng trong ngày hôm đó, Ahuja đã nói chuyện với nhân viên thứ 2 trong nhóm có tên Ryan Villarreal. Nhiều năm trước, Villarreal ở chung phòng với Nuñez. Villarreal khẳng định không để lộ tin tức nội bộ nhưng anh chàng đã nhấn nút "like" câu chuyện về Black Lives Matter và lạ bạn của Nuñez trên Facebook. Villarreal cũng bị sa thải. Facebook đã chi cho Villarreal 15 USD tiền công tác phí và muốn lấy lại.
Việc sa thải Fearnow và Villarreal đã khiến nhóm của họ phản ứng mạnh trong khi Nuñez tiếp tục đào xới câu chuyện. Anh chàng này nhanh chóng viết một câu chuyện về cuộc thăm dò ý kiến nội bộ cho thấy Facebook quan tâm tới việc chống lại ông Trump. Sau đó, đầu tháng 5, anh ta tiếp tục lên bài báo dựa vào cuộc trao đổi với một cựu nhân viên thứ 3 của Facebook về những vấn đề họ gặp phải trong lúc làm việc. Bài báo có tiêu đề: "Các cựu nhân viên của Facebook: Chúng tôi thường xuyên bị áp đảo bởi tin tức bảo thủ" nhanh chóng xuất hiện trên những trang tin hàng đầu nước Mỹ về công nghệ và chính trị.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những câu chuyện điên rồ nhất về Facebook trong hai năm qua. WIRED đã nói chuyện với 51 nhân viên và cựu nhân viên của Facebook và nhiều người trong số đó không muốn dùng tên thật bởi những gì đã xảy ra trong câu chuyện của Fearnow và Villarreal. Một nhân viên còn yêu cầu phóng viên WIRED tắt điện thoại vì sợ bị theo dõi thông qua ứng dụng Facebook.
Còn nữa...