Tin bịa đặt "Rambo" qua đời có tới 2,1 triệu lượt share, Facebook ngày càng tỏ rõ sự bất lực trong việc chống lại tin giả

22/02/2018 10:01 AM | Xã hội

Cuộc chiến chống tin đồn nhảm đang diễn ra vô cùng gay go trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Nhưng liệu nó có như chúng ta vẫn nghĩ?

Tháng 9/2016, người dùng Facebook sốt sắng khi mạng xã hội này xuất hiện những status thông báo về cái chết của nam diễn viên nổi tiếng với vai diễn Rambo Sylvester Stallone. Ngay sao đó, người ta đã phát hiện ra rằng đây chỉ là tin vịt xuất phát từ một website chuyên… đưa và chia sẻ tin vịt về cái chết của những người nổi tiếng.

Một năm rưỡi sau đó, vừa mới đầu tuần, thông tin này lại một lần nữa xuất hiện sau khi chính người bị đồn đại - Sylvester Stallone - chia sẻ một tấm poster fanmade về bộ phim Creed II, phần tiếp theo trong series phim Rocky. Các status RIP (Rest in peace - an nghỉ) lan ra một cách nhanh chóng, nhiều trong số đó khẳng định rằng ngôi sao này đã chết vì ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều người khi nhớ lại vụ việc vào năm 2016 đã tức giận nói rằng: "Sylvester Stallone đã chết thật, hay Facebook lại dối trá một lần nữa?". Một người khác than rằng: "Trời tôi, tôi tưởng Sylvester Stallone chết lâu rồi!! Tôi ghét Internet".

Điều đáng nói là status về tin đồn nhảm này trên Facebook hiện có đến 2,1 triệu lượt share. Vậy thì những hứa hẹn của Facebook, hay nói đúng hơn là của CEO Mark Zuckerberg, về chống tin đồn nhảm đã đi về đâu?

Facebook đưa ra nhiều giải pháp...

Tháng 12/2016, Facebook đưa ra tính năng gắn cờ "Disputed", cho phép người dùng đánh dấu những bài viết mà họ tin là tin đồn nhảm. Sau khi bị đánh dấu, những bài viết này sẽ được chuyển sang cho các tổ chức kiểm duyệt bên ngoài để kiểm chứng lại một lần nữa trước khi chính thức bị gắn cờ "Disputed". Hệ thống này đặt "gánh nặng" lọc tin đồn nhảm lên vai người dùng, và bị nhiều chuyên gia dự báo sẽ nhận những thất bại ngay từ ban đầu, nhưng Facebook có vẻ chẳng hề quan tâm.

Tháng 4/2017, Facebook tuyên bố nỗ lực gắn cờ "Disputed đã đạt những hiệu quả nhất định, và "nhìn chung các tin đồn nhảm đã giảm đáng kể trên Facebook", nhưng chẳng cung cấp bất kỳ chứng cứ nào vì "rất khó cho chúng tôi để đánh giá, bởi chúng tôi không thể đọc mọi thứ mà người dùng đăng lên được".

Tin bịa đặt Rambo qua đời có tới 2,1 triệu lượt share, Facebook ngày càng tỏ rõ sự bất lực trong việc chống lại tin giả - Ảnh 1.

Tiếp đó, mạng xã hội này công bố tung ra chương trình nhằm cảnh báo cho người dùng mỗi khi họ "like" một trang Facebook trước đó đã bị xếp hạng là chuyên đưa tin đồn nhảm. Bằng cách này, công ty hi vọng sẽ có thể hướng dẫn người dùng cách phân định các nguồn tin đồn nhảm và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hiểu được những mối nguy tiềm tàng của chúng.

Mới nhất, Facebook cho biết sẽ thay đổi những thông tin người dùng có thể đọc được trên trang News Feed của họ bằng cách hiển thị ít hơn các bài viết từ các công ty hay thương hiệu, và tăng cường hiển thị các nội dung từ bạn bè của người dùng; đặc biệt là các nội dung mà thuật toán của Facebook nhận định là sẽ khiến bạn hào hứng.

Nhưng chẳng đi về đâu...

Đúng như dự đoán ban đầu, vào tháng 12/2017, Facebook công khai tuyên bố rằng hệ thống gắn cờ "Disputed" của họ… không hề hoạt động như đã hứa hẹn, chỉ một năm sau khi được tung ra. Thê thảm hơn, các tổ chức kiểm duyệt mà Facebook tuyên bố sẽ hợp tác khi tung ra hệ thống gắn cờ này còn cho biết Facebook chẳng hợp tác với họ và bỏ ngỏ hệ thống này như một con zombie lạc giữa sa mạc.

Đến đây, có lẽ bạn đã phần nào nhận ra vấn đề đối với cái gọi là "cuộc chiến chống tin đồn nhảm" của Facebook. Facebook không nói cụ thể họ làm điều này để hạn chế hay chặn đứng sự phát tán của tin đồn nhảm trên mạng xã hội tiền tỷ của mình. Thay vào đó, họ tuyên bố những thay đổi mới nhất nhằm mục đích khiến Facebook trở nên "tích cực" hơn đối với người dùng, mang mọi người lại gần nhau hơn.

Tin bịa đặt Rambo qua đời có tới 2,1 triệu lượt share, Facebook ngày càng tỏ rõ sự bất lực trong việc chống lại tin giả - Ảnh 2.

Facebook đưa ra giải pháp giảm ưu tiên đối với việc hiển thị tin tức, nhưng trớ trêu thay, không chỉ tin đồn nhảm mà cả những nguồn tin chính thống cũng bị vạ lây. News Feed của người dùng thay vì có nhiều nội dung tin tức như trước đây, nay là những nội dung liên quan đến những người bạn thân quen, cho dù đôi khi chúng… cũng nhảm nhí không chấp nhận được.

Sự thật

Swapna Krishna - biên tập viên của trang tin Engadget - cho rằng: "Facebook gây khó khăn khiến các tổ chức tin tức hợp pháp không thể đăng tải các nội dung của họ, vô tình lại biến mạng xã hội này thành một nơi sinh sôi nảy nở của các tin đồn nhảm - những thứ mà Facebook đã cố gắng để dẹp loạn ngay từ ban đầu".

Một cựu giám sát viên nội dung của Facebook khi trả lời phỏng vấn của NBC News đã từng nói rằng: "nhóm kiểm duyệt nội dung của Facebook tập trung chủ yếu vào các chủ đề bạo lực và khiêu dâm, do đó tạo điều kiện cho những tin đồn nhảm vượt qua rào chắn một cách dễ dàng. Nói tóm lại, những gì mà họ cho là spam chính là những nội dung liên quan khiêu dâm".

Nói cách khác, Facebook đang tiến hành một cuộc chiến "giả" chống lại những tin đồn nhảm, và nỗ lực của họ cũng chỉ là những "đòn gió" không hơn không kém của Mark Zuckerberg mà thôi.

Theo Tấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM