Hai bộ môn thể thao dễ gây gãy xương nhất
Chuyên gia tiết lộ đây là hai môn thể thao có nguy cơ gặp tình trạng gãy xương nhiều nhất, khi chơi hai bộ môn này, mọi người nên cẩn trọng.
Mới đây, trong trận lượt về chung kết ASEAN Cup 2024 vào tối 5/1, tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã gặp chấn thương nặng ở chân, bị gãy xương. Trong tối ngày 6/1, Xuân Son đã được các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thực hiện ca phẫu thuật thành công.
Theo nhận định của các chuyên gia, chấn thương của Xuân Son phải mất ít nhất 6 tháng để liền xương và có thể tập nhẹ nhàng trở lại.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của gãy xương khi chơi bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh – Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho biết, chấn thương do gãy xương là nguyên nhân ít gặp nhất khi chơi thể thao (chiếm 1,5% các chân thương). Xương là loại mô cứng chắc trong cơ thể con người, thường bị gãy do lực tác động mạnh từ bên ngoài. Hai môn thể thao có nguy cơ gặp tình trạng gãy xương nhiều nhất chính là bóng bầu dục và bóng đá.
Vị trí xương gãy thường là xương đòn, xương vùng cổ tay, bàn ngón tay đối với chi trên và xương vùng cổ chân, bàn ngón chân đối với chi dưới.
Hiếm gặp hơn là gãy xương do mỏi, đây là loại vi chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần ở một xương như gãy xương do mỏi ở bàn ngón chân út trong môn marathon (chạy cự li dài).
Bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh cho hay, mức độ nghiêm trọng của gãy xương khi chơi thể thao sẽ phụ thuộc vào vị trí của xương gãy. Theo đó, nguyên tắc R-Rest (nghỉ ngơi) được công nhận là hình thức xử lý quan trọng nhất giúp tránh làm di lệch thêm về xương cũng như tàn phá phần mềm kế cận. Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định chườm lạnh đối với các loại gãy kín, không có vết thương ngoài da tại vùng chi gãy. Thuốc chống viêm và giảm đau cũng sẽ được bác sĩ kê đơn để giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu.
Hầu hết các trường hợp bị gãy xương sẽ cần cố định vị trí bị gãy trong một thời gian để chữa lành bằng các hình thức bó bột hay dùng nẹp cố định, đi nạng, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh nói.
Đối với những trường hợp gãy xương phức tạp hơn, người bệnh có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật để giúp cố định xương trở lại vị trí ban đầu. Khi quá trình điều trị gần hoàn tất, một liệu trình vật lý trị liệu sẽ được đề ra cho mỗi cá nhân riêng biệt, giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và chuyển động của chi gãy, tránh teo cơ, tăng cường tuần hoàn tĩnh mạch cũng như bổ sung chất dinh dưỡng đến xương gãy.
Đối với gãy xương do mỏi, người bệnh cũng cần có thời gian nghỉ ngơi dài, có thể kéo dài đến 8 tuần, giúp xương lành lại và ngăn ngừa tổn thương thêm.
Xử lý chấn thương khi chơi thể thao
Theo bác sĩ Nguyệt Anh, chấn thương thể thao chủ yếu là chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng.
Chấn thương ở chân thường gặp hơn ở tay và hơn một nửa trường hợp sẽ gặp các chấn thương về gân cơ hay dây chằng, tiếp theo sẽ đến các chấn thương nông ở phần mềm (da và mô dưới da). Trật khớp và gãy xương là hai chấn thương ít gặp.
Tùy theo loại chấn thương, vị trí và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương án xử trí chấn thương khác nhau.
Đối với những chấn thương mới gặp phải, mọi người có thể áp dụng phương pháp RICE để sơ cứu chấn thương khi chơi thể thao, thể dục cơ bản:
R – Rest (Nghỉ ngơi): Hạn chế vận động ở vùng chi bị thương. Người bị thương cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.
I – Ice (Chườm lạnh): Nhiệt lạnh rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng sưng, viêm cũng như giúp giảm đau. Mọi người có thể tiến hành chườm lạnh cách 2 – 3 giờ mỗi lần, mỗi lần chườm trong 15 – 30 phút trong vòng 3 ngày đầu xảy ra chấn thương.
C – Compress (Băng ép): Băng bó, ép chặt nhẹ vùng chấn thương bằng băng thun co giãn giúp hạn chế sưng. Mọi người cần chú ý cách cuốn tròn ở chi hay cuốn kiểu số 8 ở vùng khớp và lực cuốn không quá chặt.
E – Elevate (Kê cao chi): Kê phần chi bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm nhờ giúp hồi lưu tốt hơn của hệ tĩnh mạch.
Sau thời gian xử trí ban đầu bằng phương pháp RICE, nếu các triệu chứng không giảm nhiều, mọi người cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định có cần điều trị bổ sung giúp hồi phục hoàn toàn chấn thương hay không.