Hà Nội: Vì sao nhiều dự án hàng chục năm vẫn... bất động?

04/06/2021 14:13 PM | Kinh doanh

Hà Nội sẽ rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ và có hình thức xử lý các nhà đầu tư không tuân thủ thực hiện tiến độ dự án được phê duyệt...

UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp trả lời 328 ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 18 HĐND Thành phố khóa XV. Báo cáo đã nêu nguyên nhân, thực trạng một số dự án xây dựng, nhà ở, khu đô thị chậm triển khai, thậm chí “treo” nhiều năm để đưa ra hướng giải quyết, xử lý.

30 NĂM CHƯA XONG MẶT BẰNG

Trong đó có những dự án kéo dài tới 30 năm mà vẫn chưa triển khai được. Ví như khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Ngày 28/9/1999, Chính phủ ban hành quyết định thu hồi 13.970m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và giao cho Công ty TNHH xây dựng IDC sử dụng để thực hiện dự án. UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đang, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.

Tuy nhiên, do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, thay đổi về chế độ, chính sách pháp luật nên đến nay mới thu hồi, giải phóng mặt bằng được 7.901m2. Còn lại hơn 6.000m2 đất chưa giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân. Do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu tư chưa được giải quyết.

Năm 2016, Thành phố cũng đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ.

Theo đó, đối với dự án IDC, Thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạc và Kiến trúc chủ trì cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ, Công ty IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo quyết định 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã và chưa giải phóng mặt bằng, diện tích đất hồ bị lấn chiếm.

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất Uỷ ban nhân dân Thành phố, báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh theo hướng: đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng thì giao cho công ty  IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Đối với diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng: giao cho Uỷ ban quận Tây Hồ quản lý, thực hiện việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch.

Diện tích phù hợp quy hoạch đất ở thì xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định. Phần diện tích đất nằm trong quy hoạch xây dựng công trình hạ tẩng kỹ thuật, công trình công cộng phục vụ dân cư thì thu hồi, hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu vực… Đối với diện tích đất do các hộ gia đình lấn chiếm đất hồ An Dương (sau khi san lấp),  Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo quy định của Luật đất đai…

Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đang, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.

Cũng theo Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, hiện nay luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thi hành, việc chấm dứt hoạt động dự án không quy định đối với trường hợp dự án này, đồng thời một số nội dung kiến nghị của nhà đầu tư vượt thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân Thành phố (phân lô bán nền, đền bù đất thực hiện dự án tại địa điểm khác, hoàn trả tiền sử dụng đất theo giá trị hiện tại…). Do đó, liên ngành thành phố đã họp và thống nhất nhà đầu tư, đề nghị  Uỷ ban nhân dân Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc.

HƠN 20 NĂM VẪN "ÁN BINH BẤT ĐỘNG"

Một dự án nữa cũng kéo dài tương tự là Sông Hồng City được cấp giấy phép đầu tư năm 1994  nhằm xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê với diện tích 51.300m2 và tổng vốn đầu tư 240 triệu USD. Tiến độ triển khai trong vòng 8 năm kể từ ngày 29/11/1994. Đây là một trong các dự án bất động sản lớn nhất giai đoạn đầu thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995 với thời hạn sử dụng đất là 45 năm. UBND Quận Ba Đình và Tây Hồ đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…

Tuy nhiên, giai đoạn 1997-2001, do ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.

Từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh đê điều. Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực (năm 2007), dự án thuộc quy hoạch thoát lũ. Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ sông Hồng.

Ngoài ra, vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực  Hà Nội đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601 ngày 6/7/2011,  Thành phố chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản. Hiện nay, đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Từ những vướng mắc trên,  Uỷ ban nhân dân Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: Quy hoạch và Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu làm cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo quy định. Thành phố cũng giao chính quyền quận Tây Hồ và quận Ba Đình tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Bên cạnh các dự án trên, Hà Nội cũng thông tin về một số dự án khu đô thị chậm tiến độ khác mà cử tri quan tâm. Về hướng giải quyết thực trạng này, thành phố cho biết, đã có các kế hoạch chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn. Từ đó đề xuất giải pháp chấn chỉnh và có hình thức xử lý các nhà đầu tư không tuân thủ thực hiện tiến độ dự án được phê duyệt, cũng như việc đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng dự án.

Nhĩ Anh

Cùng chuyên mục
XEM