Hà Nội sẽ phát triển kinh tế đêm như thế nào?

01/10/2020 21:40 PM | Xã hội

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội hôm qua cho biết, Sở đang phối hợp quận Hoàn Kiếm để triển khai thí điểm mô hình kinh tế đêm.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành thành phố giảm bớt thanh tra, kiểm tra gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thí điểm mô hình kinh tế ban đêm

Sáng 30/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2020. Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tăng 3,05%, gấp 1,16 lần mức tăng GDP của cả nước; tuy thấp hơn quý I nhưng cao hơn quý II, thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, GRDP Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý III có nhiều điểm nổi bật. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện quý III là 50.027 tỷ đồng, đạt 17,9% dự toán. Lũy kế 9 tháng qua, thành phố thu được 176.937 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán, bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2019…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long kiến nghị thành phố xem xét cho quận sớm thí điểm triển khai mô hình kinh tế ban đêm; cho phép quận triển khai mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; cho phép triển khai thi công “cột mốc ki-lô-mét số 0” vì cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 đã hoàn thành.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đang phối hợp quận Hoàn Kiếm để triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, đề xuất với thành phố nhân rộng mô hình này ra các quận, huyện khác một cách phù hợp. Phân tích rõ hơn về mô hình kinh tế ban đêm sẽ triển khai thí điểm ở quận Hoàn Kiếm, bà Ngô Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nói rằng, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung gắn với kinh tế đêm.

“Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất và dự kiến hoạt động kinh tế đêm tại Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, vận chuyển, tài chính, ngân hàng… Đặc biệt, không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ Sáu đến 24h tối Chủ nhật hằng tuần. Còn các điểm di tích, di sản dự kiến mở cửa đến 22h hằng ngày”, bà Hoàng cho biết.

Giảm thanh tra, kiểm tra

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh.

Theo ông Huệ, tất cả phải nỗ lực để bước vào Đại hội đại biểu lần thứ 17 thành phố với tâm thế làm việc hết mình, không vì Đại hội mà xao lãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững và để sau Đại hội, thành phố tiếp đà tăng trưởng vượt lên. Các cấp, các ngành thành phố phải giảm bớt thanh tra, kiểm tra gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ; siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật. Đồng thời phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ, không để tồn tại hiện tượng “tròn vo không làm gì cả” hoặc chậm trễ, trì trệ trong thực thi công vụ.

Ông Huệ yêu cầu đẩy nhanh việc kiện toàn nhân sự các cấp địa phương, vì tiến độ kiện toàn nhân sự hiện nay còn chậm. Ban Tổ chức Thành ủy phải rà soát, kiểm tra, tập trung đôn đốc việc này. Các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát các dự án chậm triển khai, Thường trực HĐND thành phố phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện; không để tình trạng nhận đất rồi mà để dự án chậm tiến độ quá thời hạn quy định.

Về những vướng mắc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội thông báo, ông đã gửi thư cho Thủ tướng, Thủ tướng nói đã nhận được và cho biết sẽ có cuộc họp với Bộ GTVT và các bộ, ngành…

“Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất và dự kiến hoạt động kinh tế đêm tại Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, vận chuyển, tài chính, ngân hàng… Ðặc biệt, không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ Sáu đến 24h tối Chủ nhật hằng tuần. Còn các điểm di tích, di sản dự kiến mở cửa đến 22h hằng ngày”. Bà Ngô Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Hoàng Phong

Cùng chuyên mục
XEM