Hà Nội sẽ có thêm 2 hầm chui đường Vành đai 3

05/04/2022 14:50 PM | Kinh tế vĩ mô

Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 hầm chui đường Vành đai 3 bằng nguồn vốn đầu tư công.

Cụ thể, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long – Vành đai 3 và nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Vành đai 3 bằng nguồn vốn đầu tư công.

Tuyến đường Vành đai 3 là trục giao thông đối nội và cũng là trục giao thông quá cảnh kết nối giao thông nhiều tỉnh, thành với trung tâm Thủ đô, do đó mật độ phương tiện trên tuyến này rất lớn. Chính vì thế, tuyến đường Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của toàn thành phố.

Theo quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ thêm 2 nút giao là nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3 và nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3.

Vì vậy, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông đề xuất xây thêm dự án hầm chui đường Vành đai 3 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, nút giao đường trục Tây Thăng Long – Vành đai 3 có chiều dài 915m, mặt cắt ngang 31,5m bảo đảm 8 làn xe, với tổng mức đầu tư 1.025 tỷ đồng.

Cùng với đó, hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Vành đai 3 có chiều dài 756m, mặt cắt ngang 20,6m bảo đảm 4 làn xe, với tổng mức đầu tư 975 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long và dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Chính vì vậy, theo đánh giá của Ban QLDA, việc triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 nút giao trên là rất cần thiết trong thời điểm này.

Trong thời gian vừa qua, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 nút giao tại đường Vành đai 3 đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao Ban QLDA Thăng Long triển khai. Cụ thể, dự án được thực hiện từ nguồn vốn dư của Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long và từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư 2 dự án trên. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ban QLDA Thăng Long và Bộ GTVT, việc đầu tư 2 dự án khó có thể thực hiện được do thời gian Hiệp định vay vốn hạn hẹp, sẽ kết thúc giải ngân vào ngày 22/5/2024.

Do đó, Ban QLDA Thăng Long kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì cùng với Ban triển khai nghiên cứu lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án trên. Cùng với đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn, báo cáo UBND thành phố để trình HĐND thành phố chấp thuận cho phép cập nhật vào danh mục dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Văn Minh

Cùng chuyên mục
XEM