Hà Nội cần khơi thông ách tắc để phát triển như 'lò xo bật ra' sau dịch

21/04/2020 08:21 AM | Xã hội

Làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, sáng 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, xốc tới hơn nữa, khơi thông ách tắc để phát triển như “lò xo bật ra” sau dịch. Cùng với đó, Hà Nội cần giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp như vụ mương Phan Kế Bính, 8B Lê Trực, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Ðường sắt Cát Linh - Hà Ðông bao giờ chạy?

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, do tác động của COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế quý I/2020 chỉ tăng trưởng 3,72%, bằng hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái. Trước bối cảnh đó, Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản dựa trên các tình huống của dịch để phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố Hà Nội vừa chống dịch, vừa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để ngay sau hết dịch sẽ giúp kinh tế bật lên như “chiếc lò xo đang bị nén”, để kinh tế thành phố quay trở lại và đi lên theo hình chữ V chứ không phải theo hình chữ U.

Hà Nội cần khơi thông ách tắc để phát triển như lò xo bật ra sau dịch - Ảnh 1.
Hà Nội vẫn loay hoay xử lý công trình 8B Lê Trực

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, với đô thị lớn gần 10 triệu dân như hiện nay, Hà Nội cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cấu trúc lại thị trường gắn với chương trình phát triển nhà ở, dịch vụ, phát triển nhà ở xã hội. Phó Thủ tướng đồng tình với đề nghị của Hà Nội về việc giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho lĩnh vực ô tô, xe máy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, để tháng 9/2020 vận hành thương mại thì phải có đội ngũ chuyên gia đánh giá, hoàn thành các báo cáo cũng như các công đoạn cuối. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên đội ngũ chuyên gia chưa thể nhập cảnh vào làm việc. Từ đó, ông Thể đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao, cùng Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của tổng thầu, tư vấn thẩm tra, cho phép chuyên gia vào Việt Nam trong tháng 4 này.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý Hà Nội cần tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp và rà soát môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính quyết liệt, tăng dịch vụ công trực tuyến, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI. Về vấn đề hỗ trợ an sinh xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị sớm triển khai nhanh, công khai, minh bạch các gói hỗ trợ về an sinh xã hội giúp cho người dân tiếp cận tốt, không để tình trạng xin- cho, tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, ông Bình lưu ý, Hà Nội cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại bức xúc kéo dài, không để phát sinh điểm nóng, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết những vấn đề an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn giao thông...

Giải quyết dứt điểm vụ 8B Lê Trực

Nhấn mạnh tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, xốc tới hơn nữa, khơi thông những mạch nguồn ách tắc để phát triển. Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau, trước nhiều thay đổi. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phân cấp cho chính quyền Thủ đô, trong đó có những vấn đề có thể thực hiện ngay như áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng nhanh chóng để dành mặt bằng cho các dự án cấp bách; dành đất cho các dự án nhà ở xã hội, cũng như giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội cần thực hiện mục tiêu kép một cách quyết liệt, chủ động, sáng tạo, trong đó triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. “Hà Nội như một chiếc lò xo bật ra. Cho nên những phương án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo… là những việc cần thiết”, Thủ tướng nói và lưu ý Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình.

Đặc biệt, tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý Hà Nội xử lý ngay những tồn tại kéo dài. Theo đó, vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Đối với vụ việc ở dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong. Đối với công trình đường sắt Cát Linh- Hà Đông, tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ GTVT bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020. Riêng vụ việc ở mương Phan Kế Bính, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần khẩn trương xử lý dứt điểm. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội trong việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.

Theo VĂN KIÊN

Cùng chuyên mục
XEM