Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thành lập doanh nghiệp
Tại hội nghị "Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển" diễn ra sáng nay, 17-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thành lập doanh nghiệp, chỉ cần đăng ký qua mạng, giấy phép sẽ được gửi về địa chỉ đăng ký...
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi hội nghị "Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển" thành công tốt đẹp, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiến thêm một bước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với đề xuất giải pháp hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong thủ tục thành lập doanh nghiệp...
- Phóng viên: Thưa Chủ tịch UBND TP, với kinh nghiệm hai năm tổ chức hội nghị Hợp tác đầu tư và Phát triển, Hà Nội đã chuẩn bị hội nghị năm nay ra sao để bảo đảm thành công?
- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và của Thành ủy Hà Nội trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2018, chúng tôi đã tích cực xúc tiến đầu tư. Để chuẩn bị cho hội nghị này, các ban, ngành của TP Hà Nội đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương cũng như của các tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự tham gia một cách tích cực của các nhà đầu tư thời gian qua đã đồng hành với thành phố. Trên cơ sở nghiên cứu một cách kỹ lưỡng toàn bộ các dự án, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đồng thời xem xét một cách nhanh chóng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sớm nhất có thể.
- Chính phủ và bộ ngành đều đánh giá cao Hà Nội trong công tác cải cách hành chính, Hà Nội đã có chính sách ưu tiên đặc biệt gì để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài?
- Với chính sách kiên trì, kiên định, chúng tôi luôn đồng hành với doanh nghiệp theo hướng các dự án kêu gọi vốn đầu tư đều được công khai, khi có nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu dự án, UBND TP đều phân công lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các ban, ngành tiếp, trả lời thấu đáo những khúc mắc và những vấn đề doanh nghiệp cần tìm hiểu... Trên cơ sở đó, UBND TP hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư thiết lập hồ sơ một cách chặt chẽ và khi đủ các điều kiện cần thiết sẽ cấp ngay giấy phép đầu tư.
UBND TP chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cụ thể đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ các quy trình thủ tục liên quan; sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ chính phục vụ cải cách hành chính. Đến nay, 100% việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đều thực hiện trên môi trường mạng.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, UBND TP đã đề xuất với Thành ủy, HĐND TP đưa ra Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố (họp vào đầu tháng 7-2018) xem xét, thông qua để từ ngày 1-8-2018, thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Khi thành lập doanh nghiệp người dân chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện thủ tục, kể cả thủ tục đăng ký con dấu rồi chuyển phát nhanh về địa chỉ đăng ký.
- Tại hội nghị hôm nay, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 17 tỷ USD. Hà Nội sẽ tạo điều kiện như thế nào để các dự án này nhanh chóng được triển khai thực hiện?
- Trong 71 dự án đầu tư được UBND TP Hà Nội trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư có những dự án quy mô rất lớn như dự án “Thành phố thông minh” tại xã Hải Bối và xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỷ đồng của Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản). Trước khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp này, UBND TP đã xem xét một cách kỹ lưỡng.
Đây cũng là dự án mà UBND TP đã thực hiện một cách nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ hai nước Việt Nam- Nhật Bản trong việc xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Ngay từ năm 2015, Tập đoàn Sumimoto đã đề xuất đầu tư dự án “Thành phố thông minh”. Sau gần 3 năm xem xét các điều kiện nhà đầu tư đưa ra, đây cũng là thời gian nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, chứng minh được tính khả thi cũng như mục tiêu của dự án. Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để sớm hoàn tất các thủ tục giao đất và các thủ tục liên quan và sớm khởi công dự án này.
- Thưa Chủ tịch UBND TP, mặc dù UBND TP Hà Nội đã tạo điều kiện rất thông thoáng cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án, nhưng tại nhiều dự án, công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn, cản trở quá trình đầu tư. Tới đây, thành phố có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?
- Chúng tôi quan tâm đến vấn đề ngày từ trong quá trình xem xét các thủ tục đầu tư. Để khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng, một mặt, TP Hà Nội phải thực hiện chặt chẽ các thủ tục theo đúng quy định pháp luật, đồng thời làm thật tốt công tác truyền thông, công khai, minh bạch tới từng người dân nơi dự án triển khai để tạo đồng thuận. Đồng thời, để khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, nhất là phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương.
- Thưa ông, Hà Nội thu hút các dự án lên tới hàng tỷ USD, nhưng dường như các dự án cải tạo chung cư cũ vẫn còn nhiều khó khăn, sắp tới, thành phố có giải pháp gì?
- Dự án cải tạo các chung cư cũ đã được UBND TP Hà Nội lập thành danh mục và đưa ra kêu gọi công khai các nhà đầu tư tham gia thực hiện tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 4-6-2016 và đến nay Hà Nội đã thu hút 18 doanh nghiệp đầu tư đăng ký lập dự án 28 khu chung cư cũ.
Các doanh nghiệp cũng đã hoàn thành 16 đồ án quy hoạch và đưa ra các ý tưởng thiết kế cho những chung cư cũ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những dự án này cũng đang gặp phải những khó khăn vướng mắc về cơ chế, hệ số bồi thường đối với những hộ gia đình đang ở chung cư cũ, cũng như thủ tục xác định thời hạn phá dỡ những tòa nhà này phải đạt cấp độ D mới có thể di dời...
Một khó khăn nữa là việc các nhà đầu tư thường đưa ra 2 phương án khác nhau. Một phương án là tuân thủ đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của quy hoạch xây dựng, tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này lại không đảm bảo phương án tài chính của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư đều đề xuất phương án giảm mật độ xây dựng nhưng tăng chiều cao... Phương án này đòi hỏi việc cải tạo được các chung cư cũ thực hiện một cách suôn sẻ thì cần có những chính sách được Chính phủ, Quốc hội ban hành mới có thể thực hiện một cách thuận lợi.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức hội thảo qua đó tổng hợp ý kiến của nhà đầu tư, nguyện vọng của nhân dân... Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tập hợp báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm cả đề xuất các cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo hài hòa các bên.
- Hiện nay, có ý kiến cho rằng việc kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là lựa chọn bắt buộc giữa lúc nguồn vốn từ ngân sách hạn hẹp, nhưng các dự án dạng này đang vấp phải nhiều khó khăn như các dự án BOT chẳng hạn. Hà Nội có giải pháp nào cho tình huống khó khăn này?
- Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển cũng như mục tiêu đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn Hà Nội thì việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là hết sức cần thiết.
Để thực hiện điều đó đòi hỏi phải cải cách hành chính để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi có nguyện vọng đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục trong thời gian nhanh nhất nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư.
Hiện nguồn vốn đầu tư công hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng được 15-17%, như vậy, Hà Nội phải kêu gọi xã hội hóa vốn đầu tư cho 80-83% nhu cầu cần thiết. Để tháo gỡ vấn đề này, TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bên cạnh đó TP hà Nội cũng tập hợp vướng mắc khó khăn liên quan đến các hình thức đầu tư như BT, BOT... để đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, quy trình mới theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ đảm bảo lợi ích Nhà nước, người dân.
-Xin cảm ơn Chủ tịch UBND TP Hà Nội!