Hà Nội cải tạo 3 khu chung cư cũ trên “đất vàng” thế nào?
Quy hoạch cải tạo 3 chung cư cũ tại Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) sẽ được công bố.
Theo kế hoạch, trong tháng 4, quy hoạch chi tiết cải tạo 3 chung cư cũ tại Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ được công bố. Đây đều là những chung cư đang ngự trên “đất vàng” của Thủ đô…
Đi không được, ở chẳng xong
Năm 2015, cơ quan chức năng đã đưa ra kết quả kiểm định chung cư G6A Thành Công thuộc cấp độ D, cực kỳ nguy hiểm, buộc phải tháo dỡ. Tháng 4/2016, G6A cùng với 2 chung cư khác trên địa bàn là khu A tập thể Ngọc Khánh và nhà tập thể Bộ Tư pháp được đưa vào quyết định di dời của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian thuyết phục, cuối tháng 12/2016, hầu hết các hộ dân tại đây vẫn kiên quyết không chịu di dời bởi tâm thế đang ngự trên “đất vàng” của Thủ đô.
Có mặt tại chung cư G6A Thành Công, PV Báo Giao thông ghi nhận toàn bộ tòa nhà đã có hiện tượng nghiêng lún; tại khu vực hành lang, cầu thang, từng mảng vữa lớn trên tường, trên trần đã bong tróc. Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà hơn 30 năm như đang rúm ró khoác trên mình tấm áo nhàu nhĩ xanh rêu, hoen ố... Chia sẻ với PV, bà Đỗ Kim Vinh (chủ căn hộ 104), thành viên Ban đại diện chung cư G6A Thành Công cho biết, chủ trương quy hoạch cải tạo tòa nhà được tất cả các hộ dân đồng thuận.
Tuy nhiên, điều người dân cần là sự minh bạch về chính sách tạm cư, tái định cư, tiến độ; mức tăng diện tích... “Khu nhà nằm ngay sát mặt đường mới mở, đằng sau nhìn ra mặt hồ, địa thế đẹp như vậy nên tất cả các hộ dân đều mong muốn được tái định cư tại chỗ đi kèm với chính sách đền bù thỏa đáng, sát với giá thị trường. Khi đi phải nói rõ bao giờ được quay lại; nơi tạm cư cũng phải được đảm bảo an sinh cho người dân”, bà Vinh nói. Cũng theo bà Vinh, chung cư G6A Thành Công đang “ngự” ở thế “đất vàng”, nên giá mặt bằng hiện lên tới hơn 60 triệu đồng/m2, thậm chí có vị trí lên tới hơn 90 triệu đồng/m2.
Xập xệ hơn G6A, đơn nguyên 3, nhà C8 khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đã có quyết định khẩn cấp di dời từ tháng 9/2013, tuy nhiên tới nay toàn bộ hộ dân tại đây vẫn ở nguyên tại chỗ. Khi được hỏi, hầu hết ngươi dân đều cho biết, chờ chủ đầu tư vào, thỏa thuận êm xuôi tất cả rồi mới đi.
Người ở kiên quyết là vậy, tuy nhiên phía người dân tại các chung cư cũ làm đơn tình nguyện di dời sang nơi tạm cư cũng chưa được giải quyết thỏa đáng. Mặc dù, cuối tháng 12/2016, Sở Xây dựng phối hợp với quận Ba Đình đã tổ chức bốc thăm nhà tạm cư cho hơn 50 hộ dân tình nguyện di dời của 4 phường Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ và Cống Vị, tuy nhiên tới nay “nhà ai vẫn yên chỗ ấy”.
Tìm cơ chế đặc thù cho cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả rà soát, Hà Nội hiện có 76 khu chung cư cũ gồm hơn 1.500 nhà thuộc diện phải cải tạo. Theo cấp độ nguy hiểm, thành phố đã lọc ra 28 chung cư cũ, giao cho 19 chủ đầu tư lập quy hoạch cải tạo chi tiết, trong đó ưu tiên đối với 3 tòa chung cư thuộc cấp độ D buộc phải tháo dỡ gồm C8 Giảng Võ, G6A Thành Công và khu A tập thể Ngọc Khánh.
“Theo kế hoạch, cuối tháng 3 các chủ đầu tư phải nộp quy hoạch chi tiết 1/500 lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định và xây dựng quy hoạch tổng thể, nhưng đến nay Sở vẫn chưa nhận được. Sau khi có quy hoạch chi tiết, thành phố mới có thể thực hiện các bước tiếp theo”, ông Dũng nói. Song hành với quá trình này, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang lập bản dự thảo về cơ chế đặc thù giúp đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, để UBND thành phố trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Cách cải tạo chung cư cũ trước kia đã bộc lộ nhiều bất cập từ xây dựng tới quản lý vận hành. Tuy Nghị định 101 đã mở nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi, song đối với riêng Hà Nội vẫn cần những cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai. Theo đó, Hà Nội sẽ bắt đầu từ việc quy hoạch tổng thể các khu chung cư cũ trên cơ sở phát huy, tận dụng thế “đất vàng” để trở thành khu đô thị hiện đại. Đối với người dân tại các chung cư cũ thuộc diện cải tạo, thành phố sẽ tạo điều kiện, đưa ra nhiều kịch bản, phương án di dời để người dân lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu, khả năng của mình, chứ không cứng nhắc như trước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, ngay khi bản quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ được phê duyệt sẽ tổ chức công bố để người dân được trực tiếp vào xem. “Bài học từ cải tạo chung cư C1 Thành Công, hơn 8 năm sau khi công trình bị phá dỡ, mâu thuẫn về chi phí đền bù, tỷ lệ diện tích chênh lệch mới gần như được giải quyết.
Chính vì thế, đối với những dự án cải tạo chung cư cũ sau này, có bản quy hoạch chi tiết ngay khi người dân chưa di dời. Từ đó mới có cơ sở xác định phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây được coi là khâu đột phá trong cải tạo chung cư cũ của Hà Nội. Tất nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi chúng ta đã thay đổi tư duy, có hướng đi cụ thể, hi vọng tình hình sẽ được cải thiện”, ông Đạm nhận định.
Lý giải về những hộ dân chung cư cũ tại 4 phường thuộc quận Ba Đình đã đồng ý tự nguyện di dời, chọn nhà tạm cư song vẫn chưa được giải quyết, ông Đạm cho hay: “Sở Xây dựng đang gấp rút hoàn thiện phương án di dời cư dân ra khỏi chung cư cũ. Theo đó, nhiều nội dung liên quan tới việc đảm bảo quyền lợi sở hữu về chỗ ở cũ và nơi tạm cư mới cho người dân. Ví như các khoản phí tại khu tạm cư sẽ được ưu đãi như thế nào; trong trường hợp người dân không đồng ý phương án tạm cư cũng có thể nhận tiền mặt tương đương ra sao để có thể thuê phòng nơi khác…?”. Được biết, phương án di dời cư dân chung cư cũ sẽ được Sở Xây dựng sớm trình lên UBND TP Hà Nội để xem xét và phê duyệt.