Gửi bạn trẻ sắp đi làm: Tài giỏi đến đâu cũng đừng vội khởi nghiệp, công việc đầu tiên phải làm thật tử tế, nhất định nên ở công ty lớn

07/05/2018 09:00 AM | Sống

Công việc đầu tiên thật sự rất quan trọng. Ảnh hưởng của một công ty tốt đối với một người mới không phải chỉ vài ngày, vài năm, mà là cả đời.

Mọi người thường nói: "Tìm việc trước, chọn việc sau."

Công việc đầu tiên không quan trọng lắm đâu, đời người còn dài, sau này thay đổi cũng được mà. Lần đầu đi làm làm gì cũng chẳng quan trọng, quan trọng là làm tốt...

Thế nhưng, một đàn anh trong công việc từng nói với tôi: Công việc đầu tiên thật sự rất quan trọng. Ảnh hưởng của một công ty tốt đối với một người mới không phải chỉ vài ngày, vài năm, mà là cả đời.

1. Công việc đầu tiên chính là vạch xuất phát của bạn

Tôi rất may mắn, sau khi tốt nghiệp đã xin được vào một công ty rất tốt.

Có tất cả hơn 100 người vào công ty cùng đợt với tôi. Mọi người được chia vào các phòng ban khác nhau.

Hơn 10 năm sau, tất cả chúng tôi đều rất thành công.

Hầu hết những người vẫn ở lại công ty đều đã trở thành thành phần cốt cán trong phòng ban của mình, những người đã rời đi thậm chí còn có sự nghiệp rực rỡ hơn nữa.

Ngày nay, kinh tế xã hội càng ngày càng phát triển, cơ hội việc làm tăng cao. Bởi vì đã được đào tạo và rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp, nên những người vào công ty cùng tôi năm nào, sau khi rời đi được rất nhiều công ty săn đón, trở thành những thành viên quan trọng trong công ty đó.

Khi chọn công việc đầu tiên, lương lậu đãi ngộ thế nào đều không quan trọng, quan trọng là nó sẽ dạy cho bạn những gì. Những kinh nghiệm quý báu, những bài học thực tiễn bổ ích sẽ giúp chúng chúng ta nhanh chóng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Tôi luôn vô cùng biết ơn những thứ mà công ty dạy cho tôi, cách tư duy, phương pháp làm việc, các kĩ năng, cách nhìn nhận quan sát vấn đề... Tất cả những điều đó đã giúp cho công việc của tôi sau này thuận lợi hơn rất nhiều.

Ở một góc độ nào đó, có thể nói công việc đầu tiên sẽ quyết định tiền đồ của bạn.

Gửi bạn trẻ sắp đi làm: Tài giỏi đến đâu cũng đừng vội khởi nghiệp, công việc đầu tiên phải làm thật tử tế, nhất định nên ở công ty lớn - Ảnh 1.

Khi bạn đổi việc, công việc đầu tiên quyết định bạn sẽ vào được công ty loại gì, mức lương bao nhiêu, vì nhà tuyển dụng nào cũng có tâm lý bị ảnh hưởng bởi cái mác "công ty lớn".

Công việc đầu tiên là nơi bạn tiếp tục học tập và rèn luyện sau khi rời khỏi mái trường đại học, là vạch xuất phát cho tương lai của bạn.

Trong giới tâm lý học có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng trước tiên" (primacy effect). "Hiệu ứng trước tiên" là những ấn tượng đầu tiên của bạn về một sự vật sự việc nào đó, nó sẽ ảnh hưởng tới hành vi, sự lựa chọn của con người.

Khẩu hiệu của công ty chúng tôi là "công ty là một trường đại học", bao nhiêu năm làm việc ở đây tương ứng với bấy nhiêu năm bạn lên giảng đường.

Ở công ty của tôi, nhân viên không chỉ duy trì được thái độ nhiệt tình học hỏi mà còn luôn hăng hái như khi còn là sinh viên.

Nếu có thể vào được một công ty như thế ngay lần đầu đi làm, thì điều đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của bạn. Giống như bạn thi đỗ vào một ngôi trường đại học top đầu vậy.

Vì thế khi bắt đầu công việc đầu tiên, nhất định phải vào được công ty lớn.

Công ty lớn ở đây không phải là công ty có quy mô lớn, mà là công ty có uy tín, dẫn đầu một ngành nào đó.

Công ty lớn, bước đệm lớn chính là ưu thế vượt bậc.

Một người bạn của tôi làm trợ lý tổng giám đốc cho một công ty hơn 30 nhân viên. Công việc hàng ngày là kiểm tra, đối chiếu, viết hóa đơn, đặt vé máy bay, đặt bàn tiệc… là một chân chạy vặt chân chính.

Mà việc hàng ngày của trợ lý tổng giám đốc công ty tôi là lên kế hoạch tổ chức sự kiện cho hàng trăm hàng nghìn người tham gia, duy trì quan hệ với phía chính phủ, với các bên đối tác…

Tại sao lại phải vào được công ty lớn bằng mọi giá?

Bởi vì những gì công ty lớn cho bạn nhiều và quan trọng hơn bạn tưởng.

2. Làm việc ở công ty lớn, mở mang hiểu biết, mở mang tầm mắt, bồi dưỡng nhiều kỹ năng

Gửi bạn trẻ sắp đi làm: Tài giỏi đến đâu cũng đừng vội khởi nghiệp, công việc đầu tiên phải làm thật tử tế, nhất định nên ở công ty lớn - Ảnh 2.

Công ty lớn, mang bạn đứng trên vai người khổng lồ, vươn mắt nhìn ra xa hơn, chạy nhanh hơn.

Từ khi mới đi làm, tôi đã học được tri thức mới từ công ty mẹ ở nước ngoài, tham gia vào các việc quan trọng trong công ty, được học hỏi từ các đồng nghiệp từ mọi phòng ban khác, gặp mặt và nói chuyện với nhà cung cấp, nhà phân phối và các đối tác…

Gặp nhiều người hơn, học được nhiều kiến thức hơn, mở rộng hiểu biết, mở mang tầm nhìn.

Làm việc ở một công ty như vậy trong một năm tương đương với làm việc ở một công ty bình thường hai năm hoặc thậm chí nhiều hơn.

Hơn nữa chỉ có ở công ty lớn mới cho người mới thời gian học tập, bỏ công bỏ sức ra đào tạo bồi dưỡng, giúp người mới tích lũy kinh nghiệm.

Nếu đổi lại là công ty nhỏ, bọn họ cần người có kinh nghiệm và khả năng, bạn phải ngay lập tức mang đến lợi nhuận cho họ, làm được việc cho họ. Thế nên nhân viên công ty nhỏ luôn trong trạng thái bận rộn, cái gì cũng hiểu, nhưng lại chẳng hiểu sâu cái gì.

Không có sở trường nhất định, sẽ rất khó để chuyển sang một công việc tốt hơn.

3. Công ty lớn mang lại cho bạn thói quen công sở tốt

Đối với tôi, công việc "cực hình" nhất là thuyết trình trong các cuộc họp.

Có lần đang đang thuyết trình thì máy tính tự dưng "đơ" ngay lúc cần chuyển trang powertpoint, tôi phải nhanh chóng chuyển sang một cái máy khác trong tình trạng căng thẳng cực độ. Nhưng thế vẫn chưa hết, lát sau, khi tôi đã bắt đầu lấy lại được nhịp độ, hăng say thuyết trình thì mic đột nhiên tắt tiếng.

May mà có một chị đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, lần nào thuyết trình chị cũng mang theo một cái mic để đề phòng, lần đó vừa hay cứu được tôi.

Sau đó tôi bị sếp mắng cho một trận, mắng đến phát khóc tại chỗ.

Đó là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi bị mắng vì tội không để ý.

Về sau mỗi lần đảm nhiệm một hạng mục quan trọng nào đó, tôi đều lập một danh sách những thứ cần chuẩn bị, rồi kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần, không bao giờ để bản thân phạm phải một lỗi cơ bản như thế nữa.

Gửi bạn trẻ sắp đi làm: Tài giỏi đến đâu cũng đừng vội khởi nghiệp, công việc đầu tiên phải làm thật tử tế, nhất định nên ở công ty lớn - Ảnh 3.

Công ty dạy chúng tôi chuẩn mực hành vi và cách thức tư duy, làm việc.

Mỗi lần nghỉ ở khách sạn, việc đầu tiên mà tôi làm sau khi bỏ hành lí xuống là đi kiểm tra cửa thoát hiểm, xem nó có mở được hay không.

Sau đó vừa đi vừa nhớ đường quay trở lại phòng.

Vì công ty thường xuyên tổ chức cho nhân viên các buổi ngoại khóa về cách ứng phó với các loại nguy cơ tiềm ẩn, cho nên điều này dần trở thành thói quen của tôi.

Các công ty lớn thường có hệ thống vận hành chuyên nghiệp và văn hóa công sở độc đáo, nên sẽ hình thành và thay đổi cách tư duy của bạn, hình thành thói quen, thậm trí là giá trị quan. Những điều này sẽ đi sâu vào xương tủy của bạn, trở thành thế mạnh của bạn.

Công ty tôi còn có một nguyên tắc: đứng trên lập trường của sếp để suy nghĩ.

Trước đó tôi làm việc gì cũng chỉ suy nghĩ trên lập trường của bản thân, sau đó dần dần ngộ ra, phải nghĩ xem sếp đang nghĩ gì, quan tâm đến việc sếp để tâm.

Chỉ khi đứng trên lập trường của sếp để suy nghĩ, bạn mới có thể quên đi tầm nhìn và lối tư duy hạn hẹp của mình, mới có khả năng thăng tiến.

Thế là tôi bắt đầu thay đổi, nghĩ những điều lãnh đạo nghĩ, chủ động làm việc, mặc dù tôi không phải quá xuất sắc, nhưng mọi chuyện cũng đều êm ả trôi qua.

Mấy năm gần đây, vì vấn đề công việc nên tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều người đang làm việc tại các công ty nhỏ. Tất cả mang lại cho tôi cảm giác họ rất rất bận, nhưng làm việc lại không có logic, trình tự, cả ngày chỉ bù đầu đối phó với công việc.

Vô cùng cảm ơn công việc đầu tiên của tôi, đã mang đến cho tôi những kinh nghiệm quý báu, giúp tôi hình thành những thói quen lành mạnh.

4. Đồng nghiệp đều tài giỏi, tôi cũng không thể kém được

Gửi bạn trẻ sắp đi làm: Tài giỏi đến đâu cũng đừng vội khởi nghiệp, công việc đầu tiên phải làm thật tử tế, nhất định nên ở công ty lớn - Ảnh 4.

Chắc hẳn các bạn đã nghe qua câu chuyện "Mẹ Mạnh Tử chuyển nhà ba lần để dạy con", qua câu chuyện này chúng ta nhận ra được một điều: "bạn là ai không quan trọng, quan trọng là bạn ở cùng với ai.". Cũng tức là người sống và làm việc cùng bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bạn, thậm chí quyết định sự thành bại của bạn.

Trong công ty lớn, bên cạnh bạn sẽ toàn là những nhân tài, đến nhân tài còn đang cố gắng, bạn có lí do gì để lười biếng đây?

Tôi có một anh bạn, anh ấy làm việc tại công trường.

Có một ngày, anh đột nhiên nghĩ, mình không thể cứ tiếp tục như thế nữa. Và thế là anh ấy mua sách và băng tiếng Nhật về học. Ngày ngày kiên trì tự học, không tham gia một lớp học thêm nào, cũng không theo học một ai.

Mấy năm sau anh ấy được tuyển vào làm phiên dịch cho một công ty, trong đó chỉ có mình anh là không học từ trường lớp.

Sau đó, anh ấy muốn dịch Anh - Nhật, mỗi ngày đi làm sớm 2 tiếng, lên tầng thượng của công ty, luyện tiếng Anh.

Bây giờ anh ấy đã trở thành một phiên dịch viên Anh - Nhật ưu tú.

Thấy anh ấy kiên trì, tự giác, có ý chí như vậy, tôi mới chợt nhận ra bản thân lười nhác đến mức độ nào.

Tiếng Anh của tôi không tốt, nói chuyện với người nước ngoài trên công ty tương đối khó khăn. Thế là mỗi ngày tôi cũng đi làm sớm nửa tiếng, kiên trì nghe VOA, thường xuyên nói chuyện tiếng Anh với anh ấy để học hỏi.

Sau đó một thời gian, có lần xem bản tin tiếng Anh, tôi chợt phát hiện ra mình hiểu được hầu hết những gì họ nói, việc trò chuyện với người nước ngoài cũng không còn khó khăn như trước nữa.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, tiếp xúc với người tài giỏi, dần dần mưa dầm thấm lâu, bạn cũng sẽ trở nên tài giỏi hơn.

5. Quan hệ - vũ khí lợi hại nhất cho bạn "hành tẩu giang hồ" sau này

Gửi bạn trẻ sắp đi làm: Tài giỏi đến đâu cũng đừng vội khởi nghiệp, công việc đầu tiên phải làm thật tử tế, nhất định nên ở công ty lớn - Ảnh 5.

Ở Hollywood có một câu nói được lưu hành rộng rãi thế này: "Thành công của một người không nằm ở việc họ biết cái gì, mà là ở họ biết ai."

Ở công ty lớn, bạn có thể tích lũy được rất nhiều mối quan hệ mới và có ích cho tương lai sau này của bạn.

Một người bạn vào công ty cùng với tôi, sau này đã trở thành giám đốc của một công ty khác.

Thực ra công việc này không phải anh ấy tự tìm được, mà là khi anh ấy có ý định xin nghỉ việc, một đồng nghiệp khác trong công ty thấy được năng lực của anh ấy nên đã giới thiệu cho.

Thực ra, bạn cũng có thể nói chỉ cần anh ấy giỏi thì sớm muộn gì cũng thành công, nhưng không phải nếu có người tiến cử thì mọi chuyện sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn sao? Cho dù là sớm muộn cũng thành, nhưng sớm thì vẫn hơn là muộn chứ.

Bạn nói không cần vào công ty lớn, bạn vẫn tạo lập được mạng lưới quan hệ của mình, không sai. Nhưng bạn cũng không thể phủ nhận rằng, công ty lớn mang lại cơ hội kết giao quan hệ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Công việc đầu tiên khác nhau, lựa chọn trường đua khác nhau, đã lặng lẽ kéo dài khoảng cách chênh lệch giữa người với người.

Vào công ty lớn giống như chạy trên đường cao tốc, càng chạy càng thấy nhẹ nhàng.

Ngược lại, vào công ty nhỏ giống như chạy trên sỏi đá đất cát, dù bạn có cố gắng nhiều bao nhiêu cũng không thể theo kịp những người đồng trang lứa. Mà chậm một bước, rồi sẽ lại chậm một bước, một bước nữa... càng ngày khoảng cách sẽ càng dãn rộng.

Đường đời dài lắm, nhưng chỉ có một vài ngã rẽ quan trọng, mà ngã rẽ đầu tiên chính là công việc. Xin đừng thua ngay ở vạch xuất phát.

Liều mình xin vào công ty lớn, cho bản thân một khởi đầu tốt đẹp, là sự nghiệp của bạn đã thành công được một nửa rồi. Thời gian bạn làm ở đó có thể nhiều có thể ít, nhưng lợi ích từ nó đủ cho bạn hưởng cả đời.

Ảnh minh họa: Ana Yael

Sandy

Cùng chuyên mục
XEM