GS. Phan Văn Trường: "Việt Nam có đủ hết mọi tố chất từ lâu rồi để trở thành cường quốc, nhưng tiếc là chúng ta lại có tư duy "Xong việc"
Người Việt có lối tư duy "Xong việc", tức xong việc là xong, mà không có tư duy học tập không ngừng…
Chia sẻ tại hội thảo Người Việt trong môi trường làm việc quốc tế, GS. Phan Văn Trường - tác giả cuốn "Một đời thương thuyết" và "Một đời quản trị" - đã khuyến nghị các bạn trẻ nên đọc cuốn sách "21 bài học cho thế kỷ 21" của tác giả Yuval Noal Harari để thích ứng với thời đại mới.
"Các em nên đọc đi, bởi dân tộc Việt có khả năng hấp thụ kiến thức và tiến bộ nhanh hơn nhiều dân tộc khác. Và trong Thế kỷ 21, nhất là trong 50 năm đầu, sẽ là cơ hội khủng khiếp để Việt Nam trở thành nước Việt Nam mà chúng ta mơ", GS. Trường nói.
Về vị thế địa lý, GS. Phan Văn Trường chỉ ra trong bản đồ Châu Á, đứng trước mặt biển Nhật Bản chỉ có "2 vòng": Vòng trên là Trung Quốc, vòng dưới là Việt Nam.
"Cả 2 "vòng" này phải trở thành cường quốc", ông Trường nói.
Vị tác giả nhiệt huyết dành nhiều năm để viết sách về thương thuyết và quản trị cho biết Việt Nam có đủ hết mọi tố chất từ lâu rồi để trở thành cường quốc, nhưng vướng một lối tư duy.
Chúng ta có tư duy "Xong việc". Xong việc là xong. Chúng ta không có tư duy tiến không ngừng
"Chúng ta có tư duy "Xong việc". Xong việc là xong. Chúng ta không có tư duy tiến không ngừng", ông Trường nói.
Sinh viên tốt nghiệp Đại học thì cho rằng mình đã học xong. Người lấy chồng, lấy vợ xong là xong, không cần quan tâm tới đối phương. Trong công việc, thì làm xong việc sếp giao là xong, thậm chí chỉ cần đến và về đúng giờ hành chính, về đến nhà coi như "xong việc".
Tư duy "xong việc" là tư duy rất đáng tiếc, trong khi bản thân ông Trường - vị giáo sư năm nay đã 73 tuổi, vẫn học tập không ngừng và dành nhiều thời gian để chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ.
Về vị thế của Việt Nam, ông Trường cho rằng không có một nước nào có nhiều vị thế như nước ta. Việt Nam có tới 3.260km đường biển. Trong khi đó, hàng trăm quốc gia dù "một khúc biển bé bé" như vùng biển từ Cà Mau đổ về Campuchia cũng không có.
"Nếu vào tiệm cơm, Việt Nam là nước có nhiều cá để ăn nhất. Nhiều tiệm bán chuyên về cá, có trên 50 loài cá để ăn. Tài nguyên rất nhiều. Rừng rất nhiều. Chúng ta có nước ngọt trên cả đỉnh núi, chứ không phải xuống đồng bằng mới có. Nhưng trên hết, chúng ta có một dân số tuyệt vời. Dân Việt Nam tuyệt vời".
GS. Phan Văn Trường. Ảnh: Wikipedia..
"Cứ mang một đứa trẻ con Việt Nam để chơi với một đứa trẻ nước khác ở Châu Á, các bạn sẽ thấy đứa lanh lợi, thông minh nhất, mắt sáng nhất, tự tại nhất là con em mình. Thậm chí trên máy bay, đứa trẻ nghịch nhất, đứng đằng sau giật tóc tôi và khúc khích suốt đêm không cho tôi ngủ là một đứa trẻ Việt Nam", GS. Trường kể.
Và ông cho rằng, để Việt Nam trở thành cường quốc, trước nhất giới trẻ cần tự tin, nhưng trong sự tự tin đó cần có tư duy học tập không ngừng. Và tư duy đó cần học của người Nhật.
Tư duy này khá giống với suy nghĩ của vị doanh nhân được tôn làm "Huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc" – cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong. Tư duy "Xong rồi" mà GS. Trường nhắc tới, ông Kim gọi là "Hội chứng vừa đủ".
Những người mắc hội chứng này thường chỉ làm một lượng công việc có chừng mực, và có một thời lượng giải trí vừa đủ. Những người mắc hội chứng cho rằng mình làm việc như vậy là đủ rồi, lại thường là những kẻ thất bại.
"Từ khi bắt đầu kinh doanh, tôi không bao giờ chịu được kiểu "hội chứng vừa đủ" ở công nhân. Nó không mang lại cái gì cho cá nhân cũng như cho xã hội… Tôi hy vọng lớp trẻ ngày nay sẽ đắm mình vào những hoạt động mang tính sáng tạo và nổi bật chứ đừng chỉ học "vừa đủ" và làm theo một số đông người khác".
"Hãy chọn những gì đúng cho bạn, những khả năng cơ bản và dành cho những việc đó với tất cả nỗ lực của mình. Chỉ lúc đó, mồ hôi của những nỗ lực ngày hôm qua mới tiếp tục đưa lại kết quả cho ngày mai. Dù đang học hoặc đang kiếm sống thì khái niệm ‘Vừa đủ không bao giờ là vừa đủ cho bạn cả’", huyền thoại kinh doanh của Hàn Quốc nhắn nhủ.