Bài học từ người Nhật và yếu tố để Việt Nam cất cánh: Phải thay đổi được tư duy, trách nhiệm của cả 100 triệu người Việt
Để nền kinh tế Việt Nam cất cánh thì yếu tố không thể thiếu là LÒNG TIN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - ông Vũ Viết Ngoạn nhìn nhận. Đâu đó vẫn có người nói rằng Chính phủ cần thay đổi tư duy, còn ông Ngoạn thì cho rằng tất cả 100 triệu người dân Việt Nam đều cần thay đổi nhận thức, ý thức được trách nhiệm của mình…
Tại sự kiện Tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thế giới bất ổn, để mô tả về tương lai của nền kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - dùng 2 từ: Cất cánh và Lòng tin.
"Đây là một thời khắc thực sự quan trọng với Việt Nam. Đâu đó vẫn có người nói Chính phủ phải thay đổi tư duy. Tôi thì nghĩ rằng tất cả 100 triệu người dân đều cần phải thay đổi nhận thức, ý thức được trách nhiệm của mình", ông Ngoạn nhìn nhận.
Ông Ngoạn kể lại bài học đầu tiên vào những năm 1989 - 1990, khi người Nhật sang Việt Nam tổ chức một sự kiện về kinh tế. Tại đó, đại diện từ Toyota đã kể về nước Nhật - một đất nước hoang tàn sau chiến tranh thế giới thứ hai đã trở thành một nền kinh tế phát triển như thế nào. Người Nhật lúc ấy luôn nói: Chất lượng, chất lượng và chất lượng.
"Nếu bây giờ tất cả các khâu từ khâu sản xuất, dịch vụ của người dân cho đến khâu hoạch định chính sách của Chính phủ, Nhà nước đều thấm nhuần 3 khẩu hiệu đó, tôi nghĩ không có lý do gì để Việt Nam không cất cánh. Và điều đó bắt nguồn từ lòng tin của mỗi người chúng ta", Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Nếu không tranh thủ được cơ hội này, đến năm 2050 Việt Nam vẫn chỉ là một nước thu nhập trung bình
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Việt.
Ông Ngoạn cũng phân tích: Mỗi nền kinh tế đều có công cụ cạnh tranh riêng. Những nền kinh tế phát triển cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo, năng suất lao động. Còn những nền kinh tế đang có thu nhập thấp như Lào, Campuchia… cạnh tranh bằng lao động giá rẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã có mức thu nhập trung bình khoảng 4.159 USD/người/năm tính đến cuối năm 2017.
Theo ông Ngoạn, so với những nền kinh tế đã phát triển, Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi vừa mới thoát khỏi đói nghèo, một nền kinh tế ở mức trung bình thấp. Nhưng trong giai đoạn tới, chúng ta không thể cạnh tranh bằng lao động giá rẻ, mà phải cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo, năng suất lao động.
"Cơ hội đến với chúng ta theo trào lưu của thời đại, đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có tranh thủ được cơ hội này hay không? Chúng tôi đang đặt ra một khía cạnh ở góc độ các nhà kinh tế: Một là Được, hai là Mất".
"Nếu không tranh thủ được cơ hội này, thì thời cơ cho Việt Nam có lẽ sẽ không còn. Năm 2040 - 2050, Việt Nam vẫn sẽ là một nước thu nhập trung bình", ông Ngoạn nói.