GS nói trồng thử cây phong lá đỏ ở Hà Nội "không có thiệt hại ngân sách nếu thất bại"

22/01/2018 09:40 AM | Xã hội

Theo lãnh đạo công ty cây xanh Hà Nội, kinh phí trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ không dùng tiền ngân sách mà đây là do một doanh nghiệp tặng cho thành phố.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, cây phong lá đỏ đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm trên đường phố, nếu phù hợp sẽ được nhân rộng ở nhiều địa điểm khác.

Trước đó, theo ông Mạnh, Hà Nội chưa trồng thử nghiệm loại cây này ở vườn ươm hay công viên.

Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, trước khi được trồng thử nghiệm ở thành phố thì cây này đã có mặt ở nhiều vùng của nước ta như Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt.

Về kinh phí trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ không dùng tiền ngân sách mà đây là do một doanh nghiệp tài trợ cho thành phố. Các cây phong lá đỏ được trồng thử nghiệm có đường kính trên 20cm.

Lãnh đạo Công ty cũng từ chối cung cấp thêm thông tin về mức giá cụ thể cũng như bình luận về một số ý kiến xung quanh mức giá của loại cây đang được trồng thử nghiệm ở Hà Nội này.

Trao đổi với PV, lãnh đạo công ty cây xanh Đức Lộc (Hà Nội) cho hay, đơn vị là nơi đầu tiên đưa cây phong lá đỏ về Việt Nam để trồng thử nghiệm nhưng thất bại.

Theo lãnh đạo công ty này, với khí hậu đô thị thì các cây phong lá đỏ sẽ khó phát triển tốt và chỉ có một số vùng có nhiệt độ phù hợp như ở SaPa, Đà Lạt mới thích hợp, nơi có ánh nắng không quá gay gắt.

Về mức giá của cây phong lá đỏ hiện nay, theo công ty, đây không phải là dòng cây quý hiếm nhưng do màu sắc đẹp, bắt mắt và ở nước ta còn hiếm nên tùy thuộc vào kích thước của cây lớn hay nhỏ mà giá cũng sẽ dao động từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.

GS nói trồng thử cây phong lá đỏ ở Hà Nội không có thiệt hại ngân sách nếu thất bại - Ảnh 1.

Ảnh: Gia Chính.

Cụ thể, với những cây có đường kính khoảng 10cm có giá khoảng từ 12 - 15 triệu đồng/ cây. Với các cây có đường kính lớn hơn thì giá cũng rất cao và thường trong tình trạng không có hàng.

Riêng các cây được trồng thử nghiệm ở Hà Nội, theo vị này, đây là các cây có đường kính lớn trên 20cm và chắc chắn sẽ phải nhập khẩu trực tiếp về nên giá sẽ rất đắt.

Về nguồn gốc của các cây phong lá đỏ trên thị trường hiện nay, theo vị lãnh đạo công ty này thì có xuất xứ ở nhiều nước như các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Trước câu hỏi, liệu loại cây này có trồng được ở Hà Nội không, công ty này cho rằng, có thể trồng được nhưng cần phải trồng đúng quy cách và có những quy trình chăm sóc đặc biệt hơn.

Cũng trao đổi với PV, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, ông đã đi thực tế và ở miền Nam Trung Quốc trồng cây phong lá đỏ rất nhiều.

Theo GS Hùng, ưu điểm của nó là thân không to lắm, 30 năm chỉ 30-40 phân; cao vừa phải, chừng 5, 6 m; lá rất đẹp, lúc xanh màu nõn chuối, già có thể chuyển sang vàng hoặc đỏ tùy điều kiện nhiệt độ.

"Trồng ở đường phố là rất phù hợp. Nhiệt độ ở Hà Nội gần tương đương với miền Nam Trung Quốc, nên tôi đánh giá là nó sẽ mọc tốt", ông nói.

Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cũng nhấn mạnh, đây là dự án thử nghiệm do một doanh nghiệp tài trợ chứ không phải thành phố dùng tiền ngân sách nhà nước.

"Nên bà con yên tâm là không có thiệt hại ngân sách nếu thất bại", GS Hùng khẳng định.

Vị giáo sư này cũng khuyến cáo dư luận nên bình tĩnh với các thể nghiệm, vì cây bàng lá nhỏ (cây chiêu liêu) trước đây rất nhiều người nghi ngờ, giờ cũng đã ra lá.

Trước đó, theo thông tin từ TP Hà Nội, hiện thành phố đã triển khai trồng 100 cây thử nghiệm tại tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), bắt đầu từ ngã tư giao với đường Nguyễn Chánh đến chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Tại hội thảo về cây xanh, hồ nước diễn ra sáng 13/1, ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cho biết, khí hậu nước ta rất thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu những giống cây, hoa mới trên thế giới.

"Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu", ông Chung nói.

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM