GS. Nguyễn Thanh Liêm: "Trong bối cảnh dịch bệnh cam go, có 2 câu hỏi tôi thấy rất quan trọng và cần trả lời ngay!"

08/05/2021 16:39 PM | Sống

Điều không ai ngờ tới đã xảy ra, Covid-19 đã tấn công vào hàng loạt các bệnh viện - nơi trước đây vẫn được coi là thành trì của Việt Nam trong cuộc chiến Covid-19.

Bằng sự "tinh vi", virus SARS-CoV-2 đã len qua những "lỗ hổng" cách ly để lây lan ra thành những chùm ca bệnh lớn trong cộng đồng tại Hà Nam, Vĩnh Phúc. Nhưng chưa dừng ở đó, với sự "khôn ngoan" của mình, virus đã thâm nhập được vào các bệnh viện, nơi được canh phòng cẩn trọng như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Trung ương...

Làn sóng dịch lần này có mức độ rất trầm trọng, xuất hiện tại nhiều bệnh viện. Nếu như các đợt dịch trước, Covid-19 bằng cách nào đó cũng đã "len lỏi" vào bệnh viện nhưng ở những thời điểm khác nhau. Nhưng mức độ trầm trọng của đợt dịch lần này có thể thấy rõ nhất là Covid-19 xuất hiện ở nhiều bệnh viện và cùng một thời điểm. Trong bối cảnh dịch bệnh cam go như hiện nay, có 2 câu hỏi tôi thấy rất quan trọng và cần phải trả lời ngay.

Câu hỏi thứ nhất: Làm thế nào để bảo vệ được đội ngũ cán bộ y tế. Trong cuộc chiến chống Covid-19, bác sĩ, điều dưỡng được ví như là người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bệnh. Nếu như không bảo vệ được bác sĩ , điều dưỡng thì không còn lực lượng vũ trang để chiến đấu chống lại kẻ thù vô hình.

Dịch lần này quá nguy hiểm, nhiều ca cộng đồng rải rác ở nhiều tỉnh thành. Như vậy, khả năng sẽ có nhiều trường hợp mắc Covid-19 tới bệnh viện và lây cho cán bộ y tế.

Để bảo vệ cán bộ y tế, điều quan trọng bậc nhất lúc này là cần phải khẩn trương tiêm phòng vắc xin. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất và ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, để Covid-19 không "len lỏi" vào bệnh viện thì bệnh viện phải thực hiện sàng lọc người bệnh.

 GS. Nguyễn Thanh Liêm: Trong bối cảnh dịch bệnh cam go, có 2 câu hỏi tôi thấy rất quan trọng và cần trả lời ngay! - Ảnh 1.

Tất cả các trường hợp người nhà bệnh nhân tới viện nên được làm xét nghiệm sàng lọc virus. Những trường hợp dương tính cần cách ly ngay và điều trị theo đúng quy định. Làm xét nghiệm có thể gây tốn kém cho người nhà bệnh nhân, nhưng lại giúp bảo vệ bệnh viện và bác sĩ. Hạn chế người nhà tới thăm bệnh nhân. Những người thật sự cần đến thăm cũng phải làm xét nghiệm sàng lọc.

Nếu áp dụng được việc tiêm vắc xin và xét nghiệm sàng lọc, chúng ta đã tạo ra một rào chắn tốt để bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế làm việc trong bệnh viện cũng như hạn chế nguồn lây thâm nhập vào bệnh viện.

Câu hỏi thứ hai đang là bài toán khó khăn hiện nay: Có nên phong tỏa toàn bộ bệnh viện hay không? Quan điểm của tôi là cần phải cân nhắc vấn đề này.

Các đợt dịch trước đây chúng ta chỉ phong tỏa 1 bệnh viện đơn lẻ, tại Đà Nẵng 1 bệnh viện, Hà Nội 1 bệnh viện. Nhưng trong đợt dịch này, đến nay, chúng ta đã phong tỏa tới 10 bệnh viện. Nhưng không ai có thể nói trước được ngày mai có thêm 11, 15, 20 bệnh viện bị phong toả.

Vì nếu phong tỏa nhiều bệnh viện lớn đầu ngành thì bệnh nhân sẽ đi đâu khám, điều trị? Như vậy các trường hợp bệnh nhân cấp cứu nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, vỡ gan, suy hô hấp… sẽ tới cơ sở y tế nào để điều trị? Bệnh nhân không chết vì Covid-19 nhưng lại có thể tử vong vì bệnh cấp cứu.

 GS. Nguyễn Thanh Liêm: Trong bối cảnh dịch bệnh cam go, có 2 câu hỏi tôi thấy rất quan trọng và cần trả lời ngay! - Ảnh 2.

Phong tỏa toàn bệnh viện cần phải xem xét. Ví dụ, thay vào đó, phong tỏa có thể được thực hiện ở diện hẹp, khoa, phòng có người mắc Covid-19. Các khoa đặc biệt của bệnh viện như hồi sức, cấp cứu vẫn phải duy trì để cứu chữa cho bệnh nhân cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ chết.

Giãn cách xã hội, đeo khẩu trang là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K và tăng nhanh tiến độ tiêm vắc xin cùng với các biện pháp quyết liệt của Chính phủ thì dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

*Ngọc Minh (ghi)


GS. Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Cùng chuyên mục
XEM