Grab, Go-Viet, Be tuyên bố phục vụ xuyên Tết, cước từ ngày giáp Tết đã bắt đầu tăng 10-20%

02/02/2019 10:27 AM | Kinh doanh

Các siêu ứng dụng gọi xe như Grab, Go-Việt, Be, Ahamove đã công bố phục vụ khách hàng không nghỉ Tết, giá cước từ những ngày giáp Tết đã bắt đầu tăng 10-20% so với ngày thường. Để khuyến khích tài xế làm việc trong dịp Tết các ứng dụng gọi xe đã công bố chính sách thưởng.

Grab, Go-Viet, Be tuyên bố phục vụ xuyên Tết, cước từ ngày giáp Tết đã bắt đầu tăng 10-20%  - Ảnh 1.

Thông tin từ Grab cho biết, siêu ứng dụng này sẽ mở cửa phục vụ khách hàng không nghỉ Tết, cùng với hàng loạt các ưu đãi cho dịch vụ Grabfood đã được bung ra cho người dùng. Tuy nhiên những ngày cuối năm nay, lượng tài xế nghỉ về quê ăn Tết nhiều nên việc gọi xe có chậm hơn ngày thường khá lâu, giá cước được tính tăng hơn từ 10-20%.

Ngay trước thềm năm mới Grab đã được đầu tư thêm 1,5 tỷ USD, do đó, Grab được coi là siêu ứng dụng có tiềm lực mạnh nhất. Grab được nhiều người cho là dùng tiền để diệt đối thủ bằng cách liên tục có các mã khuyến mãi, giảm giá tới 50%, nhất là trong lĩnh vực mới ra thị trường chưa lâu là Grabfood. Grab không ngại đầu tư để tiêu diệt những đối thủ bám đuổi sau lưng, bằng chứng là ứng dụng giao đồ ăn Lala đã đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm vì nhìn thấy trước được tương lai sẽ không chịu nổi với kiểu cạnh tranh của các ông lớn có tiềm lực mạnh như Grab. Cũng ngay trước thềm năm mới Grab tung ra dịch vụ mới cho nạp tiền thẻ điện thoại từ ví điện tử Grab by Moca.

Ahamove cho biết sẽ mở cửa ứng dụng suốt Tết, phục vụ cho người dùng giao hàng online bán mở hàng trong dịp Tết. Tuy nhiên, trong mấy ngày Tết số đơn hàng chắc sẽ ít và giá cước xe sẽ tăng cao. Cũng giống như Grab, việc gọi xe kể từ ngày 25 Tết đã khá khó khăn do một số lượng lớn tài xế đã nghỉ về quê ăn Tết. Giá cước của Ahamove kể từ ngày 25 Tết đã tăng nhẹ từ 10-20%. Ahamove là ứng dụng giao hàng tức thời có thị phần khá lớn chỉ đứng sau Grab, hiện Ahamove có 60.000 tài xế đăng ký hoạt động ở Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà các ứng dụng gọi xe phải đối mặt là dịp Tết rất nhiều tài xế nghỉ về quê ăn Tết, do đó thiếu hụt đi một lượng xe lớn, trong khi nhu cầu của khách hàng lại tăng đột biến trước và trong kỳ nghỉ Tết. Để khuyến khích tài xế tham gia cung cấp dịch vụ ở Hà Nội và TP.HCM trong mấy ngày nghỉ Tết, ngoài việc áp dụng mức cước cao hơn bình thường, cả Grab và Ahamove đều áp dụng chính sách thưởng để khuyến khích tài xế làm việc. Số tiền thưởng sẽ được tính theo năng suất làm việc của tài xế, tài xế nào làm việc tích cực có cơ hội nhận thưởng tới 10 triệu đồng. Với chính sách này sẽ có lợi cho tài xế tranh thủ phục vụ trong mấy ngày Tết.

Tân binh Be dù mới ra mắt cũng tung mã khuyến mãi 35.000 đồng/chuyến cho khách hàng áp dụng đến hết ngày mùng Một Tết.

Go-Việt công bố giảm thẳng 50% cước cho khách hàng từ ngày 23 tháng Chạp cho đến hết ngày 27 Tết, khách hàng không cần nhập mã mà được trừ thẳng tiền khi đặt xe.

Thị trường gọi xe qua ứng dụng ở Việt Nam đã cực kỳ sôi động khi có sự nhập cuộc của một loạt các tân binh nội như Fastgo, Vato, Aber, Be... trong năm qua. Nhưng thực tế các doanh nghiệp nội không đủ sức đấu với Grab cả về công nghệ lẫn nguồn vốn. Grab đã bộc lộ rõ toan tính thôn tính thị trường khi mà liên tục tung ra khuyến mãi khủng để thu hút cả đội ngũ tài xế cũng như người dùng. Doanh nghiệp Việt có thể bám đuổi Grab hiện chỉ có Ahamove ở phân khúc giao hàng tức thời, còn các ứng dụng gọi xe khác có quy mô rất nhỏ.

Theo Đình Anh

Cùng chuyên mục
XEM