Google, Facebook đã là gì? Thời chưa có mạng xã hội ông cha ta đã viết quảng cáo hay "bá cháy" thế này rồi
Các bạn đừng cho rằng chỉ thời chúng ta có Facebook, Google mới biết viết quảng cáo. Tuy ngày xưa quảng cáo Việt chưa thực sự phát triển, nhưng ông cha ta đã tạo ra những câu chữ mời chào khách hàng rất thú vị và táo bạo.
Có thể nói, cách làm quảng cáo ở Việt Nam đang đi theo một lối mòn. Nhiều DN viết quảng cáo, đặt thông điệp mà tất cả đều ná ná nhau, càng vần điệu thơ văn mới hay, mới tốt...
Cứ hãng sữa bột cho trẻ con thì sẽ là: "Con khỏe thông minh, nhà nhà cùng vui" và cảnh sẽ là một đứa trẻ tu hết một chai sữa rồi lớn như thổi, hay thông minh ngời ngời trước sự vui mừng của bố mẹ, cô giáo và bác sỹ?
Hay các hãng trong ngành công nghiệp nước đóng chai thì đều mang thông điệp nom như một kiểu: "Nước tinh khiết cho mọi nhà", "Nước khoáng tinh khiết...", với hình ảnh một người mồ hôi đầm đìa uống hết cả chai nước, không uống hết thì đổ cả lên đầu?
Ban đầu thì những quảng cáo trên có thể tạo được dấu ấn với khách hàng, nhưng càng về sau, nếu DN vẫn sử dụng những chiêu thức cũ như vậy thì sản phẩm hay thương hiệu của bạn sẽ trở nên nhàm chán, vì ai cũng "giống nhau".
Đến khi ấy, sẽ có một thương hiệu mới nổi lên, họ sử dụng phương thức quảng cáo độc đáo, dễ dàng chiếm lấy thị phần của bạn một cách "ngon như mẹ nấu"!
Sau đây, chúng tôi xin được đưa lại một số mẩu quảng cáo cũ để phân tích cho bạn thấy cách người xưa tư duy và tiến hành theo phương thức nào, từ đó rút ra bài học, mong rằng sau này bạn có thể áp dụng chúng để viết quảng cáo thật sáng tạo.
"Người lịch sự chỉ dùng giầy Bata - Vừa đẹp vừa bền nhất"
Câu quảng cáo viết định vị rất ổn: Đẹp và bền. Lại còn định vị luôn tệp khách hàng của mình là người lịch sự bằng cách nói người lịch sự chỉ dùng giầy của chúng tôi.
Ai chả muốn là người lịch sự trong mắt người khác? Nếu chỉ việc dùng giầy Bata thể hiện là người lịch sự thì ai ai cũng muốn mua. Giầy thôi mà, Bata lại còn là giầy vải, rẻ, đẹp lại bền.
Mặt khác, đoạn này nhiều người sẽ nghĩ, quảng cáo xưa sao mà xàm xí, ai thể hiện lịch sự bằng việc dùng giầy? Tuy vậy, sự "ngông" trong quảng cáo này lại dễ gây chú ý, vì nó "không bình thường". Nên cái hay ở đây, là ở chuyện "ngông" nhiều hơn cả là "định vị".
Về độ ngông, chúng ta có một ví dụ về trường hợp của dòng xe hơi là Hyundai Accent. Khi ra mắt dòng xe này, Hyundai thể hiện bằng một tấm biển quảng cáo đầy thách thức: "Cần tìm đối thủ".
Có thể với một số thanh niên trẻ, họ thấy thú vị và cho rằng hình ảnh xe trông càng ngầu hơn khi kết hợp với câu chữ trên và họ muốn sở hữu nó, tò mò vì sao Hyundai lại có thể tự tin như vậy. Nhưng nhiều người trung tuổi họ lại không mấy ưa thích và tìm sang dòng xe khác "khoe" khiêm tốn hơn.
Vậy bài học rút ra ở đây?
- Định vị đặc tính khách hàng của mình gắn kèm với thương hiệu sản phẩm. Đặc tính này tìm ra dựa trên những yếu tố mà số đông đang muốn hướng tới.
- Quảng cáo "ngông" một chút, đôi khi lại thu hút sự chú ý. Nhưng nhớ khéo léo trong cách dùng bạn nhé!
"Trồng lúa mới có gạo mà ăn..."
Câu tiêu đề khiến chúng ta dễ liên tưởng tới một hãng phân bón hay đại loại một tấm biển gia tăng năng suất lao động nào đó.
Nhưng đến khi đọc tới "thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn...", chúng ta mới thấy thật ngạc nhiên.
Câu tiêu đề tưởng như không liên quan và câu quảng cáo cho sản phẩm như đóng theo một cặp: "Trồng lúa mới có gạo mà ăn - Trồng răng mới có răng mà ăn", mà muốn răng khỏe, răng tốt để ăn cơm thì phải dùng kem đánh răng nhãn hiệu Hynos...
Các cụ đã viết quảng cáo để người đọc phải tư duy ngược, nhằm tạo hiệu ứng mâu thuẫn trong tâm trí khách hàng, từ đó nghĩ rằng quảng cáo đang bị sai mà đọc tiếp.
Với một câu tiêu đề phủ đầu kích cỡ lớn kết hợp hình ảnh tuýp đánh răng dường như lệch tông, chúng khơi gợi trí tò mò người xem, cuối cùng bắt họ phải lần mò mà đọc hết những dòng chữ nhỏ phía dưới.
Thông điệp đưa ra ở đây là: "Răng đánh sớm chiều, Răng vững bền nhiều". Vẫn theo lối vần điệu, nhưng nội dung đưa ra rõ ràng và không quá trừu tượng chung chung.
Vậy bài học rút ra ở đây?
Viết quảng cáo theo lối tư duy ngược, đẩy vế kết quả lên trên vế nguyên nhân. Sử dụng hình ảnh minh họa khôn khéo, vẫn kèm theo ảnh sản phẩm bên cạnh để lấy được trí tò mò và bắt khách hàng đọc hết thông tin của mình.
Tuy nhiên cách làm này phải thật khéo léo, chọn sao có câu tít phải thật gợi, nếu không người đọc sẽ không hiểu quảng cáo của bạn nói về cái gì, ngó lơ luôn từ giây thứ 0,5.
"Người Việt dùng hàng Việt"
Câu tít trên thể hiện cách nói khác của: "Người Việt dùng hàng Việt"
Đó là: "Ta về ta tắm ao ta, dẫu là đục, ao nhà vẫn hơn". Rất thơ văn, ẩn ý và gợi nhiều ý nghĩa.
Quan tài là một sản phẩm ít người có thể đem ra để quảng cáo, nói chi là đến quảng cáo hay và khéo. Câu chốt sale rất đắt giá và đi sâu vào lòng người: "Sống một cái nhà, thác một cái hòm".
Hòm Tobia đã đánh mạnh vào tinh thần yêu nước của người Việt Nam bấy giờ: một là dùng hàng Việt, hai là sống và chết cũng trên quê hương. Câu "Phi-luật-tân" (nước Philippines) cũng khen đẹp được sử dụng để quáng bá sản phẩm, rằng nước ngoài còn trầm trồ ca ngợi trước sản phẩm nước Nam.
Vậy bài học rút ra ở đây?
Phân tích tình hình bối cảnh đất nước nói chung, không phải chỉ đặc tính của tệp khách hàng nữa.
Đối với các mặt hàng Việt Nam, cách thức khơi dậy tinh thần dân tộc rất quan trọng. Nếu sản phẩm của bạn tốt, khách hàng sẽ ủng hộ hết mình, chả phải đi đâu xa hay đặt hàng nước ngoài để mua. Như bạn thấy ở Việt Nam, cà phê Trung Nguyên đã làm rất tốt khâu này.