Google Doodle vinh danh Seiichi Miyake: Nhà sáng chế Nhật Bản với phát minh vĩ đại dành cho người khiếm thị
Với công trình nổi tiếng mang tên "khối Tenji" (gạch tenji, khối xúc giác), Seiichi Miyake đã tạo nên một phương pháp mang tính cách mạng, giúp cộng đồng người khiếm thị có thể tham gia giao thông một cách dễ dàng hơn.
Ngày hôm nay, 18/03, Google Doodle đã chính thức thay đổi giao diện để vinh danh nhà sáng chế người Nhật Seiichi Miyake (1926 - 1982) cùng sự đóng góp lớn lao của ông đối với nhân loại. Chữ "Google" cách điệu được trạm nổi trên những khối gạch màu vàng kỳ lạ, xuất hiện tại trang chủ Google đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của internet.
Hình ảnh Google Doodle vinh danh 52 năm phát minh ra gạch xúc giác của nhà sáng chế người Nhật Seiichi Miyake
Khi nghe lần đầu, cái tên Seiichi Miyake có thể lạ lẫm với nhiều người, nhưng thực tế Miyake chính là người đã sáng chế ra "khối Kenji", một phát minh mang tính cách mạng giúp người khiếm thị tham gia giao thông an toàn hơn, khiến toàn thế giới phải nể phục và đến bây giờ vẫn được áp dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi.
Phát minh vĩ đại bắt nguồn từ mong ước giản đơn
Bắt nguồn từ mong muốn giúp đỡ một người bạn bị khiếm thị, Miyake khi đó đã quyết định tạo ra một công cụ nhằm giúp những người cùng hoàn cảnh có thể nhận biết và cảnh báo nguy hiểm khi tham gia giao thông. Điều đặc biệt là ông đã tự bỏ tiền túi của mình ra để phát triển dự án này.
Năm 1965, Miyake đã chính thức tạo ra "gạch xúc giác" hay còn được gọi là "khối Tenji". Tới ngày 18/03 năm 1967, tức 52 năm trước, Miyake giới thiệu công trình của mình lần đầu tiên với thế giới tại thành phố Okayama, Nhật Bản, tại một địa điểm cạnh trường học dành cho người mù.
Không dừng lại, Miyake tiếp tục cải tiến viên gạch xúc giác để giúp người khiếm thị có thể tự di chuyển một cách an toàn hơn, cách mạng hóa giao thông và thay đổi hoàn toàn cách mà những người mù tương tác với thế giới, giống như phát minh chữ nổi của nhà sáng chế người Pháp Louis Braille vậy.
Gạch xúc giác báo hiệu dừng lại hoặc có thể di chuyển bằng những nốt trám nổi trên bề mặt
Tới những năm 1970s, Những lợi ích mà gạch xúc giác của Miyake đem lại đã biến nó trở thành công trình bắt buộc phải có ở tất cả các tuyến đường sắt tại Nhật Bản. Phát minh sau đó cũng nhanh chóng được các quốc gia khắp thế giới áp dụng trên phạm vi toàn cầu.
Cách hoạt động của gạch xúc giác
Có 2 mẫu gạch xúc giác chính được Miyake phát minh, giúp người khiếm thị phát hiện cảnh báo nguy hiểm bằng chân hoặc bằng gây, trong đó một loại gạch được thiết kế với chấm tròn, loại còn lại được lắp những thanh bar dẹt và dài. Những viên gạch này thường xuất hiện tại rìa của ga tàu hoặc trước đường cao tốc, đường sắt, hố ga, v.v...
Khối tenji (gạch xúc giác) được gắn tại những nơi công cộng, giúp người khiếm thị di chuyển một cách an toàn
Ngoài 2 loại trên, gạch xúc giác ngày nay cũng được thiết kế thêm nhiều kiểu hình mới mẻ, mục đích nhằm đưa ra các thông báo khác nhau cho người khiếm thị, giúp họ đi lại dễ dàng hơn. Để xác định gạch xúc giác, người ta có thể dùng chân, dùng gậy hoặc chó dẫn đường.
Đến nay, những viên gạch của Miyake vẫn xuất hiện trên khắp thế giới, hàng ngày giúp đỡ những người khiếm thị tham gia giao thông một an toàn và thuận tiện, tất cả đều bắt nguồn tự trí sáng tạo, sự tận tâm và lòng yêu thương con người của nhà phát minh người Nhật.