Goldman Sachs và ván bài 99% dân số
Với dịch vụ mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến mới, liệu Golman Sachs có thể trở thành người bạn đồng hành thân thiết của khách hàng lẻ và các doanh nghiệp nhỏ?
Với dịch vụ tài khoản tiết kiệm trực tuyến mới, để tham gia Goldman Sachs , khách hàng chỉ cần có 1 USD là đã được mở tài khoản và hơn nữa còn nhận được tỉ lệ lãi suất tốt hơn gấp 100 lần so với các Ngân hàng bán lẻ lớn của Mỹ.
Động thái này được tung ra nhằm mục đích thu hút thêm các khách hàng trên Phố Chính (ý chỉ nhóm người dân bình thường, đối lập với nhóm chuyên về tài chính chứng khoán là phố Wall) - nhóm chiếm 99% dân số so với nhóm 1% những người giàu nhất. Goldman đã bỏ ra 16 tỷ USD để mua lại mảng tài chính của GE. Tuy nhiên ý tưởng ấy không hoàn toàn thuận lợi.
Khách hàng Phố Chính khá e ngại trước hệ thống menu tự động của ngân hàng, đặc biệt là sau khi hệ thống này không thể nhận diện các cấu trúc đơn giản. Một vài khách hàng cho biết để mở tài khoản cần mất rất nhiều thời gian; có khách hàng lại phàn nàn rằng họ không thể truy cập trang web trên iPad hoặc Chromebook.
Thậm chí, khác với nhiều nhà cung cấp tài khoản tiết kiệm trực tuyến khác như Capital One, American Express hay Discover, tổng đài của Ngân hàng GS đặt tại Ceder Rapids, Iowa cũng không trực điện thoại 24/24.
Goldman hiện đang mở rộng hoạt động ra Phố Chính với một lý do rất đơn giản: cuộc sống tại Phố Wall đang ngày càng khó khăn hơn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một vài ngành kinh doanh trước đây vô cùng lớn mạnh như tự doanh đang phải chật vật với các quy định chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó là xu hướng chuyển dịch sang nền tảng điện tử; trong khi đó, trước tình hình thị trường đầy biến động, khách hàng đang dần từ bỏ các mối làm ăn lớn và phức tạp – sở trường trước đây của Goldman.
Đồng thời, với xu hướng chuyển dịch từ đầu tư chủ động sang bị động, thu nhập của bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng đang giảm dần. Ngay cả phân khúc đầu tư và cho vay của Goldman cũng bị hạn chế bởi các rào cản mới trong lĩnh vực kinh doanh độc quyền.
Khó khăn sau khủng hoảng
Sau khi trượt xuống mức dưới 10% vào năm ngoái, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (RoE) của Goldman được dự đoán sẽ đạt khoảng 8% trong năm 2016, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp RoE ở mức một con số, đồng thời, cũng là mức thấp nhất kể từ khi Goldman phát hành cổ phiếu ra công chúng vào năm 1999.
Không chỉ vậy, Goldman đã đánh mất danh hiệu ngân hàng niêm yết có lợi nhuận cao nhất tại Phố Wall vào tay JPMorgan Chase trong bốn quý gần đây.
Các quản lý tại Goldman cho biết hoạt động của ngân hàng đang chững lại. Theo thống kê của công ty môi giới CLSA, thu nhập hàng năm của Goldman giữ ở mức 34 tỉ USD kể từ năm 2012 mặc dù tổ chức này đã cắt giảm 1/5 lượng tài sản rủi ro lớn.
Lĩnh vực thanh toán cũng đi xuống khá nhiều. Trong quý hai năm nay, các chi phí phát sinh của Goldman bao gồm bồi thường và trợ cấp đều giảm xuống bằng một nửa so với 10 năm trước.
Những vấn đề trên có thể được giải quyết nếu tình hình thị trường khả quan hơn. Tuy nhiên, không ai có thể bảo đảm thị trường sẽ sôi động trở lại. Không những thế, ngay cả khi các ngân hàng lớn nhất vượt qua khủng hoảng, thì Cục Dự Trữ Liên Bang cũng sẽ không để những ngân hàng này thu về 100% lợi nhuận thông qua cổ tức và hoạt động mua lại cổ phần.
Do đó, Goldman cần có dòng thu nhập mới để kích thích RoE. Goldman đã thuê nhiều quản lý cấp cao tại các công ty lớn nhằm thực hiện nhiều kế hoạch mới trong mùa thu năm nay. Nhiều sản phẩm ngân hàng bán lẻ như cho vay mua xe hay thế chấp…cũng sẽ sớm được tung ra.
Đẩy mạnh bán lẻ
Trước khủng hoảng tài chính, Goldman thậm chí còn không có một ngân hàng bảo lãnh liên bang. Tuy nhiên, vào năm 2008, để nhận được khoản hỗ trợ tài chính, Goldman buộc phải mở một ngân hàng bảo lãnh.
Từ đó đến nay, Goldman luôn tập trung vào các khoản tiền gửi dài hạn và tìm cách giảm mức độ phụ thuộc vào các thị trường nợ ngắn hạn đã đóng băng sau khủng hoảng.
Tiền gửi của khách lẻ tại Goldman hiện chiếm 23% vốn kết hợp của ngân hàng. Với vốn kết hợp mới, khả năng xảy ra khủng hoảng thanh khoản là khá thấp; đồng thời, lợi nhuận của Goldman cũng tăng lên.
Xây dựng lại hình ảnh
Quá trình xây dựng hình ảnh người bạn đồng hành của khách lẻ và doanh nghiệp nhỏ của Goldman không hề dễ dàng.
Với nhiều người Mỹ, sau khủng hoảng tài chính, thương hiệu Goldman Sachs thường gợi nhớ đến những vấn đề chính trị và pháp luật hơn là các chương trình từ thiện. Tuy nhiên, với nhiều người, cái tên Goldman gần như không có ý nghĩa gì.
Nhiều cựu nhân viên của Goldman Sachs cũng băn khoăn liệu những người mới trong khu vực dịch vụ tài chính khách hàng số có thể phát triển tại ngân hàng hay không, nhất là khi trước đây, ngân hàng chỉ tập trung bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo của mình.
Không chỉ vậy, ở Goldman Sachs còn tồn tại một mâu thuẫn cơ bản. Trong khi lợi nhuận từ hoạt động ngân hàng bán lẻ phụ thuộc vào các giao dịch đơn giản, lợi nhuận thấp với cường độ lớn; thì chiến lược nòng cốt của Goldman trong hơn 147 năm qua lại là tập trung vào các giao dịch phức tạp với những khách hàng lớn.
Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, Goldman đang bắt đầu quá trình “tiến hoá”, nhưng vẫn còn ở tốc độ chậm hơn so với khả năng.