Gọi Grab là "doanh nghiệp vận tải" là đánh tráo khái niệm?

25/10/2018 08:33 AM | Kinh doanh

Việc trừng phạt Grab khiến nhiều người phản ứng mạnh mẽ vì coi đó là hành động “bôi tro trát trấu vào mặt nước ta trước thềm kỷ nguyên 4.0 của toàn nhân loại”.

Tòa án chưa đủ căn cứ để ra phán quyết như đề nghị của Viện kiểm sát

Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab) chiều 23/10, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát cho biết đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi.

Mặc dù theo đề án 24, Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối nhưng giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải. Đồng thời cũng điều hành dịch vụ vận tải taxi: thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế,… Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng. Từ đây có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24.

Trên cơ sở các con số được điều tra và tính toán, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và Cộng sự) cho ICTnews biết, Viện kiểm sát TP.HCM nói đúng về mặt luật pháp, nhưng chưa nói đúng về bản chất của vấn đề ở chỗ luật pháp hiện chưa đẩy đủ, chưa phù hợp với sự phát triển. Bản chất là Grab kinh doanh công nghệ, Grab không kinh doanh vận tải, thậm chí Grab không có một chiếc xe nào để kinh doanh. Bản chất ở đây là một nền kinh tế chia sẻ đang có xu hướng phát triển rất mạnh trên thế giới, thực chất Grab chia sẻ cộng nghệ kết nối với tất cả các hãng taxi khác, với người có xe. Do đó, phải nhanh chóng sửa đổi Luật để khuyến khích các công nghệ mới phát triển.

“Đề nghị của Viện kiểm sát chỉ là một ý kiến, Tòa cần tham khảo ý kiến quan trọng của Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đã cấp phép thử nghiệm cho Grab. Theo tôi, Tòa án chưa đủ căn cứ để ra phán quyết, bởi vì những chứng cứ về thiệt hại mà Vinasun đưa ra chưa có đủ cơ sở để chứng minh thiệt hại. Lợi nhuận của Vinasun giảm sút chưa thể khẳng định được là lỗi do Grab”, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành khẳng định.

"Đề nghị của Viện kiểm sát chỉ là một ý kiến, Tòa cần tham khảo ý kiến quan trọng của Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đã cấp phép thử nghiệm cho Grab. Theo tôi, Tòa án chưa đủ căn cứ để ra phán quyết, bởi vì những chứng cứ về thiệt hại mà Vinasun đưa ra chưa có đủ cơ sở để chứng minh thiệt hại. Lợi nhuận của Vinasun giảm sút chưa thể khẳng định được là lỗi do Grab", Luật sư Nguyễn Hoàn Thành khẳng định.

Gọi Grab là doanh nghiệp vận tải là đánh tráo khái niệm? - Ảnh 1.

Vụ kiện giữa Vinasun và Grab chưa hạ hồi phân giải. (Ảnh minh họa: Internet)

Cần sớm có luật về kinh tế chia sẻ

Cũng theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, người lao động có nguy cơ mất việc làm do các doanh nghiệp sẽ sử dụng tự động hóa, vậy khi đó người lao động cũng sẽ đi kiện AI làm họ mất việc hay sao. Vinasun phải tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi Luật để khuyến khích nền kinh tế chia sẻ phát triển.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đưa ra đề nghị, nhiều người đã lên tiếng cho rằng, nếu Toà án xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì đó sẽ là "một cái tát" vào mặt môi trường, văn hoá kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta.

Hàng chục các hãng taxi truyền thống khác sẽ kiện Grab cho đến khi Grab rút khỏi Việt Nam. Không chỉ  taxi mà các hãng kinh doanh ăn uống, các hãng vận chuyển hàng hóa cũng sẽ kiện Grab vì hiện Grab đã có dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn. Thêm vào đó không chỉ Grab bị kiện mà một loạt các ứng dụng chia sẻ khác như Fastgo, Goviet cũng có nguy cơ bị kiện như Grab.

Và với tư duy cạnh tranh theo kiểu Vinasun, không chỉ có ứng dụng gọi xe, mà một loạt các nền tảng kinh doanh online khác cũng có thể bị kiện, ví dụ ngành bán lẻ truyền thống sẽ kiện các hãng kinh doanh online như Lazada, Tiki, Shopee khi cướp mất thị phần của họ.

Một số chuyên gia còn cho rằng, việc gọi Grab là "doanh nghiệp vận tải" là đánh tráo khái niệm, chẳng khác nào gọi các công ty nước ngoài đang cung cấp hệ thống bán vé máy bay ở Việt Nam là các "hãng hàng không".

Trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng: "Việc trừng phạt Grab là hành động "Bôi tro trát trấu vào mặt nước ta trước thềm kỷ nguyên 4.0 của toàn nhân loại".

Hồi giữa tháng 9, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ với Bộ TT&TT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng đã nêu vấn đề pháp lý phải được sửa đổi, nếu muốn đưa đất nước trở thành cường quốc về CNTT thì Việt Nam cần đi đầu trong khuôn khổ pháp lý về số hóa.

Ông Bình nêu ra một dẫn chứng rất cụ thể liên quan đến chính sách cho các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới của Uber và Grab. Theo đó, ông Trương Gia Bình đã phát biểu rất thẳng thắn: "Các quy định do chúng ta quyết định, nếu ứng xử với Uber như vừa rồi thì ai còn muốn đầu tư vào Việt Nam nữa. Một mô hình kinh doanh công nghệ hiện đại mà rất nhiều nước phát triển khuyến khích, Việt Nam lại cản trở. Thông thường khi một mô hình kinh doanh mới ra đời thì mô hình cũ sẽ tìm cách cản trở, vậy chúng ta sẽ ứng xử với mô hình cũ thế nào, thay đổi chính sách thế nào để thúc đẩy mô hình mới, điều này rất cần để phát triển".

Theo Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM