Góc tối đằng sau vẻ hào nhoáng tại thành phố của giới siêu giàu - Hong Kong

17/07/2017 14:17 PM | Sống

Thay vì được hưởng một cuộc sống an nhàn, những người cao tuổi nghèo khổ của Hong Kong đang phải chật vật mưu sinh với thu nhập chỉ 2,6 USD/ngày.

Khi màn đêm buông xuống một "đội quân" những lao động cao tuổi tuổi bắt đầu đổ xuống đường phố Hong Kong. Những chiếc lưng còng đi vì các căn bệnh cột sống hay đơn giản là vì những gánh nặng cuộc đời đầy lam lũ, mưu sinh bằng việc nhặt bìa carton để bán với số tiền ít ỏi 2,6 USD/ngày.

Hong Kong được biết đến là nơi hội tụ của giới siêu giàu kể từ khi được trao trả về cho chính quyền Trung Quốc năm 1997. Thế nhưng, cũng chính nơi đây, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, theo chỉ số đánh giá tiêu chuẩn về bình đẳng thu nhập. Đến năm 2017, khoảng cách giàu nghèo ở khu vực này đã lên đến ngưỡng cao nhất trong khu vực châu Á, thậm chí vượt cả Mỹ và Anh.

Bà Fok Mei-sung, một nông dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho hay, "Số tiền tôi kiếm được chỉ đủ để mua thức ăn sống qua ngày". Bà chuyển tới Hong Kong sống cũng là vì các nhà máy ổ ạt chuyển về khu vực nông thôn, biến diện tích đất nông nghiệp trở thành đất để xây các khu nhà cao tầng cho tầng lớp trung lưu đang ngày một đông. Điều này càng khiến sự phân hóa giàu nghèo xung quanh khu vực bà sinh sống càng trở nên rõ rệt.

Câu chuyện của bà Fok chỉ là chương nhỏ trong "cuốn sách" về mảnh đời bất hạnh phải chịu sự phân hóa giàu nghèo. Điều này đang ngày càng vượt ra ngoài nhận thức của xã hội. Hồi cuối tháng 6, một cuộc biểu tình đã xảy ra sau khi một cụ già thu lượm bìa carton 75 tuổi bị bắt và bị phạt 5.000 đô la Hong Kong vì tội mua bán trái phép một tấm bìa carton trị giá chỉ 1 đô la Hong Kong. Cục Quản lý Vệ sinh An toàn Môi trường và Thực phẩm sau đó hủy bỏ lệnh bắt giữ sau khi cơ quan này đàm phán với những người biểu tình.

Ông Terry Lum- Giáo sư trường Đại học Hong Kong đồng thời là giám đốc của Trung tâm Sau Po Centre on Aging cho hay, "Những con người già nua, nghèo khổ này đã từng cống hiến toàn bộ tuổi trẻ của mình để xây dựng nên thành phố tươi đẹp như ngày hôm nay. Thế nhưng, những gì bạn nhìn thấy ngay lúc này là nhóm những người lao động nghèo khổ đang dần bị quên lãng. Họ đang sử dụng chút sức lực cuối cùng để thu gom những tấm bìa carton, bán với giá vô cùng rẻ mạt để đủ nuôi sống bản thân".

Nhiều người trong số họ, đặc biệt là phụ nữ trình độ học thức thấp, đã di cư đến Hong Kong vào những năm 1990 với khao khát được cải thiện cuộc sống và làm những công việc lao động chân tay rẻ mạt. Chính quyền Hong Kong coi họ là đối tượng rất dễ bị tổn thương và cần được giúp đỡ. 44% trong số những người này làm công việc dọn dẹp vệ sinh, trong đó 78% là phụ nữ.

Bà Fok cũng từng làm công việc này trước khi nghỉ hưu. Với mức lương thấp như vậy cùng với sự bùng nổ bất động sản với giá nhà tăng lên tới 400% so với thời kỳ lao dốc năm 2003, bà gần như không thể mua nổi một căn nhà nhỏ. Bà thường xuyên nghĩ về những người hàng xóm cũ - những người được nhận một khoản lớn tiền đền bù thu hồi đất và đang có một cuộc sống an nhàn. Trong khi đó, bà thì Fok không được xét vào diện đền bù đất do trước đó bà đã chuyển tới Hong Kong.

"Bây giờ họ đang rất giàu có, thậm chí họ còn chẳng thể tiêu hết nổi số tiền được đền bù. Ngay cả khi sau khi tiêu một khoản lớn vào các dịp lễ thì họ vẫn thừa tiền để đi du lịch. Bằng tuổi tôi, họ được sống thảnh thơi, nhâm nhi trà mỗi ngày, chơi thể thao. Thật là một cuộc sống nhiều người cao tuổi hằng mong có được", bà Fok cho hay.

Nhà ở xã hội và khoản tiền trợ cấp cho người già dường như còn quá ít, không đủ để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Họ đã dành hàng thập kỷ để đi làm những công việc vất vả, rẻ mạt, đến giờ thì già yếu, bệnh tật và không thể phụ thuộc vào con cái. Để chờ đợi một căn nhà xã hội thì rất mất thời gian, có khi lên tới 5 năm mặc dù chính phủ cam kết sẽ xây dựng thêm nhiều công trình nhà ở cho những người thu nhập thấp.

Trong gần như hết cuộc đời làm việc của mình, bà dành ra 2/3 số tiền lương 3.000 đô la Hong Kong để trả tiền nhà. Thậm chí, có lúc lương của bà lên tới đỉnh điểm 6.000 đô la Hong Kong/tháng thì tiền nhà cũng tăng gấp đôi. Sau khi bà nghỉ hưu công việc dọn dẹp vệ sinh, số tiền 50.000 đô là Hong Kong mà bà đã tiết kiệm trong vòng 2 thập kỷ đã tiêu hết không còn đồng nào chỉ trong vòng 2 năm. Sau 5 năm chờ đợi, cuối cùng bà cũng được chính phủ cấp cho ngôi nhà.

"Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì giờ đây gánh nặng đồng tiền đè lên vai tôi đã được trút bỏ đi rất nhiều. Thế nhưng, tôi biết rằng vẫn còn rất nhiều người kém may mắn hơn tôi. Chúng tôi vẫn nhận được khoản trợ cấp 2.490 đô la Hong Kong hàng tháng từ chính phủ nhưng số tiền ấy không đủ để an dưỡng tuổi già mà chỉ đủ mua những mớ rau đắt đỏ ngoài chợ. Thời gian nghỉ ngơi thư giãn với tôi là một điều xa xỉ. Tôi hy vọng rằng những khổ cực mà tôi đang phải gánh sẽ là bước đệm cho con cháu tôi sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn", bà Fok chia sẻ.

Theo Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM