Góc khuất của Phong trào chống miệt thị ngoại hình: Nỗi thống khổ "hít không khí cũng béo" hay sự ngụy biện để lười tập thể dục và không phải giảm cân?
Body shaming – Miệt thị ngoại hình là hành vi đánh giá và phán xét ngoại hình người khác đang bị tẩy chay ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Thế nhưng, cũng giống như #Metoo, phong trào chống Miệt thị ngoại hình đã phần nào bị "biến chất" để đem ra làm "bình phong" cho những người lười tập thể dục và không muốn giảm cân.
Trước đây, miệt thị ngoại hình thường bị lên án là hành vi xấu cần phải chống đối vì những hệ lụy đau thương mà mà nó gây ra cho những nạn nhân, vốn là những người bị gắn mác "mập, béo, quá cỡ" hoặc "quá ốm, rạn da"… Những lời công kích cá nhân tưởng như vô thưởng vô phạt về nhan sắc nhưng lại có sức đả thương khiến nhiều nạn nhân ngày đêm mất ăn, mất ngủ, lo âu suy sụp hay thậm chí là muốn tự tử.
Không riêng gì ở các nước phương Đông vốn ưa chuộng vẻ đẹp "mình hạc xương mai" mà ngay cả ở các nước phương Tây, vốn được cho là văn minh hiện đại thì hiện tượng miệt thị ngoại hình vẫn diễn ra. Điển hình là các bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội hay trong môi trường công sở, học đường. Bất ngờ hơn, ngay cả những người nổi tiếng và tài năng như nữ ca sỹ người Anh Adele vẫn thường bị gọi là béo.
Ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những nạn nhân bị miệt thị ngoại hình có nguy cơ phát triển các căn như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ cơ cao gấp ba lần so người thường. Điều đó cho thấy rằng sự xấu hổ và tự ti về nhan sắc có thể dẫn đến những mối nguy hại trầm trọng về mặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Thế nên, đứng trước hiểm họa từ hậu quả của miệt thị ngoại hình thì vô hình chung, quyền "tự do ngôn luận", bỗng chốc trở thành một "tội lỗi" và đôi khi còn bị quy chụp là "tội ác". Đặc biệt là đối với những phụ nữ chịu áp lực về vấn đề cân nặng, không nói đến những người đang tìm cách giảm cân để trở nên khỏe mạnh và thon gọn hơn, thì có một bộ phận những phụ nữ thật sự "thừa cân" luôn cảm thấy nhạy cảm mỗi khi đề cập đến vấn đề ngoại hình, cân nặng hay đơn thuần là sức khỏe chung chung.
Đối với nhóm người này, lại chia thành hai nhóm nhỏ, đó là" Nhóm hít không khí cũng béo" và "Nhóm ngụy biện".
Đối với "Nhóm hít không khí cũng béo" thì một ví dụ điển hình là Nữ người mẫu ngoại cỡ Ashley Graham với sắc vóc mũm mĩm từ khi mới lọt lòng. Thuộc dạng xương to và đã làm mọi cách nhưng không thể ốm được như các người mẫu khác, song, Ashley vẫn cố gắng luyện tập để thân hình săn chắc và có đường cong. Tuy cô cũng là nhà đấu tranh chống miệt thị ngoại hình tích cực nhưng hàng ngày Ashley cũng không quên ăn uống điều độ, chăm tập thể thao và tu dưỡng nhan sắc phù hợp với thể tạng. Trường hợp này, cô đã thành công, trở nên nổi tiếng và là nguồn cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới có cùng hoàn cảnh trót sinh ra không được mảnh mai.
Bàn về nhóm thứ hai, "Nhóm ngụy biện" thì lại là một câu chuyện khác. Đây là nhóm những người có thể giảm béo nhưng lại không muốn hoặc chưa từng thử tập thể dục, thể thao. Họ chỉ chăm chăm thưởng thức và hưởng thụ các món ngon, lười vận đồng, uống rượu bia hoặc caffein quá độ hay thích ngủ li bì,… khiến cho họ không thể có ngoại hình hoàn hảo. Hay nói đúng hơn, chính bản thân họ cũng chưa từng nghĩ đến việc "tự làm cho bản thân đẹp hơn". Thế nhưng, khi có ai đó, dù là gia đình, bạn bè, sếp và đồng nghiệp khơi gợi về vấn đề này thì ngay lập tức họ như xù lông nhím và cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Và lẽ tất nhiên, họ sẽ thường hay kêu ca rằng việc được quan tâm và góp ý về ngoại hình khiến họ mệt mỏi, chán chường và bế tắc. Và rồi họ mặc nhiên không hề có dấu hiệu thay đổi hay rời bỏ hoặc xa lánh những thói quen, món ăn khiến bản thân không thể trở nên thon gọn, khỏe mạnh hơn. Cuối cùng, họ vịn vào miệt thị ngoại hình như một chiếc phao cứu sinh và bắt đầu quá trình vận động "tôn trọng sự khác biệt".
Đáng buồn thay cho "nhóm ngụy biện" vì chính họ đã tự chối bỏ cơ hội để bản thân trở nên khác đi. Lẽ ra, nếu như họ biết lắng nghe và làm theo lời khuyên chân thành của những người yêu quý và trân trọng họ vì chính giá trị chứ không phải ngoại hình, những người đó chỉ mong họ trở nên tốt đẹp hơn, thì có lẽ cuộc đời của những người thuộc "nhóm ngụy biện" sẽ rẽ theo nhiều hướng đầy ắp sự bất ngờ.
Qủa thực, đúng như huyền thoại thời trang Karl Lagerfeld đã từng nói "Một vẻ ngoài đáng kính sẽ giúp người khác chú ý hơn đến tâm hồn của bạn". Việc ý thức về một vẻ bề ngoài với "thần thái" tự tin vào vẻ đẹp của mình không đến từ những đường cong nhưng nó đến từ một thân hình khỏe mạnh, năng động và linh hoạt, dẻo dai.
Có thể bạn không cần phải tuân theo những tiêu chuẩn về cái đẹp của xã hội vì thật là mỗi người mỗi quan điểm và trên đời không ai hoàn hảo cả, thế nhưng, hãy luôn nhớ rằng vẻ đẹp tâm hồn của bản thân sẽ có cơ hội tỏa sáng nhiều hơn khi người khác chú ý đến bạn! Và sự chú ý thường sẽ bắt đầu từ ngoại hình.