Go-Viet ra 3 tháng vẫn "bắt" khách dùng tiền mặt: Bất lợi vì rào cản chính sách hay chiến thuật giành xế khôn ngoan từ tay Grab?
Khi Go-Viet mới vào thị trường và chịu sự cạnh tranh quá lớn của đối thủ Grab, việc Go Viet đang phải thanh toán bằng tiền mặt có lẽ lại được lòng cánh tài xế.
Sau một thời gian khuấy động thị trường gọi xe tại TPHCM, và tự tin tuyên bố chiếm 35% thị phần, Go-Viet tiến quân ra Hà Nội và có phần "lắng" hơn so với trước. Rầm rộ là vậy nhưng có một điều vẫn khiến khách hàng khó hiểu là việc hãng gọi xe này vẫn chưa cho thanh toán online, dù công ty "mẹ" có giá trị tới 6,5 tỷ USD và có dịch vụ Go-Pay cực kỳ lớn mạnh.
Chưa bao giờ cuộc chiến thanh toán online trở nên nóng bỏng như hiện tại ở Việt Nam. Thế nhưng startup kỳ lân của Đông Nam Á Go-Jek vẫn chưa hỗ trợ thanh toán online cho khách hàng. Vì thế các cuốc xe "đồng giá" 9 – 10 nghìn đồng của Go-Viet, khách vẫn đang buộc phải thanh toán bằng tiền mặt, dường như sẽ là một điểm bất tiện trong thời đại nhà nhà có thẻ ATM, nhiều người có ví điện tử như ở 2 đô thị Hà Nội và TPHCM hiện nay.
Tuy nhiên, khi Go-Viet mới vào thị trường và chịu sự cạnh tranh quá lớn của đối thủ Grab, việc Go Viet đang phải thanh toán bằng tiền mặt có lẽ lại được lòng cánh tài xế lẫn nhiều khách hàng.
Thứ nhất, tài xế thích tiền mặt.
Khi đặt xe các khách hàng có thể thấy cuốc xe tiền mặt luôn được tài xế chấp nhận nhanh hơn. Phần vì tiền tài khoản tài xế phải làm thao tác rút ra, và sẽ phải chờ (thường từ 1 – 7 ngày) mới rút về thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử (ví dụ như MoMo).
Phần nữa là bởi hiện tại Go-Viet đang có chính sách thưởng cho tài xế rất lớn, để bù lại việc tài xế phải chấp nhận các cuốc xe 10.000đ (cho 6km tại Hà Nội), 9.000đ (cho 8km tại TPHCM), trong khi giá thực của cuốc xe lên tới tối đa là 25.000 – 30.000. Và phần thưởng này của Go-Viet sau 3 - 7 ngày mới được chi trả vào thẻ Ngân hàng của tài xế.
Trên các nhóm tài xế của Go-Viet Hà Nội, sau khi hãng đổi chính sách từ giá cuốc 1.000đ lên 10.000đ, rất nhiều tài xế khá hồ hởi khi cho biết "có tiền đổ xăng rồi", "ít ra còn có tiền ăn cơm".
Chiêu này cũng sẽ khiến nhiều tài xế không thích tiền tài khoản ở Grab hướng tới Go-Viet, bởi lượng thanh toán qua tài khoản GrabPay ở GrabBike là rất lớn.
Thứ hai, khách hàng cũng dùng tiền mặt rất nhiều.
Thực tế, nếu quay sang hỏi những người bạn đang đi Grab rằng nếu họ không được khuyến mại khi thanh toán bằng GrabPay nữa thì họ có dùng tiền mặt không? Câu trả lời sẽ là "Có".
Tỷ trọng thanh toán bằng GrabPay rất lớn, tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng dùng GrabPay, nhiều khách hàng "đành phải dùng" vì được khuyến mại.
Go-Viet hiểu rõ điều đó, nên việc sử dụng tiền lẻ không phải là vấn đề quá lớn với khách hàng, và có khi đó lại là điều khách hàng thích. Còn nhớ, tại các thị trường mà tiền mặt còn đóng vai trò quan trọng như Việt Nam hay Indonesia, chính là nguyên nhân khiến cho ông lớn Uber phải hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt, trong khi vốn dĩ ứng dụng này chỉ cho thanh toán thẻ suốt mấy năm trời khởi nghiệp.
Một thực tế cần phải nhắc đến, đó là Go-Viet hiện tại vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận việc ra mắt ví điện tử Go-Pay (theo ICTNews). Có lẽ hãng sẽ phải tính tới chuyện kết hợp với một ví điện tử, hoặc một ngân hàng có dịch vụ ví điện tử như trường hợp GrabPay kết hợp với Moca để cung cấp dịch vụ thanh toán phi tiền mặt cho khách hàng.
Thanh toán tiền mặt là lợi thế hiện tại của Go-Viet giúp họ giành lấy một bộ phận tài xế. Nhưng, cách làm này chỉ phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Bởi nói gì đi chăng nữa, thanh toán phi tiền mặt cũng giúp hãng được nhiều vấn đề: minh bạch hơn, dễ vận hành hơn; quan trọng hơn là Go-Pay sẽ là một công cụ để hãng có thể mở rộng và đánh chiếm nhanh các thị trường mới như gọi đồ ăn, gọi thợ massage,.. kiểu như "Đi một chuyến xe, tặng vé massage miễn phí" chẳng hạn.