Go-Jek nuôi mộng biến Indonesia thành quốc gia không tiền mặt
Startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia cho biết họ đang là người dẫn đầu trong việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử tại quốc gia này.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang phải đối mặt với trở ngại nan giải trên con đường trở thành quốc gia không sử dụng tiền mặt. Đó là đa số công dân hiện nay không có tài khoản ngân hàng, đồng nghĩa với việc các giao dịch vẫn phải dựa vào tiền mặt là chính.
Tuy nhiên, gần đây một trong những startup kỳ lân của quốc gia này đã mạnh dạn tuyên bố họ sẽ tiếp tục xúc tiến việc áp dụng hệ thống thanh toán điện tử tại Indonesia.
Startup đó chính là Go-Jek, ứng dụng gọi xe lớn nhất Indonesia, đối thủ đã đè bẹp cả những ông lớn như Uber hay Grab. Go-Jek đang được định giá ở mức 3 tỷ USD, tập trung vào 3 mảng chính là dịch vụ gọi xe, vận chuyển và thanh toán điện tử.
Theo CEO Nadiem Makarim, họ sẽ nỗ lực kết hợp các mảng kinh doanh cùng với nhau để hình thành một nền kinh tế số.
“Tất cả những lái xe đã tham gia vào mạng lưới của chúng tôi, khoảng 850.000 người, đều có thể nhận tiền mặt từ phía khách hàng và giúp khách nạp vào tài khoản Go-Pay của họ”, Makarim chia sẻ với CNBC về nền tảng thanh toán điện tử Go-Pay của mình.
Cũng theo Makarim, cả lái xe và khách hàng đều có động lực sử dụng ví điện tử Go-Pay. Khách hàng khi nạp tiền vào sẽ được giảm giá trong những chuyến đi sắp tới, còn lái xe sẽ nhận thêm điểm thưởng.
Hệ thống này đặc biệt ở chỗ dù không có tài khoản ngân hàng, khách vẫn sử dụng ví Go-Pay bình thường. Năm 2014, chỉ 36% người trưởng thành ở Indonesia có tài khoản ngân hàng, thấp hơn tỷ lệ trung bình 62% của thế giới (theo thống kê World Bank). Đây là cơ hội lớn cho Go-Jek cũng như hệ thống Go-Pay.
“Lĩnh vực thanh toán sẽ là ưu tiên chính của chúng tôi trong năm 2018. Chúng tôi sẽ tách riêng Go-Pay khỏi hệ sinh thái Go-Jek và không phụ thuộc vào ứng dụng Go-Jek nữa”, CEO Nakarim cho biết. “Go-Pay sẽ trở thành công cụ tài chính hàng đầu, giúp người Indo tiếp cận với các loại hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số”.
Trong thời gian tới, Go-Pay sẽ mở hoạt động sang lĩnh vực thanh toán trong nhà hàng chứ không chỉ giới hạn ở chi trả cho các chuyến đi. Đây cũng là động thái tương tự với Grab khi hãng đã mở thêm tính năng thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn tại Singapore, biến GrabPay trở thành ví điện tử đúng nghĩa.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra thị trường thanh toán điện tử trên thế giới có sức tăng trưởng rất lớn, dự kiến sẽ đạt 726 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu xu hướng với hai ví điện tử chính là Alipay và Wechat Pay. Nhờ hai loại ví điện tử này, đa phần các hoạt động thanh toán tại Trung Quốc diễn ra không cần đến tiền mặt, từ mua rau quả, mua vé xe buýt, trả tiền taxi, thuê xe đạp công cộng…đến nộp tiền điện, tiền nước.