Gỡ bỏ bảng tên… Park Hang-seo tại một con đường ở Sài Gòn

22/11/2019 14:15 PM | Xã hội

Bảng tên đường mang tên Park Hang-seo (HVL đội tuyển bóng đá nam Việt Nam) đã được gỡ bỏ sau khi xuất hiện tại một con hẻm ở quận 9 khiến nhiều người ngạc nhiên.

Ngày 22/11, bảng tên "đường Park Hang-seo" tại con hẻm trên đường 109 (phường Phước Long B, quận 9, TP. HCM) đã chính thức bị gỡ bỏ sau khi xuất hiện khiến nhiều người xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND quận 9 cho biết sau khi biết được thông tin từ tối qua sự việc xôn xao trên mạng xã hội, sáng hôm nay (22/11) quận đã chỉ đạo phường Phước Long B đến gỡ bảng tên đường Park Hang-seo do được lắp đặt trái với quy định.

Gỡ bỏ bảng tên… Park Hang-seo tại một con đường ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Tấm biển tên "đường Park Hang-seo" đã được gỡ xuống ngay sau đó

Theo lãnh đạo quận 9, bảng tên đường này được người dân tự lắp đặt do yêu mến HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên không vì thế mà tuỳ tiện mà dùng tên vị HLV đội tuyển Việt Nam đặt tên cho một con đường.

Hiện vẫn chưa rõ người dân nào tự lắp đặt bảng tên đường trên.

Như chúng tôi đã thông tin, tối hôm qua (21/1) nhiều người ngạc nhiên khi bất nhìn thấy tên đường Park Hang-seo tại một con hẻm trên đường 109 (phường Phước Long B).

Sự việc được đưa lên mạng xã hội tạo ra ý kiến trái chiều, cũng có nhiều người tranh thủ đến "check in" con đường vì sự hâm mộ HLV Park Hang-seo.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Ls TP. HCM nhận định việc người dân tự ý đặt tên đường và lắp bảng tên đường như trên là sai. Luật sư cho biết, theo quy định việc đặt tên đường, tên phố đã có những quy định chặt chẽ; do các cơ quan liên ngành văn hóa, giao thông và các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Hơn nữa, tên đường phố thường gắn với tên các Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, người có công với nước, địa danh lịch sử… Điều này cũng góp phần thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ các bậc tiên hiền. Vì vậy cần hiểu rõ ý nghĩa và không tự ý đặt tên đường, tên phố.

Theo Nghị định Số: 91/2005/NĐ-CP về quy định đặt tên đường, phố.

Điều 10. Đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây:

1. Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

2. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.

3. Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

4. Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.

5. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Điều 11. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố loại I trực thuộc Trung ương cần quy hoạch đại lộ. Tên đặt cho đại lộ phải là tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc tên danh nhân tiêu biểu nhất.

Điều 12. Đường, phố quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên.

Điều 13. Không đặt tên cho ngõ (kiệt), ngách (hẻm). Ngõ (kiệt) được gọi theo biển số nhà đầu ngõ (kiệt), tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách (hẻm) được gọi theo biển số nhà đầu ngách (hẻm), tính từ đầu ngõ (kiệt).

Theo TỨ QÚY

Cùng chuyên mục
XEM