Giữa 'bão' Evergrande, hàng loạt công ty BĐS Trung Quốc tìm cách chứng minh sức mạnh tài chính

22/09/2021 20:45 PM | Xã hội

Hàng loạt công ty bất động sản Trung Quốc thông báo tăng vốn và mua lại trái phiếu.

Các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc đang nỗ lực để chứng minh sức mạnh tài chính trong bối cảnh một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này- Evergrande sa vào vũng lầy khủng hoảng.

Nhiều công ty bất động sản vừa và nhỏ tối 20/9 liên tục công bố kế hoạch bơm thêm vốn hoặc mua lại trái phiếu. Đây là những động thái giúp ổn định thị trường chứng khoán vốn đang dậy sóng tại Hong Kong.

Sau khi giảm 5,8% hôm 20/9, chỉ số bất động sản Hang Seng Mainland Properties bật tăng trở lại 3% vào ngày hôm sau.

Guangzhou R&F Properties, cũng giống như Evergrande, trụ sở tỉnh Quảng Đông và được đánh giá là một trong những nhà phát triển bất động sản dễ bị tổn thương nhất của Trung Quốc. Li Sze-lim và Zhang Li, đồng sáng lập kiêm đồng chủ tịch của công ty, thông báo sẽ tăng vốn thêm 1,03 tỷ USD trong vài tháng tới. Khoản tiền đầu tiên, tương đương với hơn 300 triệu USD, được dự báo về tới tài khoản công ty ngày 21/9.

Với sự hỗ trợ đó, “công ty hy vọng sẽ có đủ khả năng thanh khoản để thanh toán các khoản nợ đáo hạn trong tương lai gần, đó là chưa kể đến khả năng công ty có thể nhận thêm các khoản đầu tư từ bên ngoài khác”, hoặc có thêm tiền thông qua hình thức bán tài sản, R&F cho biết.

Tập đoàn này cũng thông báo đã bán một công ty quản lý bất động sản cho Country Garden Services, công ty con của Country Garden, một tập đoàn bất động sản có trụ sở tại tỉnh Quảng Châu, với giá 1,55 tỷ USD.

Cho dù những điều khoản trong quá trình “bơm” thêm vốn không được tiết lộ, R&F cho biết hai cổ đông lớn của công ty “từng cung cấp các gói hỗ trợ tài chính dưới dạng các khoản nợ không lãi suất”, và công ty này cũng sẽ sớm xem xét thanh toán các khoản nợ trong dài hạn.

Công ty hiện sở hữu khoản nợ thị trường vốn sắp đáo hạn rơi vào khoảng 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty này đang nắm trong tay hơn 4 tỷ USD tiền mặt, theo Fitch Ratings. Đơn vị này đã tăng mức độ đánh giá rủi ro nợ của công ty từ tiêu cực thành ổn định trong tuần trước.

Giá cổ phiếu của R&F, vốn đã giảm hơn 50% giá trị trong năm nay, tăng 12,1% hôm 21/9 sau những thông tin tích cực đó.

Giữa bão Evergrande, hàng loạt công ty BĐS Trung Quốc tìm cách chứng minh sức mạnh tài chính - Ảnh 1.

Cổ phiếu hàng loạt công ty bất động sản Trung Quốc phục hồi trong phiên 21/9 sau khi bị bán tháo phiên trước đó. Ảnh: AP.

Zhenro Properties Group, công ty sở hữu nhiều công trình xây dựng nhà ở trên khắp Trung Quốc, cho biết cổ đông chính Ou Zongrong đã mua thêm 2 triệu cổ phiếu của công ty với giá đóng cửa phiên giao dịch hôm 20/9, gia tăng tỷ lệ sở hữu của ông lên 54,65%.

“Tôi tin rằng giao dịch này phản ánh sự tự tin của ông Ou về những tiềm năng phát triển của tập đoàn, cũng như những cam kết của công ty trong dài hạn”, theo chủ tịch Huang Xianzhi.

Zhongliang Holdings Group, nhà phát triển bất động sản trụ sở Thượng Hải, thông báo công ty ưu tiên huy động mọi nguồn lực tài chính cần thiết để có thể thanh toán khoản trái phiếu ngoại tệ trị giá 320 triệu USD đáo hạn ngày 26/9. Chuyên gia phân tích Fan Gao của S&P Global Ratings đã viết trong tháng trước rằng nhà phát triển bất động sản này “sẽ phải phụ thuộc vào nguồn tiền mặt trong nước để có thể thanh toán các khoản đáo hạn nợ nước ngoài”, vì sự bất ổn định trên thị trường tái cấp vốn.

CC Land Holdings, trụ sở thành phố Trùng Khánh, cho biết sẽ thanh toán sớm khối lượng trái phiếu trị giá 250 triệu USD, vốn đáo hạn vào tháng 6/2022, vào ngày 21/10. Trong khi đó, họ cũng tiết lộ rằng công ty phải huy động vốn thông qua việc bán ra một đợt trái phiếu kỳ hạn 4 năm mới.

Central China Real Estate, có trụ sở tại tỉnh Hà Nam, cho biết họ đã chi ra 3,6 triệu USD để mua lại một phần nhỏ trái phiếu trong 2 đợt phát hành, có kỳ hạn đến năm 2024.

“Ban giám đốc cho rằng điều đó sẽ giúp giảm chi phí tài chính trong tương lai của công ty và làm giảm tỷ lệ nợ trên tài sản”, Central China cho biết.

Nhiều nhà phát triển bất động sản khác cũng đưa ra những thông báo nhằm trấn an nhà đầu tư. Fantasia Holdings Group, nhà phát triển bất động sản tỉnh Quảng Đông, đã phản pháo lại các bài báo cho rằng công ty này không thực hiện một số khoản thanh toán trái phiếu.

“Kết quả hoạt động của công ty rất tốt, với nguồn vốn dồi dào và không một vấn đề thanh khoản nào cả”, theo Pan Jun, chủ tịch của công ty.

Giá cổ phiếu của Fantasia tăng 3,9% trong ngày 21/9, trong khi giá cổ phiếu của Zhenro tăng 4,3%, của CC Land tăng 0,6% và của Zhongliang tăng 0,3%. Nhưng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vẫn đánh giá các công ty trên ở ngưỡng dưới điểm đầu tư khi xếp họ phần lớn ở các mốc B và B+.

“Chúng tôi hạ mức tín nhiệm của Sinic vì công ty này không thể cung cấp những thông tin rõ ràng liên quan đến kế hoạch thanh toán nợ”, chuyên gia phân tích Ricky Tsang viết. Ông nêu ra những lo lắng bằng cách nào công ty có thể sử dụng nguồn tiền trong nước để chi trả khoản nợ trị giá 246 triệu USD đáo hạn vào ngày 18/10. Vẫn chưa có bất cứ một sự tiến triển nào và việc công ty này có thể thanh toán nợ đúng hạn hay không là điều không chắc chắn.

Trọng Đại

Từ khóa:  bất động sản
Cùng chuyên mục
XEM