Giới trẻ Mỹ "rời phố về quê" do dịch COVID-19

14/05/2020 15:30 PM | Xã hội

Khi New York trở thành tâm điểm của sự bùng phát dịch COVID-19, Chloe thấy mình như bị mắc kẹt trong căn hộ 2 phòng ngủ với chồng, 3 cậu con trai cùng với 4 vật nuôi.

Chuyển nhà vì đại dịch

Chloe Davis đã sống ở thành phố New York gần như cả cuộc đời. Khi cô lên 4 tuổi, cha mẹ cô di cư từ Liverpool (nước Anh) đến khu Upper East Side. Khi còn là một thiếu niên, cô đã yêu thích nghệ thuật ở khu Manhattan. "New York thật kỳ diệu vào đầu những năm 1990. Rất nhiều sự phát triển và cơ hội", Chloe nói.

Cô và chồng mình, anh Jeremy hiện vẫn sống ở khu Upper East Side. Hai vợ chồng chưa bao giờ có kế hoạch chuyển đi ngay cả khi 3 cậu con trai lần lượt ra đời.

"Chúng tôi yêu cuộc sống của mình và thích mọi thứ xung quanh. Tôi quen biết với hầu hết mọi người trong khu phố mình sống", Chloe nói.

Nhưng khi thành phố New York trở thành tâm điểm của sự bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ hồi tháng 3, Chloe thấy mình như bị mắc kẹt trong căn hộ hai phòng ngủ với chồng, ba cậu con trai cùng với bốn con vật nuôi.

Ngôi nhà trở nên quá chật chội; 50 ngày qua trở thành một trong những điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của cô. Cậu con trai 10 tuổi đã gặp khủng hoảng vào ngày đầu tuần vì muốn ra khỏi nhà. Cả 3 cậu con trai đều hỏi bố mẹ liệu gia đình họ có thể chuyển đến một ngôi nhà mới không. "Tôi nhận ra tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Thế là không công bằng với các con", Chloe nói.


Cô gần đây đã tham gia một nhóm Facebook gồm 1.000 thành viên là phụ nữ cùng gia đình muốn di chuyển khỏi thành phố New York do đại dịch. Cô đang tìm kiếm 1 ngôi nhà ở bang Connecticut hoặc quận Westchester.

"Quyết định chuyển nhà sẽ không xảy ra nếu không có dịch COVID-19. Thành thật mà nói đây chẳng phải 1 sự lựa chọn. Bạn là một người mẹ và không muốn con mình bị rối loạn tinh thần vì ở trong nhà quá lâu do dịch bệnh. Bạn không có cách nào khác là chuyển đi".

Đại dịch thay đổi lối sống

Gia đình Davis là 1 ví dụ cho xu thế đang nhanh chóng định hình của các cư dân thành thị - bao gồm cả những người trẻ tuổi và người về hưu - về việc chuyển ra vùng ngoại ô do tác động của đại dịch COVID-19.

Suburban Jungle, công ty bất động sản đại diện cho gia đình David, cho biết họ đã tiếp nhận các cuộc gọi điện thoại tư vấn cho khách hàng nhiều gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy đại dịch COVID-19 dường như đang là chất xúc tác cho sự ra đời của một xu hướng: di cư dần dần về các vùng ngoại ô và các thành phố nhỏ. Thời đại của các thành phố lớn một lần nữa đang thoái trào.

Ông Glenn Kelman, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản Redfin, mới đây cho biết nhu cầu nhà ở nông thôn hiện tại mạnh hơn nhiều so với nhu cầu nhà đô thị. "Đã từ lâu rồi chúng ta mới thấy sự thay đổi 180 độ như thế này vì mọi người thường muốn sống ở thành phố lớn. Dường như có một sự thay đổi tâm lý sâu sắc trong số những khách hàng đang đi tìm nhà", ông nói thêm.

Đó là bởi vì đại dịch đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp xã hội. Giờ đây, chúng ta kí kết hợp đồng kinh doanh qua tại nhà và tham dự các lớp học trên ứng dụng Zoom.

Các tiện nghi thành thị quen thuộc như các buổi hòa nhạc, bảo tàng và quán cà phê đều đóng cửa. Vào thời điểm mà sự tiếp xúc gần với người khác là một mối nguy hiểm, nhiều người dân thành phố bắt đầu hoài nghi về sự hấp dẫn của cuộc sống đông đúc và chi phí thuê nhà đắt đỏ tại các độ thị lớn.

"Điều gì khiến New York thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới tới sinh sống? Đó là các nhà hàng và câu lạc bộ. Đó là cảm giác thú vị khi tất cả mọi người sinh sống và làm việc cùng nhau. Nếu những thứ đó mất đi thì sức hấp dẫn của New York không còn nữa", Joel Kotkin, giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học Chapman, chia sẻ.


Bà Amy Graffitimeier, giáo sư địa lý kinh tế tại MIT, chia sẻ với tờ Business Insider rằng hai yếu tố chính ảnh hưởng đến việc di cư của con người là định danh và thu nhập. Những người di chuyển đến các thành phố để tìm việc làm và khám phá bản thân xem họ là ai và họ quan tâm điều gì.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các tiện nghi như nhà hàng và cuộc sống về đêm là yếu tố thúc đẩy sự di cư của sinh viên tốt nghiệp đại học trẻ đến các thành phố lớn từ trong những năm từ 2000 - 2010. Những người làm việc lĩnh vực bất động sản đã vẽ nên những tiện nghi đô thị như "một giá trị lý tưởng". Đó là lý do tại sao một số người dân San Francisco sẵn sàng trả 4.200 USD/0,1 m2 để mua một căn hộ ở khu Pacific Heights, khu vực có nhiều cửa hàng thời trang cao cấp, rạp chiếu phim cổ và quán cà phê thời thượng.

Tuy nhiên, khi các cửa hàng và các tụ điểm văn hóa này ngừng hoạt động do đại dịch, nhiều người dân thành phố đang tự hỏi liệu cuộc sống thành phố như thế này với chi phí đắt đỏ có tương xứng hay không" Phải sinh sống trong 4 bức tường và không được tham gia các hoạt động văn hóa và thể thao. Câu trả lời đối với nhiều người là không" ông Gottlieb nói.

Một cuộc di cư tạm thời?

Ông Gottlieb cho biết ông nghĩ rằng việc chuyển nhà khỏi các thành phố lớn là một phản ứng tạm thời, có thể lý giải được khi dịch bệnh chết người xảy ra. "Tôi biết rất nhiều người bao gồm cả khách hàng, những người đang muốn tìm hiểu các dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn tại nhiều địa điểm ở Mỹ. Họ có nhà ở Manhattan mà hiện tại họ không muốn ở. Họ không bán, nhưng họ cũng không muốn sinh sống ở đó." Ông Gottlieb nói

Ông Frederick Warburg Peters, Giám đốc điều hành của Hãng bất động sản Warburg Realty, trong bài phỏng vấn với hãng Business Insider cho biết ông nghĩ đại dịch COVID-19 sẽ gây ra tác động tương tự đến thị trường nhà ở thành phố New York như sự kiện khủng bố 11/9 và suy thoái kinh tế năm 2008. Cụ thể, giá nhà đất sẽ giảm khoảng 10% - 20 %, sau đó phục hồi về mức bình thường trong vòng 1-3 năm sau khi thành phố dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội.

Một diễn biến tương tự đã xảy ra sau cơn bão Sandy hồi năm 2012. Ngay sau khi cơn bão tàn phá nước Mỹ, những thiệt hại nặng nề từ siêu bão này luôn ám ảnh tâm trí của người mua nhà. Nhưng sau 1- 2 năm, những lo ngại đó dường như biến mất và giá trị các ngôi nhà dọc theo bờ biển New York và New Jersey bắt đầu tăng trở lại.

Mặc dù con người hầu như không có dữ liệu tham khảo trong quá khứ với 1 đại dịch chết người giống như COVID-19, các thành phố theo quy luật vẫn trải qua các chu kỳ hưng-thịnh. Nhà đô thị nổi tiếng Jane Jacobs đã mô tả thành phố như một sinh vật sống: Nó sống, chết và được hồi sinh.

Vào những năm 1950, khi Thế chiến II kết thúc, những người lính mệt mỏi nhanh chóng kết hôn và sinh con. Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép quân nhân da trắng và đã kết hôn có quyền tiếp cận các khoản vay thế chấp với lãi suất thấp. Thay vì sống chen chúc trong các căn hộ ở thành phố, một số lượng lớn các gia đình có thể mua một ngôi nhà và một chiếc ô tô để thỏa sức chu du trên các con đường cao tốc vừa xây xong tại Mỹ.

Vào những năm 1970 và 1980, các thành phố lớn tại Mỹ đã phần nào trở nên vắng lặng do cuộc di cư hàng loạt này cộng với sự suy giảm các công việc trong nhà máy vốn phục vụ cho chiến tranh. Nhưng mọi thứ đã thay đổi một lần nữa trong thập kỷ đầu tiên của thập niên 2000. Các thành phố trở lại với cuộc sống đông đúc thường thấy khi những sinh viên tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm tại các công ty khởi nghiệp và công nghệ hoặc thấy mình bị cuốn hút bởi sắc màu văn hóa đô thị đa dạng.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc di chuyển tới các thành phố lớn bắt đầu chậm lại. Tuy vậy, trong thập kỷ qua giá thuê nhà ở thành phố tăng cao khi chi phí xây dựng tăng vọt và số lượng nhà ở hạn chế. Hệ quả là nhiều cư dân thành thị có thu nhập thấp và trung bình phải chuyển đến vùng ngoại ô.

Đó là thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ. Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của Tờ Wall Street Journal, gần 27.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 - 39 đã rời khỏi các thành phố lớn trong năm 2018.

Từ năm 2014 đến 2018, di cư nội địa đã giảm hơn 3% tại thành phố New York và Los Angeles. San Francisco, Philadelphia, Boston và Washington D.C. Tất cả các thành phố này đều tiếp nhận số người mới đến ít hơn số người chuyển đi.

Ngược lại, các thành phố vừa và nhỏ đã thu hút được một phần lớn thế hệ millennials (những người sinh từ 1980 đến 2000) trong những năm gần đây. C

Theo 1 phân tích của hãng Brookings, tăng trưởng vùng ngoại ô cũng vượt xa tốc độ tăng trưởng của thành phố trong những năm 2015-2016 và 2016-2017. Một cuộc khảo sát của hãng Ernst&Young năm 2018 cho thấy rằng thanh niên thế hệ millenials mua nhà ở vùng ngoại ô nhiều hơn là ở các thành phố. Tỷ lệ mua nhà ngoại ô của nhóm người này đã tăng 14% trong hai năm.

Tuy nhiên không có 1 mô hình di cư tồn tại mãi mãi. "Khi New York hoạt động bình thường trở lại, việc sống cách biệt ở nông thôn sẽ không còn hấp dẫn nữa", ông Gottlieb nói.

Cô Davis cho biết gia đình cô có thể sẽ sống ở vùng ngoại ô cho đến khi con cô tốt nghiệp cấp III. Tuy vậy, cô vẫn để ngỏ khả năng quay lại Manhattan vào một ngày nào đó. "Nếu chúng tôi yêu cuộc sống thôn quê, chúng tôi có thể không bao giờ quay trở lại. Nhưng mọi sự đều có thể thay đổi trong nháy mắt. Không có gì là vĩnh viễn cả."

Theo Thu Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM