Giàu - nghèo tiết Thanh minh: Chi 200 triệu đồng cho việc chăm sóc mộ bố ở nghĩa trang

09/04/2019 20:17 PM | Xã hội

Vào những ngày tảo mộ thanh minh, công nhân tại các công viên nghĩa trang luôn tất bật bởi dịch vụ chăm sóc mộ phần như cắt tỉa cây cảnh, châm nhang đèn, cắm hoa... thậm chí là khấn tại mộ. Trong khi đó, tại các khu mộ “bình dân” thì mọi hoạt động chăm sóc đều “tự túc”.

“Thanh minh của người giàu”

Cụm từ “công viên nghĩa trang” không còn xa lạ với “giới thượng lưu”. Bởi nơi đây, vừa là nơi đặt mộ phần của người thân trong gia đình, vừa là nơi có thể nghỉ dưỡng mỗi khi có dịp lên thăm mộ phần. Sở dĩ gọi là “thanh minh của người giàu” là bởi, người mua phải bỏ số tiền hàng tỷ đồng để có được phần đất để đặt mộ tại công viên nghĩa trang. Chính vì lẽ đó, “người giàu” cũng được hưởng nhiều dịch vụ đi kèm hợp đồng, mà với các nghĩa trang “bình dân” sẽ khó có được, như dịch vụ: Thắp hương, nhang, đèn định kỳ 2 lần/tháng (vào ngày mồng một và 15 rằm Âm lịch hàng tháng); dịch vụ cắt, tỉa, tưới cây cảnh, dọn dẹp mộ phần...

Có mặt tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình) vào những ngày Tết Thanh minh, rất nhiều gia đình ở các địa phương đổ về đây tảo mộ.

Lý giải về lý do “chịu chi” của mình, ông Nguyễn Cảnh An (ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội – có mộ phần đặt tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên) cho rằng: “Ngoài gia đình tôi thì người thân đều sống chủ yếu ở miền Nam, trong khi đó, mẹ già đã yếu, tôi và vợ cũng thường xuyên bận công việc, nên gia đình chấp nhận chi tiền để mua âm phần cho bố (đã mất năm 2015).

Đặt mộ phần ở công viên nghĩa trang, ngoài việc phải mua đất theo giá của công ty, thì tôi phải mua thêm “gói” chăm sóc mộ phần. Tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, gia đình tôi phải mua gói “mặc định” có thời gian 50 năm, với giá 2 triệu đồng/m2/50 năm. Với khuôn viên mộ 100m2, gia đình tôi phải chi trả đến 200 triệu đồng chi phí chăm sóc mộ phần có thời hạn 50 năm.

Gói chăm sóc này gia đình buộc phải mua theo quy định của bên bán, không muốn mua cũng không được. Bởi ngoài yếu tố là mộ của gia đình được chăm sóc hàng ngày, cắt tỉa cây, tưới cây và thắp hương, lên đèn vào ngày mồng một, ngày rằm âm lịch; bật nhạc Phật... thì cảnh quan công viên chung cũng được giữ gìn”.

Cũng theo ông An, nếu muốn được thắp hương vào ngày chính giỗ, ngày tết Thanh minh, ngày Vu lan... thì gia đình phải đặt mua “gói cúng giỗ” riêng với bên bán, bằng cách trực tiếp, hoặc gián tiếp trên website. “Tôi chỉ cần mộ phần được dọn dẹp sạch sẽ, vào ngày rằm, mồng một có nhang, đèn cho mộ phần được ấm cúng; còn khấn cầu gia tiên thì gia đình thực hiện tại gia”, ông An thẳng thắn.

Tương tự, tại công viên nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ), anh Minh (46 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) và gia đình có mộ phần đặt tại đây tranh thủ thực hiện trách nhiệm với “người âm” từ ngày mồng 2 tháng 3 Âm lịch.

Anh Minh tiết lộ: “Ở đây, phần đất cung cấp cho người âm là theo yêu cầu của khách hàng, nếu khách hàng cần loại khuôn viên mộ gia đình, hay là mộ đôi, mộ đơn, mộ nhất táng, hỏa táng đều có giá khác nhau. Gia đình tôi chọn khuôn viên mộ, tùy theo yếu tố tâm linh, phong thủy, thế đất, diện tích mà có giá khác nhau. Tuy nhiên, mua loại mộ nào thì khách hàng cũng phải sử dụng dịch vụ chăm sóc mộ phần từ công ty.

Sau khi ký hợp đồng thì chăm sóc mộ phần và thắp hương hàng tháng thuộc về trách nhiệm của công ty. Khi thực hiện việc cúng kiếng, cắt tỉa cây cảnh, chúng tôi được công ty gửi ảnh trước và sau khi thực hiện. Ví dụ như nhà tôi, mặc dù mộ phần đã được thắp hương vào ngày mồng một, hơn nữa, mộ phần được chăm sóc sạch sẽ, nhưng gia đình muốn thể hiện cái tâm vào ngày Tết thanh minh thì lên mộ, còn không thì chỉ cần cúng kiếng tại nhà”.

…Sự “thiếu thốn” của mộ “người nghèo”

Giàu - nghèo tiết Thanh minh: Chi 200 triệu đồng cho việc chăm sóc mộ bố ở nghĩa trang - Ảnh 1.

Cấp tập chăm sóc mộ phần tại nghĩa trang trong ngày tảo mộ.

Không có điều kiện mua đất cho người quá cố để được hưởng nhiều dịch vụ đi kèm như các gia đình có mộ phần đặt tại công viên nghĩa trang, chị Quốc Khánh (35 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) có mộ phần người thân đặt tại nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì, Hà Nội) lại “chấp nhận” bỏ tiền ra thuê người dân sinh sống xung quanh nghĩa trang để được chăm sóc mộ phần. Chị Khánh và gia đình quan niệm rằng, mộ chỉ cần được nhổ cỏ, thỉnh thoảng được dọn dẹp sạch sẽ. Còn những ngày chính giỗ hay lễ, Tết thì gia đình phải tận tay thắp nhang tại mộ mới yên tâm. Đó mới là thể hiện lòng thành kính với người quá cố.

Ông Vũ Văn Phiên (64 tuổi, trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội – quê ở huyện Trực Ninh, Nam Định) và vợ là bà Võ Thu Hồng (58 tuổi, quê gốc ở Thị trấn Diêm Điền, Thái Bình) lại lựa chọn phương án phải tận tay được chăm sóc mộ phần người thân thì mới yên tâm. Những ngày Tết Thanh minh, ông Phiên và bà Hồng phải thay phiên nhau về hai quê để thực hiện phong tục tảo mộ, thắp nhang.

Ông Phiên cho biết: “Mộ phần các cụ chủ yếu đặt ở quê. Nên những ngày này, gia đình tôi phải thay phiên nhau trông nhà để về quê làm tảo mộ. Vì quê gốc ở xa nên từ ngày mồng 1 âm lịch, tôi đã về Trực Ninh cùng các anh em họ hàng làm mâm cơm cúng các cụ quá cố. Còn vợ tôi thì về quê Thái Bình vào chính ngày thanh minh”.

Theo ghi nhận của PV, tại các “nghĩa trang làng”, một năm người dân mới chăm sóc 1-2 lần thì tại các nghĩa trang dịch vụ, mộ phần của “giới thượng lưu” được chăm sóc “chân tơ kẽ tóc”, từ trồng cây, chăm cây, cắt tỉa cây, đến dọn dẹp khu vực bia mộ, cắm hoa, mở nhạc Phật, phục vụ người âm. Thậm chí, mỗi khuôn viên mộ được xây dựng điện thờ có tượng phật để nương nhờ.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM