Giáo sư luật Hàn Quốc khuyến nghị về dự án hợp tác công - tư tại Việt Nam: 70-80% vốn dự án được tài trợ bởi khoản vay, phải biết phân bổ rủi ro hợp lý
Trong hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại TP.HCM, GS Hong Sik Chung của Khoa Luật ĐH Chung Ang Hàn Quốc đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho các dự án PPP Việt Nam.
Hạ tầng trong nước bão hoà, Hàn Quốc muốn đầu tư vào các dự án Đông Nam Á
GS Hong Sik Chung nhận định Hàn Quốc đang tìm cách đầu tư dưới hình thức PPP vào các dự án Đông Nam Á do hệ thống hạ tầng trong nước đã bão hoà, nhu cầu đầu tư suy giảm.
Phía Hàn Quốc có sẵn danh mục các nhà đầu tư và bên cho vay, nhắm vào các lĩnh vực điện, cầu đường, giao thông, y tế...
Các tập đoàn lớn do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu được xem như nhà tài trợ chính cho các dự án PPP và ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) sẽ cung cấp các gói tín dụng cho việc đầu tư dự án nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 289 dự án PPP trên toàn quốc với tổng số vốn 54 tỷ USD. Trong đó, hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chiếm đến 207 dự án.
Riêng TP.HCM có 23 dự án PPP đã hoàn thành đạt tổng số vốn 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng số vốn 400.000 tỷ đồng và 243 dự án kêu gọi đầu tư khoảng 869.420 tỷ đồng.
Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Để huy động nguồn vốn đầu tư khổng lồ, các hợp đồng PPP là lựa chọn được ưu chuộng.
Theo GS Hong Sik Chung, có ba cơ chế thanh toán PPP là người dân chi trả, Chính phủ chi trả và kết hợp giữa hai hình thức trên. Trong cơ chế kết hợp, Chính phủ đóng vai trò bảo lãnh doanh thu tối thiểu.
Theo thông lệ, phía Việt Nam lựa chọn hình thức đầu tiên, nghĩa là tư nhân đầu tư dịch vụ và người dân chi trả phí.
Cứ 1 tỉ USD tiền đầu tư dự án PPP thì có 70%-80% đến từ các khoản vay, 20%-30% từ nguồn vốn chủ sở hữu
Sử dụng khoản vay chiếm tỷ trọng cao nhưng phải phân bổ được rủi ro
Vị giáo sư luật cho rằng cứ 1 tỷ USD tiền đầu tư dự án PPP thì có 70%-80% đến từ các khoản vay, 20%-30% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Không có dự án PPP nào khả thi nếu không dùng vốn vay.
Tuy nhiên, dự án PPP thường đối mặt với các rủi ro doanh thu, xây dựng, thu mua đất, tiền tệ - tỉ giá, sự thay đổi của pháp luật... Điều này buộc hệ thống pháp luật sở tại phải có cơ chế phân bổ rủi ro. Các nhà đầu tư và bên cho vay thường yêu cầu Chính phủ có cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiếu là vì lý do nói trên.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn phải được phép chuyển đổi nội tệ sang ngoại tệ mạnh như đồng đô la để thanh toán khoản vay và tất toán lợi nhuận nhưng hiện nay, quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng.
Một vần đề nữa được GS Hong Sik Chung lưu ý là điều khoản chấm dứt sớm hợp đồng PPP do lỗi vi phạm của chủ đầu tư hoặc trường hợp bất khả kháng. Khi đó, các bên đều có nhu cầu bảo toàn vốn của mình, vì vậy, Chính phủ phải xem xét xây dựng cơ chế hoàn trả hợp lý.
Đồng tình với ý kiến của GS Hong Sik Chung, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề xuất dự thảo pháp luật về PPP nên đưa thêm quy định về chấm dứt sớm hợp đồng PPP và đình chỉ nhà thầu khi xác định được lỗi.
"Ngoài ra, khi tôi xây cầu thì Nhà nước phải đảm bảo hoàn thành một số công trình thì mới vận hành được. Như vậy, vấn đề đảm bảo tối thiểu là cần thiết", ông Nghĩa nói.