Giám đốc Cơ quan kiểm soát tài chính Anh: 'Nếu bạn đầu tư vào Bitcoin, hãy chuẩn bị tinh thần mất trắng'
Giám đốc Cơ quan kiểm soát tài chính Anh cho rằng 'chơi' Bitcoin chính là chơi bạc vì không hề có một công cụ phòng chống rủi ro nào được đưa ra cho đồng tiền ảo này, đồng thời nếu bạn mất tiền thì cũng sẽ chẳng có ai đứng ra bảo vệ bạn...
Hôm nay, giá Bitcoin đã vươn đến một ngưỡng mới mà khó có ai có thể tin được vào thời điểm cách đây vài tháng: 1 Bitcoin trị giá 20.000 USD. Trước đó, trong những ngày cuối tuần vừa rồi, sự hung phấn của nhà đầu tư đã khiến Bitcoin phá hàng loạt đỉnh cao giá 18.000 USD rồi 19.000 USD và nay lại là con số 20.000 USD.
Cách giải thích hợp lý cho đợt tăng giá này đến từ 2 lý do chính. Trước hết, phố Wall đã chấp nhận phát hành hợp đồng tương lai đối với đơn vị tiền mã hóa này và thứ hai, mạng hỗ trợ giao dịch tiền ảo Lighting Network sắp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khi những nhà đầu tư tiền mã hóa đang trở nên hưng phấn nhất thì một tên tuổi lớn của giới tài chính đã lên tiếng cảnh báo rằng: "Người chơi bitcoin nên chuẩn bị tinh thần".
Giám đốc Cơ quan kiểm soát tài chính Anh: 'Nếu bạn đầu tư vào Bitcoin, hãy chuẩn bị tinh thần mất trắng'
Cụ thể, đó là ông Andrew Bailey, Giám đốc Cơ quan kiểm soát tài chính Anh (FCA). Nhà quản lý tài chính hàng đầu của nước Anh mới đây đưa ra một chia sẻ, với sự khẳng định, khi nói với chuyện với giới truyền thông đất nước xứ sương mù rằng: “Nếu bạn đầu tư vào Bitcoin, hãy chuẩn bị tinh thần mất trắng số tiền đó”.
Đài CNBC dẫn lại lời của ông Bailey rằng việc thiếu sự ủng hộ của các Chính phủ và ngân hàng trung ương đối với đồng tiền ảo phổ biến nhất thế giới chính là bằng chứng cho thấy việc đầu tư vào đồng bictoin không phải là một khoản đầu tư an toàn.
Thậm chí, ‘bố già’ của giới tài chính Anh còn cho rằng bạn ‘chơi’ bitcoin cũng giống như bạn đang chơi cờ bạc bởi vì chúng có mức độ rủi ro cao như nhau. Không có một công cụ phòng tránh rủi ro nào được đưa ra khi bạn mua bán Bitcoin cả. Sự tăng giá hiện tại của Bitcoin có phần lớn là nhờ tâm lý đám đông. Bạn cũng nên nhớ rằng kể cả bạn có bị lừa tiền do Bitcoin thì cũng sẽ không có một tổ chức nào đứng ra giúp bạn lấy lại tiền cả.
Andrew Bailey - Giám đốc FCA
Bên cạnh cho rằng ‘chơi’ Bitcoin là ‘chơi bạc’, ông Bailey cũng chia sẻ với đài BBC rằng Bitcoin vẫn chưa phải là thứ tài sản được các Nhà nước và các cơ quan tài chính trung ương hiểu rõ và bảo vệ. Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng khi ném tiền vào thứ tài sản mà mình không hiểu rõ.
“Thực sự, những cơ quan tài chính trung ương như chúng tôi cũng biết tương đối ít về giá bitcoin. Do đó, mọi người nên cẩn thận khi đầu tư vào đồng tiền ảo này” – Ông Bailey nói với BBC.
Trước ông Bailey, cũng có một nhân vật trong ngành tài chính khác là ông Jamie Dimon - Chủ tịch và CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ - đã gọi Bitcoin là ‘trò lừa đảo’ và cuối cùng sẽ nổ tung.
Đồng quan điểm trên, tỷ phú, nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett cũng từng kêu gọi các nhà đầu tư tài chính thực thụ hãy ‘tránh xa’ Bitcoin vì điều đó chẳng qua chỉ là những ‘ảo ảnh’ mà thôi.
Lý do vì sao hợp đồng tương lai có thể là những màn thổi giá cuối cùng cho Bitcoin
Phải nói rằng thời gian qua, việc đồng Bitcoin tăng giá chóng mặt đã làm cho giới phân tích và cả những nhà đầu tư chỉ ham mê kiếm tiền trong thị trường màu mỡ này sững sờ. Điều này khiến cho giới quan sát càng tranh luận để hiểu được các yếu tố đã thúc đẩy cho màn tăng giá quá nóng này của Bitcoin và những yếu tố sẽ thúc đẩy 'quả bóng' Bitcoin vỡ tung.
Từ đây, tiên đoán "người chơi bitcoin nên chuẩn bị tinh thần mất trắng" của ông Andrew Bailey có vẻ không phải là không có cơ sở.
Theo một kịch bản mà giới quan sát đang đưa ra, trên dưới 20.000 USD rất có thể sẽ là mức giá ‘chung kết’ của Bitcoin. Và ‘Bitcoin được giao dịch hợp đồng tương lai’ sẽ là chiêu thổi tin làm giá cuối cùng của đồng tiền chưa được công nhận này.
Một tài sản được sử dụng làm tài sản cơ sở cho một hợp đồng phái sinh chắc chắn sẽ dễ bị làm giá hơn
Với giới tài phiệt tài chính, khi một tài sản được sử dụng làm tài sản cơ sở (underlying asset) cho một hợp đồng tương lai, giao dịch cho phép hoạt động bán khống, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ để các chiêu trò làm giá xảy ra.
Ví dụ, một quỹ đầu tư rất lớn quyết định thực hiện một giao dịch bán khống rất nhiều Bitcoin với giá rất rẻ trong thời gian 3 tháng tới, tâm lý đám đông khi thấy điều đó sẽ lo ngại rằng giá có thể giảm mạnh trong 3 tháng tới và quyết định bán ngay từ lúc này.
Như thế, giá của tài sản đó sẽ có cuộc ‘tắm máu’ trong sắc đỏ chỉ nhờ đúng một quyết định bán khống của nhà đầu tư lớn. Khi giá Bitcoin chạm đến mốc 20.000 USD và nó trở thành tài sản cơ sở cho hợp đồng tương lai, những hiện tượng như trên hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, viễn cảnh 'người chơi Bitcoin chịu cảnh mất trắng' có lẽ không chỉ là câu nói đùa.