Giải mã việc khi DN may mặc, da giày 'căng thẳng', Nike chuyển đơn hàng sang nước khác, thì Samsung, TSMC, Intel... liên tục đổ vốn vào Việt Nam
Vì sao lại có sự khác biệt hoàn toàn khi so sánh tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày với doanh nghiệp điện tử?
Đại dịch Covid-19 bùng phát sau gần 2 năm đã khiến hàng loạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng đảo lộn. Đặc biệt nhất phải kể đến ngành công nghiệp "tỷ USD" của Việt Nam: dệt may và da giày.
Hiện tại, khi nhiều địa phương đã dần mở cửa để phục hồi, việc sản xuất thế nào vẫn tiếp tục là nỗi lo của các doanh nghiệp dệt may, da giày khi hàng trăm nghìn lao động vẫn chưa thể quay lại.
9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019. Song, nếu tính từng tháng, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 15,9% so với tháng trước đó, đến tháng 9 đạt 3 tỷ USD, tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8. Như vậy có thể thấy, xuất khẩu của ngành đang giảm dần trong từng quý.
Quý đầu năm, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp ký được đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí là đến hết năm bởi các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc hay EU khi ấy đã nới lỏng giãn cách, nhu cầu dần tăng mạnh.
Tuy nhiên, sang quý 2, dịch bùng phát tại các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi đến quý 3, dịch lại kéo dài tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã buộc hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất, hoặc có sản xuất thì cũng cầm chừng, không thực hiện đơn hàng, giao hàng chậm...
Tất cả yếu tố đó đã khiến doanh nghiệp dệt may, da giày đối mặt với việc đối tác hủy đơn hàng. Dù cố gắng bố trí sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" hoặc phương án sản xuất "4 xanh" nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động, bởi chi phí là tương đối lớn.
Mới đây nhất, một số đơn hàng của Nike cũng đã chuyển sang nhà máy ở một số quốc gia khác để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ. Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành mới đây, CEO của Nike phát biểu sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác.
Mặc dù vậy, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh đang còn rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, Hiệp hội Dệt may dự báo 3 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may.
Trong khi đó, một lĩnh vực ghi nhận đà tăng trưởng trở lại chính là điện thoại và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 27 tỷ USD. Đặc biệt, điện thoại và linh kiện là một trong 6 mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trong quý 3, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã mang về 16,86 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng năm 2021 đạt 41.326 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực chất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các quy định về giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia đã khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện làm việc online, trực tuyến của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia tăng mạnh. Cùng với đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị của một số hãng điện tử lớn trên thế giới các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới.
Kèm theo đó là hàng loạt "gã khổng lồ" ngành công nghiệp điện tử toàn cầu như Samsung, Apple, Wistron, Pegatron hay Foxconn... đang mở rộng cơ sở sản xuất hiện có và muốn đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, Intel đầu tư khoảng 475 triệu USD vào sản xuất chip tại Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên khoảng 1,5 tỷ USD. Qualcomm cũng khai trương Phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm tra, Nghiên cứu và Phát triển chất bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội.
Sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Foxconn cũng tìm hiểu cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn Pegatron đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2 sau dự án đầu tiên được cấp phép từ tháng 3, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng thông tin về việc thành lập 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.
Nikkei Asia nhấn mạnh, đến năm 2030, một nửa số máy tính xách tay được bán ra trên toàn cầu sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Thực tế, sự khác biệt lớn khi so sánh tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày với doanh nghiệp điện tử đã được nhìn nhận rõ từ năm ngoái. Lý giải về điều này, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết, các nhà máy ngành điện tử có sự đối thoại và chia sẻ rủi ro chuỗi cung ứng rất tốt. Nhưng trong ngành may mặc, da giày, việc đối thoại chưa được làm tốt lắm. Dẫn đến việc, có rất nhiều nhà máy dệt bị hủy đơn hàng.
"Việc đối thoại không chỉ giữa doanh nghiệp với người lao động, mà còn cần có sự đối thoại giữa nhãn hàng đứng đầu chuỗi cung ứng, với các nhà cung ứng của mình để chia sẻ thông tin về đơn hàng, rủi ro chậm hàng, chậm thanh toán… nhằm hỗ trợ và chia sẻ lẫn nhau. Đây là mối quan hệ đối tác chứ không phải mua hàng một lần là xong", bà từng chia sẻ với Trí thức trẻ trước đó.
Ngoài ra, còn lý do khách quan khác chính là sự liên kết các nhãn hàng với nhà cung ứng của họ chặt chẽ hơn trong chuỗi cung ứng điện tử. Lấy ví dụ, khi Samsung hay LG đến Việt Nam, bên cạnh nhà máy sản xuất chính, các nhà cung ứng buộc phải chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc sang gần nhà máy chính.
"Bởi lẽ, tất cả hoạt động trao đổi của họ về vấn đề công nghệ, về vấn đề chất lượng sản phẩm xảy ra liên tục, gần như hàng giờ để đảm bảo là toàn bộ chuỗi cung ứng là JIT (Just In Time) để bảo kho bãi của họ không bị quá tải và đồng thời cũng để đảm bảo tính hiệu quả cho toàn chuỗi, sản xuất ra mặt hàng một cách nhanh nhất", bà Chi nhận định.