Giải mã nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu đến từ đâu?

21/05/2022 16:46 PM | Kinh doanh

Kịch bản nào cho thị trường dầu sắp tới?

Kịch bản nào cho thị trường dầu toàn cầu sắp tới?
Kịch bản nào cho thị trường dầu toàn cầu sắp tới?

Giá xăng tăng liên tục đang hằn sâu trong suy nghĩ người tiêu dùng. Phần lớn đều đã quá quen với những bảng hiệu thông báo giá xăng hiện có giá 4 USD, 5 USD, thậm chí là 6 USD/gallon (1 gallon xấp xỉ 3,7 lít) ở một số nơi. Chi phí nhiên liệu tăng cao, đặc biệt đối với dầu diesel, đồng nghĩa với việc bất cứ thứ gì được vận chuyển bằng xe tải, tàu hoả hoặc tàu thủy đều sẽ bị ảnh hưởng - một hệ lụy từ chính sách bơm tiền ngay lập tức vào nền kinh tế.

Chi phí tăng cao dĩ nhiên kéo theo lạm phát. Những con số kỷ lục sau hàng thập kỷ đang được ghi nhận tại hầu hết các quốc gia, khi giá một loạt hàng hoá và dịch vụ phi mã.

“Dầu diesel thực sự là loại nhiên liệu quan trọng. Nó là huyết mạch của nền kinh tế, gắn liền với hoạt động kinh tế và hiện hữu trong rất nhiều các sản phẩm và dịch vụ”, Chủ tịch công ty năng lượng Rapidan Energy Group chia sẻ với tờ CNBC.

NGUỒN CƠN TĂNG GIÁ

Giá xăng tăng phần lớn do giá dầu tăng, trong đó xung đột Nga-Ukraine là chất xúc tác mới nhất đẩy giá dầu thô lên cao hơn nữa.

Thực tế, giá dầu đã tăng từ trước khi xảy ra căng thẳng địa chính trị giữa 2 quốc gia. Thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà sản xuất năng lượng đã phải cắt giảm đầu tư vào các dự án ít sinh lời do chịu áp lực lớn từ các cổ đông thích lợi nhuận.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 1.

Xung đột Nga-Ukraine là chất xúc tác mới nhất đẩy giá dầu thô lên cao hơn

Sản lượng sau đó bị cắt giảm nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch hoành hành, do nhu cầu đi lại co rút. Các lệnh phong toả khiến người dân hạn chế ra đường, trong khi các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19. Nhu cầu lao dốc đột ngột đến dầu thô West Texas Intermediate (WTI), loại dầu tiêu chuẩn của nền kinh tế Mỹ, đã giao dịch ngắn hạn trong vùng tiêu cực.

Tuy nhiên, sau khi các quốc gia lần lượt mở cửa trở lại và nối lại sản xuất, nhu cầu đối với dầu bất ngờ phình to. Giá cao tăng khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 11/2021 ra lệnh mở kho dự trữ chiến lược, "xả" 50 triệu thùng dầu cùng lúc với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.

Động thái diễn ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố không tăng sản lượng dầu thô khai thác mỗi ngày cho đến hết ngày 2/12/2021, đồng thời chỉ duy trì mức tăng 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu liên tiếp chạm mốc kỷ lục.

Do vậy, quyết định của Mỹ được coi là chiến dịch phối hợp đa quốc gia đầu tiên nhằm kìm hãm đà tăng giá dầu thô - yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế đang trên đà phục hồi hậu đại dịch.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 2.

Trong phiên giao dịch ngày 7/3/2022, giá dầu Brent đã có thời điểm bật tăng kỷ lục lên 139,13 USD/thùng

Tuy nhiên, thị trường dầu mong manh chưa kịp lấy lại nhịp ổn định đã phải tiếp tục chịu áp lực từ xung đột Nga-Ukraine. Nguyên nhân là bởi Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, và Liên minh châu Âu EU buộc phải dựa vào quốc gia này để lấy nguồn cung khí đốt tự nhiên.

Trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá dầu Brent đã có thời điểm bật tăng lên 139,13 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI là 130,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.

"Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể giúp hạ nhiệt giá dầu, song nếu chúng bị trì hoãn quá lâu, giá dầu có thể sẽ diễn biến khó lường trong bối cảnh dầu thô Nga vắng mặt trên thị trường", Reuters trích lời nhà đồng sáng lập Amrita của hãng năng lượng Energy Aspects cho biết.

Thậm chí vào thời điểm đó, các chuyên gia JP Morgan Chase còn dự đoán giá dầu có thể bật tăng lên 185 USD/thùng trong năm nay, bởi "vấn đề không nằm ở bản thân các lệnh trừng phạt vì nhu cầu dầu khí vẫn còn đó", theo Phó chủ tịch Danial Yergin của S&P Global.

Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong liên tục 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức "chưa từng có tiền lệ" bởi cho đến nay, chưa có quốc gia nào xuất lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian lâu như vậy.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 3.

Thuế, chi phí phân phối và chiết lọc đang ảnh hưởng đến giá dầu

Ông Joe Biden khi đó cũng có những bình luận cứng rắn nhắm vào các công ty dầu khí, rằng “Đây không phải là lúc vì lợi nhuận. Hãy hỗ trợ khách hàng thay vì các nhà đầu tư và Giám đốc điều hành".

Sau động thái trên của Mỹ, giá dầu dần hạ nhiệt, dù vẫn duy trì ở mức cao so với hồi năm ngoái. Điều này khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden khá “đau đầu”. Phía các công ty dầu mỏ thì thừa nhận không thể tăng thêm trữ lượng cho thị trường, bởi bản thân họ cũng đang phải giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và đà tăng cao của nguyên liệu đầu vào.

Theo CNBC, giá dầu chiếm hơn một nửa trong giá 1 gallon xăng, song đây không phải yếu tố duy nhất. Thuế, chi phí phân phối và chiết lọc cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Thực tế, lọc dầu là công đoạn quan trọng nhất biến dầu thô trở thành các sản phẩm xăng dầu mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể sử dụng. Tuy nhiên, lượng dầu có trong các nhà máy lọc đã giảm đảng kể từ sau đại dịch, đặc biệt ở các khu vực vùng Đông Bắc. Sau khi Nga chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, châu Âu buộc phải tìm kiếm các bên cung cấp thay thế. Các nhà máy lọc dầu theo đó phải hoạt động gần như hết công suất.

Tất cả những yếu tố trên đang đẩy giá xăng lên cao. Theo AAA, giá trung bình cho 1 gallon xăng vừa đạt kỷ lục 4,589 USD trong phiên giao dịch hôm thứ Năm vừa qua, tăng từ mức 3,043 USD hồi năm ngoái.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 4.

Một nhà máy dầu

Một số tiểu bang hiện ghi nhận mức giá trung bình hơn 4 USD/gallon, trong khi ở bang California hiện đang trên 6 USD/gallon. Giá dầu diesel cũng bị đẩy tăng, đạt mức kỷ lục 5,577 USD/gallon trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tăng 76% chỉ sau 1 năm.

Theo Yardeni Research, các hộ gia đình hiện đang chi trung bình 5.000 USD/năm cho các sản phẩm xăng dầu, tăng từ mức 2.800 USD một năm trước đó.

XĂNG TĂNG, AI MỚI LÀ NGƯỜI LO?

Giá cao không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng mà còn tác động rất lớn tới nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ, trong đó có Target.

Cổ phiếu chuỗi cửa hàng này đã giảm 25% vào trong phiên giao dịch hôm thứ Tư vừa qua, mức kỷ lục kể từ năm 1987 sau khi bản báo cáo kinh doanh cho thấy áp lực lạm phát đang vô cùng nặng nề.

“Chúng tôi không lường trước được những thay đổi này, chúng diễn ra quá nhanh trong 60 ngày. Công ty không ngờ được rằng chi phí vận chuyển và hàng hóa lại tăng cao lên mức kỷ lục như vậy”, Giám đốc điều hành Target, ông Brian Cornell chia sẻ với tờ CNBC.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 5.

Gã khổng lồ bán lẻ Walmart

Đại diện gã khổng lồ bán lẻ Walmart cũng có nhận định tương tự. “Chi phí tăng quá nhanh, vượt ngoài khả năng của chúng tôi”, Doug McMillon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Walmart nói. “Riêng nhiên liệu đã tăng hơn 160 triệu USD so với dự báo của chúng tôi rồi”.

Công ty Tractor Supply cũng lưu ý thêm rằng chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước và nhập khẩu đã tăng “đáng kể” so với hồi năm ngoái, đồng thời dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn trong suốt năm 2022.

"Chi phí vận chuyển một container ra nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch, trong khi chi phí nhiên liệu tăng gấp rưỡi”, đại diện Amazon thông báo trong bản báo cáo hàng quý.

Monster Beverage không ngoại lệ, khi mà “sự gia tăng đáng kể trong chi phí bán hàng chủ yếu là do giá cước vận tải và giá nhiên liệu tăng cao”.

Bên cạnh đó, lĩnh vực hàng không cũng đang chịu tác động lớn khi chi phí tại East Coast tăng phi mã. Southwest Airlines cho biết họ đã chứng kiến ​​"sự gia tăng đáng kể trong giá nhiên liệu máy bay”, và rằng nếu không có gì thay đổi, điều này sẽ khiến hãng thiệt hại 10 tỷ USD so với hồi năm 2019.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 6.

Lĩnh vực hàng không đang chịu tác động lớn do chi phí tại East Coast tăng phi mã

“Thách thức đang đặt ra trước mắt chúng tôi thực sự là việc chi phí dầu diesel tăng cao kỷ lục. Điều này tác động rất lớn đến giá cước vận tải nói chung”, ông Bob Biesterfeld, Giám đốc điều hành tại C.H. Robinson chia sẻ với CNBC.

Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ thêm rằng một hãng vận tải hiện nay sẽ phải trả thêm trung bình gần 1.000 USD chi phí nhiên liệu so với năm ngoái để vận chuyển hàng từ Los Angeles đến East Coast.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO?

Theo CNBC, chỉ khi nhu cầu sụt giảm, giá xăng dầu mới có thể hạ nhiệt. Thậm chí, các quốc gia sẽ phải cần đến 1 cuộc suy thoái nhẹ để giải quyết vấn đề.

“Sẽ phải cần đến một cuộc suy thoái để kiềm chế đà tăng lạm phát. Dự báo này không vui chút nào. Nhu cầu vẫn chưa thực sự được điều chỉnh, vì vậy chúng sẽ tăng cao hơn nữa cho đến khi điều đó xảy ra”, chuyên gia Rapidan’s McNally nhận định.

Theo Chủ tịch Goldman Sachs Lloyd Blankfein, cuộc suy thoái sắp tới, nếu có diễn ra, cũng chỉ khá nhẹ nhàng.

“Bong bóng cổ phiếu công nghệ được tạo ra do sự mất cân đối trong cách định giá. Sự mất cân đối về nhà đất cũng tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy có sự mất cân bằng nào đủ lớn để khiến nền kinh tế chịu tổn thương nghiêm trọng”, ông Blankfein nói.

Nguồn cơn đà tăng cao phi mã của giá xăng dầu toàn cầu  - Ảnh 7.

Các quốc gia có thể sẽ phải cần đến 1 cuộc suy thoái nhẹ để giải quyết vấn đề

Chính vì vậy, vị lãnh đạo này khuyến khích giới đầu tư nên “nằm yên” trong 12-18 tháng tới, cho đến khi kịch bản suy thoái hình chữ V kết thúc. Đây được coi là kịch bản tốt nhất khi một quốc gia xảy ra suy thoái.

“Nếu danh mục của bạn đã giảm 20%, đừng bán nữa. Hãy tận dụng cơ hội này để tái cân bằng danh mục’’, ông nói.

Theo: CNBC, Bloomberg

Huệ Anh

Từ khóa:  dầu
Cùng chuyên mục
XEM