Giấc mơ xanh của California

14/09/2022 08:09 AM | Kinh doanh

California đặt mục tiêu chỉ sử dụng xe điện vào năm 2035, thậm chí có thể yêu cầu các hộ gia đình lắp đặt các thiết bị thuần chạy điện, sớm nhất vào năm 2026.

Nước Mỹ đặt mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2045, theo đó buộc các phương tiện công cộng, nhà máy và nhiều tòa nhà dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang điện sạch. Trong khi đó, bang California lại đang phải vật lộn để duy trì một mạng lưới điện vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay vì nắng nóng kéo dài.

Trước cảnh báo về tình trạng khan hiếm nguồn cung điện, cơ quan lập pháp của bang quyết định tiếp tục “giữ lửa” nhà máy hạt nhân cuối cùng thay vì dừng hoạt động theo kế hoạch vào năm 2025. Tuy nhiên, ngay cả khi nhà máy này cố gắng hoạt động hết công suất, nhu cầu điện kéo dài vẫn sẽ siết chặt nguồn cung, trong bối cảnh hàng triệu chiếc xe điện “khát” sạc. 

California đặt mục tiêu chỉ sử dụng xe điện vào năm 2035, thậm chí có thể yêu cầu các hộ gia đình lắp đặt các thiết bị thuần chạy điện, sớm nhất vào năm 2026. Mục tiêu này do Thống đốc bang Gavin Newsom đề xuất trong lộ trình giảm dần lượng xe mới bán ra không phát thải. Đây được ví von như chiếc "kim chỉ nam" cho nỗ lực giảm khí thải của tất cả các bang, bởi California hiện là thị trường tiêu thụ xe ô tô lớn nhất nước Mỹ với hơn 40 triệu người tiêu dùng. Trong năm nay, xe điện đóng góp 15% doanh số bán xe của cả bang. 800.000 trên tổng số 30 hàng triệu phương tiện giao thông trên các tuyến đường là xe điện. 

“Tham vọng của California đang đi trước thực tế. Bạn muốn một thế giới không carbon, nhưng thực tế sẽ khác rất nhiều”, Gary Ackerman, nhà sáng lập Diễn đàn Mua bán Điện miền Tây, một liên minh gồm hơn 100 công ty cho biết.

Giấc mơ 'xanh' của California  - Ảnh 1.

California đặt mục tiêu chỉ sử dụng xe điện vào năm 2035, thậm chí có thể yêu cầu các hộ gia đình lắp đặt các thiết bị thuần chạy điện, sớm nhất vào năm 2026.

Theo Bloomberg, các chính sách về khí hậu của California chắc chắn sẽ tăng nhu cầu điện. Họ muốn một lưới điện mang lại nhiều điện năng và có lẽ nhiều hơn 80% vào năm 2045, theo ước tính mới đây của California Air Resources Board.

Các trang trại điện mặt trời, điện gió cùng với pin quy mô lớn đang đẩy mạnh hỗ trợ nguồn cung, trong đó, năng lượng tái tạo hồi năm ngoái đóng góp tới ⅓ lượng điện năng cho California. Công ty nghiên cứu Công nghệ & Chính sách Đổi mới Năng lượng cho biết nhu cầu điện có thể tăng 18% so với hồi năm 2020 vào năm 2030, khi mọi thứ bắt đầu được điện khí hóa. Theo Michael O'Boyle, Giám đốc chính sách điện của công ty, khả năng theo kịp đà tăng trưởng này là hoàn toàn có thể xảy ra. 

“Chúng tôi có sự tin tưởng và thực sự cần duy trì sự tập trung trong nỗ lực xây dựng danh mục năng lượng sạch đa dạng. Điều đó bao gồm mục tiêu mới của Ủy ban Năng lượng California, đó là lắp đặt các tuabin gió ngoài khơi từ 2 đến 5 gigawatt vào năm 2030, một công nghệ chưa được triển khai ở Bờ Tây”, ông Michael O'Boyle nói. 

Đối với những chiếc xe điện, đây có thể trở thành công cụ giúp ổn định lưới điện, thay vì “bòn rút’’ năng lượng như nhiều người tưởng. Những thỏi pin được lắp đặt trong xe có thể cung cấp điện ngược trở lại trong thời gian cần thiết, sau đó tái sạc khi nguồn cung điện tăng lên.

“Chúng là những cục pin khổng lồ, giúp lưới điện tăng độ thích ứng hay vì cạn kiệt đi”, Leah Stokes, chuyên gia khí hậu kiêm nhà khoa học chính trị tại Đại học California, Santa Barbara cho biết.

Một lưu ý nhỏ là các tài xế cần hạn chế sạc xe vào buổi tối - thời điểm hệ thống lưới điện thường xuyên quá tải vì nhu cầu đèn và điều hòa tăng cao. 

Giấc mơ 'xanh' của California  - Ảnh 2.

Đối với những chiếc xe điện, đây có thể trở thành công cụ giúp ổn định lưới điện, thay vì “bòn rút’’ năng lượng như nhiều người tưởng.

Tuy nhiên, mục tiêu điện khí hóa vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Quá trình sạc xe EV có thể du di chuyển sang nửa đêm, song phần lớn điện năng cần thiết cho điều hòa hoặc thiết bị sưởi ấm lại không thể. 

Severin Borenstein, một nhà kinh tế năng lượng tại Đại học California, Berkeley, cho biết người dân California sẽ vẫn cần đến những thiết bị này, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay. Ông cũng dự đoán bang này sẽ có ít mưa hơn trong tương lai, ngay cả khi tình trạng hạn hán kết thúc. Điều đó có nghĩa là các đập thủy điện, vốn được coi là nguồn cung cấp năng lượng sạch chính cho California, sẽ không thể tạo ra nhiều năng lượng.  

Trong khi đó, sự phụ thuộc ngày càng tăng của California vào năng lượng mặt trời sẽ khiến cả bang dễ bị tổn thương vào những buổi tối nóng nực. Chính quyền địa phương sau đó đã chuyển sang sử dụng các loại pin sạch quy mô lớn để bù đắp khoảng trống, song vẫn không đủ để thế chân các nhà máy khí đốt sử dụng năng lượng truyền thống. Sáng kiến lưu trữ năng lượng trong khoảng thời gian dài là cần thiết, song loại hình duy nhất được sử dụng rộng rãi tại California là tích trữ thủy điện. Điều này đòi hỏi giới chức phải đầu tư xây dựng các hồ chứa ở các độ cao khác nhau trên địa hình đồi núi.

"Các đợt nắng nóng kéo dài nhấn mạnh sự cấp thiết của bang California trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, càng sớm càng tốt", ông Siva Gunda, phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng California cho biết. "Những thách thức từ lưới điện đang đặt ra nhiều trở ngại trong quá trình này".

Giấc mơ 'xanh' của California  - Ảnh 3.

Các tấm pin mặt trời tại một trang trại ở Huron, California.

Dẫu vậy, theo Michael Wara, giám đốc chương trình chính sách khí hậu và năng lượng của Đại học Stanford, quá trình chuyển đổi sang một tương lai điện khí hóa tại California vẫn có thể hiệu quả, miễn là tiểu bang này tăng tốc triển khai.

Ngoài ra, theo ông Ari Eisenstadt, Giám đốc chiến dịch Regenerate California, California cũng cần đặt ra những tiêu chuẩn rõ ràng hơn để đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được sử dụng làm công cụ thay thế dự phòng. 

Theo: Bloomberg 


Vũ Anh

Từ khóa:  điện
Cùng chuyên mục
XEM