Lãi 10 tỷ sau 8 tháng đầu năm, Taseco Airs sẽ thoát nguy cơ hủy niêm yết?
Ông Lê Anh Quốc - Tổng giám đốc Taseco Airs cho biết, trong 2 tháng đầu của quý 3/2022, công ty đạt mức doanh thu xấp xỉ 135 tỷ và lợi nhuận trước thuế 17,1 tỷ đồng - đủ bù đắp hết số lỗ của 6 tháng đầu năm
Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) mới đây đã đưa ra lưu ý về việc CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, mã chứng khoán: AST) có khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu do Công ty đã có 2 năm liên tiếp 2020-2021 thua lỗ. Đồng thời, lợi nhuận hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng là số âm. Nếu năm 2022 Công ty tiếp tục lỗ thì theo quy định, cổ phiếu sẽ thuộc dạng bị hủy niêm yết bắt buộc.
Lãnh đạo Taseco Airs nói gì?
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Anh Quốc - Tổng giám đốc Taseco Airs cho biết, trong 2 tháng đầu của quý 3/2022, công ty đạt mức doanh thu xấp xỉ 135 tỷ và lợi nhuận trước thuế 17,1 tỷ đồng - đủ bù đắp hết số lỗ của 6 tháng đầu năm, nâng lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm lên hơn 10 tỷ đồng.
Mặc dù lưu lượng khách tại một số sân bay chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch nhưng với tình hình hiện tại, TGĐ Taseco Airs cho rằng công ty có thể đạt mục tiêu doanh thu 633 tỷ đồng trong năm 2022. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 40 tỷ đồng - vượt con số 23,5 tỷ đồng trong kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua.
“Như vậy, Công ty sẽ không lỗ trong năm nay, cũng có nghĩa là sẽ không bị huỷ niêm yết như cảnh báo của HOSE” - Ông Quốc khẳng định và chia sẻ thêm:
Thứ nhất, sự phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022. Theo số liệu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng hành khách 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 66 triệu hành khách, trong đó hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách, tăng 19,9% so với năm 2019. Hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách, giảm 81,5% so với năm 2019 nhưng đã có sự gia tăng qua các tháng.
Thứ hai, khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn bởi đại dịch, Taseco Airs đã tổ chức lại bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường công tác đào tạo trên toàn hệ thống. Đặc biệt, Taseco Airs tập trung tham gia đấu thầu phát triểm thêm các điểm kinh doanh, mua lại cổ phần và sở hữu cổ phần chi phối (51%) tại CTCP Dịch vụ Hà Linh (đơn vị cùng ngành nghề đang vận hành hơn 10 điểm kinh doanh).
Việc đấu thầu phát triển thêm các điểm kinh doanh và quá trình M&A CTCP Dịch vụ Hà Linh giúp Taseco Airs nâng tổng số điểm kinh doanh của toàn hệ thống tại các sân bay lên 115 điểm, tăng thị phần đáng kể, chuẩn bị sẵn sàng bùng nổ khi thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch.
Thứ ba, kiểm soát tốt vấn đề hàng tồn kho. Xử lý tốt hàng tồn kho là một trong những thành công của Taseco Airs trong hơn 2 năm dịch bệnh. Trước tình hình sân bay giãn cách, hàng hóa gần hết hạn sử dụng, doanh nghiệp đã tìm cách kết hợp với các nhà cung cấp để thực hiện đổi trả, thanh lý hoặc bán hàng ở thị trường khác ngoài sân bay.
Đáng chú ý, sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh đã cải thiện dòng tiền của Taseco Airs. Thời điểm hiện tại, số dư tiền mặt của Công ty xấp xỉ 210 tỷ đồng - tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối quý 2/2022.