Giá vé máy bay sẽ đắt "cắt cổ" sau Covid-19 và liệu có người mua?
Không thể tránh được việc giá tăng vì các hãng có khoản nợ rất lớn phải trả và cần đảm bảo sức khỏe tài chính.
Khi tiểu bang Florida của Mỹ bắt đầu ban bố các lệnh cấm ra đường và đóng cửa bãi biển vào cuối tháng ba nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, chuyên gia tư vấn bất động sản kiêm hoạ sĩ Nadia Bouzid đang vẽ dở bức tranh treo tường bên trong một khách sạn mới ở Cancun, Mexico. Đặt bút vẽ xuống, bà vội vàng nhấc điện thoại lên và tìm kiếm một chuyến bay trở về nhà.
"Tôi chọn một ghế trên chuyến bay về quê nhà, với mức giá ban đầu là 200 USD, sau đó giảm xuống 70 USD rồi lại lên 350 USD. Tôi đặt vé với mức giá cuối cùng 350 USD. Đến ngày bay tôi thực sự bất ngờ khi cả chuyến bay trống không. Tôi bắt đầu hoảng hốt và tự hỏi mình sẽ phải trả bao nhiêu cho chuyến bay trở lại Mexico, sau khi mọi thứ đã kết thúc", hoạ sĩ Nadia chia sẻ trên CNN Travel.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang "rục rịch" mở cửa biên giới và hỗ trợ doanh nghiệp, các hãng hàng không cũng lên kế hoạch tái hoạt động trở lại, câu hỏi của hoạ sĩ Nadia hoàn toàn đáng để suy ngẫm. Đó là liệu giá vé máy bay có đắt "cắt cổ" hay không và ai sẽ là người mua, sau khi cơn đại dịch tồi tệ này đi qua?
Mới đây hãng hàng không Delta Air Lines của Mỹ thông báo sẽ chặn toàn bộ các ghế ngồi hàng giữa và giới hạn tải trọng chuyên chở đối với mỗi chuyến bay để thực hiện giãn cách xã hội cho tới ngày 30/6, hãng chỉ cho phép 50-60% số ghế ngồi được đặt trước. Nhiều hãng hàng không khác trong đó có Emirates, American Airlines, Japan Airlines, United cũng thực hiện những biện pháp tương tự.
Trong khi đó, một vài hãng hàng không hiếm hoi vẫn cho đặt chỗ như bình thường nhưng lại phụ thu thêm khoản phí mang tên "giám sát giãn cách xã hội". Ngày 4/5, Frontier Airlines - hãng hàng không giá rẻ của Mỹ công bố bảng phí dự kiến mới áp dụng cho các chuyến bay từ ngày 8/5 đến 31/8. Theo bảng phí mới của hãng này, mỗi hành khách sẽ phải trả thêm một khoản phụ thu 39 USD mỗi chiều để đảm bảo không có người ngồi ghế giữa. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, Frontier Airlines đã huỷ bỏ bảng phí dự kiến này sau khi nhận nhiều chỉ trích từ Quốc hội Mỹ.
Theo IATA, cơ quan đại diện cho 290 hãng hàng không trên toàn thế giới, các biện pháp cách ly xã hội khiến hàng ghế giữa của máy bay buộc phải bỏ trống, làm hệ số tải tối đa giảm xuống chỉ còn 62% trong khi trung bình các hãng cần hệ số tải ở mức 77% để chuyến bay hòa vốn. Do đó, chỉ được bán ít ghế sẽ đồng nghĩa giá vé có thể tăng từ 43% đến 54% trong năm 2020 tùy theo khu vực.
Theo Andrew Charlton, 1 chuyên gia tư vấn về ngành hàng không, trong ngắn hạn vé giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường để giúp mọi người vượt qua nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, sau đó sẽ không thể tránh được việc giá tăng vì các hãng có khoản nợ rất lớn phải trả và cần đảm bảo sức khỏe tài chính. Theo ước tính, 7 hãng hàng không lớn của Mỹ sẽ cạn tiền vào cuối năm nay, trong khi IATA dự báo doanh thu toàn ngành năm 2020 sẽ sụt giảm 314 tỷ USD.
Tại trung tâm sa mạc của nước Úc, một sân bay vốn đã quen với việc chào đón hàng chục nghìn đoàn khách du lịch tới thăm dãy núi đổi màu huyền thoại Uluru mỗi năm, hiện đã biến thành một "viện bảo tàng" của các hãng hàng không thương mại Singapore. Hàng loạt máy bay có trị giá hơn 5 tỷ USD đang nằm "đắp chiếu" tại đây.
Tất nhiên, ai cũng hi vọng rằng việc nằm "đắp chiếu" này chỉ là tạm thời và sẽ được nói lời "hẹn gặp lại" chứ không phải là "tạm biệt" những chiếc máy bay này. Khí hậu nóng nực quanh năm của vùng sa mạc khô cằn nhất nước Úc được cho là thuận lợi cho việc bảo trì. Tuy nhiên, đối với một số loại máy bay, ví dụ như "nữ hoàng bầu trời" Boeing 747, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể là lời chào "tạm biệt".
Theo lẽ dĩ nhiên, khi số lượng máy bay phải "nghỉ hưu sớm" lớn, đội ngũ phi công và phi hành đoàn cũng sẽ phải nghỉ hưu. Một báo cáo hồi tháng 5 của hãng hàng không United Airlines chia sẻ sự thật phũ phàng rằng số lượng phi công của hãng hiện lớn hơn số lượng hành khách. "Hiện nay trung bình chúng tôi chỉ chở khoảng 10.000 hành khách mỗi ngày. Số lượng phi công của chúng tôi đang nhiều hơn số lượng khách". Theo đó, United Airlines cũng cho biết họ buộc lòng phải sa thải 4.557 trong tổng số 12.250 phi công của hãng kể từ ngày 30 tháng 6.
Tất nhiên, United Airlines không phải là hãng hàng không duy nhất phải đưa ra quyết định "đau lòng" khi sa thải hàng loạt phi công. Trước đó, Ryanair – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu dự định sa thải 3.000 nhân viên; British Airways sẽ cắt giảm khoảng 30.000 người lao động và 80.000 nhân viên hàng không của Tập đoàn Lufthansa (Đức) cũng lâm vào cảnh thất nghiệp sau Covid-19.
Trên thực tế, hầu hết các hãng hàng không đều đang điều chỉnh theo nhu cầu. Bước đi này được cho là kịp thời để các hãng có thể tiếp tục duy trì hoạt động sau đại dịch và cung cấp vé máy bay với mức giá phải chăng mà người tiêu dùng vốn đã quen thanh toán trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra.
Cuối tháng 4, khi giá dầu rơi xuống mức âm, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các hãng máy bay sẽ giảm giá vé và người tiêu dùng có hưởng lợi? Theo nguyên lý, khi giá xăng dầu giảm, chi phí nguyên liệu của ngành hàng không cũng giảm và do đó giá vé sẽ được giảm theo. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.
"Chi phí nhiên liệu trung bình chiếm khoảng 20-25% chi phí hoạt động của một hãng hàng không. Nếu giá dầu thô tiếp tục giảm, chi phí nhiên liệu đầu vào giảm, do vậy các hãng hàng không có thể hưởng lợi từ môi trường giá thấp. Nhưng điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức", Manoel Suhet – Giám đốc điều hành Business Traveller chia sẻ trên CNN Travel.
Cụ thể, theo ông Suhet lý giải, để giảm thiểu rủi ro biến động giá trong tương lai, hầu hết các hãng hàng không đều ký hợp đồng mua một khối lượng nhiên liệu nhất định với các công ty xăng dầu và với mức giá quy định từ trước. Do vậy, mặc dù giá dầu rẻ nhưng nhiều hãng hàng không chưa được hưởng lợi ngay và khó có thể khẳng định vé máy bay có rẻ hơn nhờ giá xăng dầu giảm.
Nỗi lo sợ và sự không an toàn khiến hầu hết mọi người do dự và đối với một số người, giá vé rẻ không đủ để tạo động lực cho họ đặt vé đi du lịch, thậm chí kể cả khi giá rẻ đến "kinh ngạc". Họ sẽ chỉ thực sự cảm thấy "an tâm" cho đến khi tình trạng kinh tế và cả sức khoẻ của các quốc gia ổn định trở lại.
Kathy Kass – một luật sư sống tại New York (Mỹ) thường đi du lịch đến các nước khác hàng tháng và luôn theo dõi giá vé máy bay mỗi ngày. Tuy nhiên đầu tháng 3 vừa qua, nữ luật sư trẻ phải huỷ bỏ toàn bộ các chuyến đi theo kế hoạch. "Tôi dự định chuyển vé sang cuối tháng 6, đầu tháng 7 xem mọi thứ có ổn hơn không. Nhưng đến hiện tại tôi vẫn ngồi đây với vài voucher của các hãng hàng không mà không biết phải làm gì với chúng".
Sau đó, Kass đã bị "quyến rũ" khi nhìn thấy một quảng cáo trên blog du lịch vào ngày 29/4. Với mức vé khứ hồi 840 USD là cô có thể bay từ Canada hoặc Mexico tới đảo Bali (Indonesia). Trong khi giá vé bình thường cao gấp 4 lần con số đó. Sau một hồi đắn đó, cô quyết định không đặt vé.
"Tôi luôn muốn đến thăm Bali, nhưng tôi không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi không muốn làm hại chính bản thân mình. Tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở Indonesia và khi nào thì đảo Bali sẵn sàng đón khách du lịch trở lại", nữ luật sư trẻ cho biết.
Trong khi đó, theo Thời báo London, chính quyền đảo Sicily của Ý cũng công bố kế hoạch "giải cứu" ngành du lịch bằng cách rót 50 triệu Euro để chi trả một nửa tiền vé máy bay và một trong ba đêm ở khách sạn cho du khách tới thăm quan; đồng thời miễn vé vào cửa thăm quan bảo tàng và các địa điểm khảo cổ nổi tiếng. Tuy nhiên, hầu như du khách vẫn hết sức "dè dặt" trước những ưu đãi này.
Hoạ sĩ Nadia Bouzid dự định sẽ đặt vé giá rẻ một chiều để quay lại thành phố Cancun và hoàn thành những công việc còn dang dở sau khi Covid-19 kết thúc. Tuy nhiên, bà cũng không biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc cũng như giá vé lúc đó sẽ đi về đâu? Nó có thể là 70 USD, 200 USD hoặc thậm chí 350 USD.