Virus Zika xuất hiện ở Đà Nẵng: Dấu hiệu lây nhiễm và cách phòng ngừa

26/05/2020 19:20 PM | Xã hội

Virus Zika chủ yếu lây sang người qua vết cắn của muỗi, do vậy, để phòng tránh, người dân nên chủ động giảm những hoạt động của loại côn trùng này trong môi trường.

Virus Zika lây sang người qua vết cắn của con muỗi bị nhiễm bệnh từ muỗi Aedes, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt vàng da.

Người bị nhiễm virus Zika thường có các triệu chứng tương tự như sốt xuất huyết bao gồm sốt, phát ban da, viêm kết mạc, đau cơ và khớp, mệt mỏi, và đau đầu. Những triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài 2-7 ngày.

Chẩn đoán virus Zika có thể thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phân lập virus từ mẫu máu. Chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học có thể khó khăn do virus có thể có phản ứng chéo với các virus khác thuộc họ flavivirut như virus Dengue, sốt tây sông Nile và sốt vàng.

Người nhiễm virus Zika nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước và uống các loại thuốc thông thường. Trường hợp nặng cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Phòng lây nhiễm virus Zika thế nào?

Theo các chuyên gia, do virus Zika có nguồn lây nhiễm chủ yếu là muỗi nên để phòng bệnh, người dân cần chủ động giảm những hoạt động tiếp xúc giữa muỗi và con người như:

- Loại bỏ nơi muỗi có thể khu trú như xô nước, chậu, bụi rậm, vùng nước đọng…

- Mặc quần áo dài, sáng màu, che kín cơ thể. Khi ngủ nên mắc màn, cửa ra vào và cửa sổ nên có màng chắn muỗi.

- Phụ nữ mang thai và đang có ý định mang thai nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và dự phòng bệnh.

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Dùng các thuốc chống côn trùng trong nhà.

- Khi đi xa, đi du lịch phải có các biện pháp phòng ngừa cơ bản để tránh bị muỗi đốt.

- Nếu nghi ngờ bản thân hoặc gia đình có người xuất hiệu triệu chứng nghi nhiễm virus Zika, cần sớm đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và điều trị.

Phạm Quý

Cùng chuyên mục
XEM