Giá vé chạm đáy, các hãng vẫn nhập nhiều máy bay
Trong lúc đang chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng dịch Covid-19, máy bay vắng khách phải xếp hàng chờ nhưng nhiều hãng hàng không vẫn ồ ạt nhập máy bay mới về
Ngày 12-6, ghi nhận một vòng website của các hãng Vietjet, Vietnam Airlines,Bamboo Airways… với những đường bay từ TP HCM, Hà Nội đi các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc khởi hành nửa cuối tháng 6, giá vé đã "chạm đáy". Nhiều hãng bán vé chỉ từ 9.000 đồng, nếu cộng thuế phí chỉ từ 500.000 đồng…
Giá vé giảm kỷ lục
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm kỷ lục trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong nửa đầu tháng 6, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) chỉ cấp phép tổng cộng 63 chuyến bay khứ hồi cho 5 hãng khai thác đường bay đi và đến TP HCM nhằm phòng chống dịch Covid-19. Tại sân bay quốc tế Nội Bài, từ 540 lượt chuyến bay với 79.000 lượt khách/ngày dịp lễ 30-4, hiện có những ngày chưa đầy 70 lượt chuyến bay với xấp xỉ 6.000 khách.
Một trong những hệ lụy của việc vắng khách, dù giá vé đã thấp kỷ lục, là hàng loạt máy bay xếp hàng tại sân đỗ, thiếu cả chỗ đỗ. Cuối tháng 5-2021, Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu xây dựng phương án phân bổ, bố trí vị trí đỗ máy bay qua đêm của các hãng hàng không tại nhiều sân bay khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu vị trí đỗ trong giai đoạn dịch kéo dài.
Sân bay Nội Bài được yêu cầu rà soát để bố trí mới các vị trí đỗ máy bay qua đêm trên cả những đường lăn, nghiên cứu cả phương án bố trí máy bay đỗ qua đêm trên 1 đường băng trong thời gian đóng cửa đường băng này. Những ngày qua, sân bay phải bố trí chỗ đỗ cho gần 90 máy bay, trong đó không ít chiếc nằm không cả tháng. Vietnam Airlines mỗi đêm có khoảng 30 chiếc đỗ, trong đó hơn 10 chiếc không khai thác.
Số lượng máy bay "nằm sân" của Vietjet cũng tương tự. Do sân đậu không đủ chỗ, các đơn vị đã xin Cục HKVN đóng toàn bộ đường lăn S1 để làm chỗ đỗ cho máy bay các hãng.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cục HKVN cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) giải quyết ngay các đề xuất của Vietnam Airlines liên quan nhu cầu bố trí các vị trí đỗ máy bay qua đêm.
Sân bay vắng khách do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: LAM GIANG
Không thể hoãn nhập?
Để ứng phó với dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã rao bán 9 máy bay A321CEO sản xuất năm 2007-2008. Tại đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines năm 2021, lãnh đạo hãng này cho biết cạnh tranh gay gắt giữa các hãng đã kéo doanh thu xuống thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019, không đủ bù đắp chi phí.
"Đội bay của Vietnam Airlines Group, gồm cả Pacific Airlines, sẽ dư thừa. Số máy bay dư khoảng 25 chiếc trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 máy bay vào năm nay. Việc cơ cấu lại tài sản là để vừa giải phóng một phần nguồn lực vừa có thêm dòng tiền và thu nhập" - đại diện Vietnam Airlines giải thích.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các hãng khác vẫn tiếp tục nhận thêm nhiều máy bay mới. So với thời điểm sau dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam cuối tháng 3-2020, các hãng đã nhận thêm 17 máy bay, trong đó Vietjet Air 6 chiếc, Bamboo Airways 8 chiếc, Vietravel Airlines 3 chiếc...
Do nhập máy bay về trong bối cảnh dư thừa nguồn lực, các hãng đã phải liên tục đưa thêm lượng ghế cung ứng vào thị trường, đua giảm giá vé về mức đáy. Chỉ tính trong tháng 4-2021, tổng số ghế cung ứng ước tính bằng 137% cùng kỳ năm 2019, trong khi sức mua (tổng doanh thu của thị trường) chỉ bằng 76% so với năm 2019.
Tổng giám đốc một hãng hàng không lý giải với những hợp đồng đặt mua máy bay từ trước, có những hợp đồng không thể lùi, hoãn thời gian nhận. Nếu không nhận đúng hẹn, hãng sẽ phải chịu phí phạt hoặc bồi thường hợp đồng, mà chi phí này có thể cao hơn so với việc nhập máy bay về. Do đó, tùy tình huống, các hãng sẽ quyết định có nhập máy bay đã đặt hay không, dù thị trường đang rất khó khăn.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng các hãng tư nhân có quyền tự chủ trong việc mua bán máy bay và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Riêng Vietnam Airlines là doanh nghiệp do nhà nước chiếm cổ phần chi phối, cần có cơ quan thẩm quyền quyết định với lộ trình riêng…
Hiện lượng máy bay tham gia khai thác của nhiều hãng chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phải nằm chờ. Tuy nhiên, có những loại máy bay cần phải mua trong giai đoạn này, thuộc quyền tự quyết của hãng.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng trong lúc nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sút, việc tăng cung là không phù hợp. Mua thêm máy bay là lãng phí ở thời điểm này và các hợp đồng đã được thực hiện từ trước dịch vẫn có thể thương lượng để lùi thời hạn nhận.
Khó xảy ra bán phá giá vé máy bay
Các hãng liên tục nhập máy bay, tăng lượng cung ứng ghế ra thị trường và đưa ra mức giá rẻ kỷ lục có thể bán phá giá để kéo khách? PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng nhà nước đã quy định trần giá vé máy bay, còn quyết định giá vé cụ thể là tùy các hãng. Dù giá vé hiện rất thấp song rất ít khả năng có hãng đang bán phá giá. Bởi lẽ, với nhu cầu thấp kỷ lục, nếu hãng muốn bán phá giá thì phải có đủ tiềm lực (bán thấp dưới chi phí), chịu lỗ để triệt tiêu đối thủ, điều đó rất khó.
"Có thể có hãng chấp nhận hạ giá đến mức cuối cùng để tranh thủ giành thị phần, chiếm lĩnh thị trường, sau đó sẽ tăng giá để phát triển. Giá vé thấp như hiện nay là điều tiết bình thường của thị trường theo quan hệ cung - cầu. Người tiêu dùng được hưởng lợi còn doanh nghiệp cần tính toán xem có thể tồn tại được không với giá vé này" - ông Long nhận xét.