Giá lợn hơi tăng phi mã, tiểu thương càng bán càng lỗ
Giá lợn hơi quá cao khiến lượng hàng bán ra chỉ bằng 1/3 so với bình thường, nhiều tiểu thương càng bán càng lỗ nhưng vẫn phải duy trì để không mất khách.
Tại chợ đầu mối thực phẩm Phùng Khoang, Hà Nội, những ngày gần đây nhiều tiểu thương buôn thịt lợn không còn mặn mà với việc đến chợ bán hàng, nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng quá cao, hàng đi chậm, bán không có lãi.
Theo ghi nhận của VTC News, 4h sáng ngày 28/5, dù đang là giờ cao điểm của việc buôn bán tại chợ đầu mối này nhưng nhiều sạp hàng kinh doanh thịt lợn vắng bóng cả người bán lẫn người mua.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, tiểu thương bán buôn thịt lợn tại chợ Phùng Khoang cho biết: "Đợt này thịt cao, khách buôn cũng ít hẳn, nhiều loại thịt bán thậm chí còn lỗ. Mọi người cứ nghĩ tiểu thương chúng tôi ăn lãi dày nhưng thực tế đợt này chúng tôi gần như bán không công. Nhiều nhà càng bán càng lỗ nhưng vẫn phải cố bù lỗ để giữ khách".
Giá lợn hơi liên tục đạt đỉnh mới đẩy giá thịt lợn móc hàm tăng lên 133.000 đồng/kg. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Một chủ hàng tên Quý thông tin, mặc dù số lượng khách buôn vẫn vậy nhưng lượng hàng khách mua giảm đi nhiều. Trước đây thường lấy cả tạ nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 20 - 30kg thịt. Trong khi đó giá lợn nhập trực tiếp từ các lò mổ tăng vài giá mỗi ngày. "So với hôm qua thì nay giá đã tăng lên 3.000 đồng/kg lên 133.000 đồng/kg thịt lợn móc hàm. Giờ tôi bán cả con lợn hơn 100kg lãi chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn lỗ nếu tồn vài cân thịt", người này nói.
Theo bà Quý, không những khách buôn lấy ít đi mà các nhà hàng cũng không còn mua nhiều như trước, vì giá lợn tăng cao khiến đầu ra sản phẩm cũng bị đẩy lên theo, nếu giữ nguyên giá thì phải giảm khẩu phần thịt xuống.
"Do giá lợn hơi tăng cao nên nhiều hộ chăn nuôi vỗ béo cho lợn lên thêm 20 - 30 kg so với tiêu chuẩn là 100 kg rồi mới xuất chuồng để thu lãi thêm vài triệu đồng dẫn đến tình trạng lợn tích mỡ. Trong khi đó, chúng tôi phải nhập cả con lợn móc hàm với giá khoảng 130.000 đồng/kg rồi lọc xương, mỡ... những bộ phận này nếu bán cũng chỉ được 30.000 - 40.000 đồng/kg, tính ra lỗ cả trăm nghìn đồng. Hôm nào gặp lợn béo thì xác định là lỗ chứ chưa nói đến chuyện hoà vốn", tiểu thương tên Phạm Thị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng thông tin thêm, hiện tại giá lợn nhập móc hàm dao động quanh mức 130.000 đồng/kg, tuỳ từng loại lợn. Khi lấy về, với những người bán buôn giao cao nhất cũng chỉ lên đến 140.000 - 150.000 đồng/kg cho khách, chưa kể có nhiều đoạn phải lọc xương, thịt mỡ bỏ đi đã mất vài kg thịt. Tính ra mỗi 100kg thịt người bán chỉ lãi chưa tới 200.000 đồng ở thời điểm hiện tại trong trường hợp không bị tồn hàng, thịt đẹp, ngon dễ bán.
Nhiều tiểu thương khác tại chợ này cũng thông tin về việc buôn bán ế ẩm, số lượng thịt bán ra giảm chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/4 thời điểm giá lợn hơi dao động quanh mức 70.000 đồng/kg.
Ngoài ra, do nguồn cung khan hiến nên các lò mổ giao hàng cũng nhỏ giọt cho các chợ đầu mối. Tiểu thương nào có nhu cầu đặt hàng lớn phải báo trước vài ngày để lò mổ gom lợn, nếu không sẽ không thể có đủ.
Nhiều người bán hàng cho rằng tuy doanh nghiệp công bố từ 1/4 giá bán lợn hơi tại các trại sẽ được hạ xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng họ không tiếp cận được nguồn hàng này. Kể từ thời điểm đó đến nay giá lợn hơi đã tăng thêm hơn 10.000 đồng/kg chứ không hề giảm như kỳ vọng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 224,89 triệu con, chỉ bằng 80,3 % so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Theo Bộ, tiến độ phục hồi đàn lợn tới thời điểm này chưa được như mong muốn, nguyên nhân là do các hộ bị ảnh hưởng chưa nhận được tiền hỗ trợ từ các địa phương, bên cạnh đó việc vay vốn từ ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá lợn giống tăng cao lên đến 2,5 - 3 triệu đồng/con, tiền thức ăn chăn nuôi cũng tăng 10%.