Giá bất động sản tăng vọt, nhiều người nhận ra dù tiết kiệm tiền đến đâu cũng không thể mua nhà, vậy nên họ mua hàng hiệu!

13/03/2022 15:59 PM | Sống

Câu chuyện của giới trẻ Hàn Quốc xoay quanh đồ hiệu, quan điểm về tiêu dùng khiến nhiều người bất ngờ.

Song Ji A là cái tên đột phá từ chương trình hẹn hò truyền hình Hàn Quốc - Địa Ngục Độc Thân. Không chỉ là những buổi hẹn hò trong mơ, cô nàng còn “hớp hồn” người khác bởi những món hàng hiệu của mình.

Trước khi bứt phá ra quốc tế, Song Ji A đã là người có ảnh hưởng trên MXH Hàn Quốc từ 2019. Cô ấy nổi bật không chỉ bởi vẻ ngoài xinh đẹp, tính cách sôi nổi mà còn bởi tủ quần áo thời thượng đầy những món đồ hiệu xa xỉ.

Do vậy, khi tiết lộ rằng nhiều sản phẩm trong số được dùng để ghi hình Địa Ngục Độc Thân đều là giả, người hâm mộ cảm thấy vừa sốc vừa bị phản bội.

Các chuyên gia cho rằng việc chóng nổi nhanh chìm của Song Ji A không chỉ làm nổi bật nỗi ám ảnh ngày càng tăng đối với hàng xa xỉ của giới trẻ Hàn Quốc - điều đã dẫn đến sự gia tăng việc những người có ảnh hưởng "khoe khoang" sự giàu có của họ - mà còn là những tệ nạn trên MXH.

 Giá bất động sản tăng vọt, nhiều người nhận ra dù tiết kiệm tiền đến đâu cũng không thể mua nhà, vậy nên họ mua hàng hiệu! - Ảnh 1.

Song Ji A trong chương trình Địa ngục độc thân


Thực trạng thế hệ trẻ Hàn khao khát hàng hiệu

Trong một cuộc khảo sát đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được thực hiện vào năm ngoái bởi Smart Uniform, một thương hiệu đồng phục học sinh Hàn Quốc, 56,4% người tham gia cho biết đã từng mua xa xỉ phẩm.

Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát về thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 được thực hiện bởi Alba Cheonguk, một nền tảng tìm kiếm việc làm bán thời gian vào năm 2020, 33,6% thanh thiếu niên cho biết họ có kế hoạch mua hàng hiệu mới bằng tiền tiêu vặt.

Điều kỳ lạ là thế hệ Gen Z thậm chí còn không đủ ổn định về tài chính để mua nhiều hàng xa xỉ như vậy. Trước hết, họ hầu hết đều là sinh viên hoặc những người mới đi làm. Vì vậy, hầu hết họ không có việc làm hoặc thu nhập không cao, đồng nghĩa với việc những món hàng đắt tiền là 1 thử thách.

Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ mua cho họ. Hoặc có thể có một số trường hợp giới trẻ tiết kiệm tiền tiêu vặt nhận được từ cha mẹ hoặc đi làm thêm để mua những món đồ đắt tiền.

Vậy tại sao giới trẻ Hàn Quốc lại “cuồng” mua hàng xa xỉ đến vậy?

1. Văn hoá FLEX

Văn hóa này đề cập đến văn hóa phô trương thành công hoặc sự giàu có của một người. Nói cách khác, chính văn hóa FLEX đã thúc giục mọi người mua một thứ gì đó đắt tiền mà họ không đủ khả năng để tăng giá trị cho bản thân. Tiêu dùng dựa trên văn hóa FLEX phù hợp với mong muốn thể hiện với người khác.

Vì thế hệ trẻ rất quen thuộc với mạng xã hội, họ thích khoe những món hàng đã mua bằng hashtag #FLEX trên Instagram.

 Giá bất động sản tăng vọt, nhiều người nhận ra dù tiết kiệm tiền đến đâu cũng không thể mua nhà, vậy nên họ mua hàng hiệu! - Ảnh 2.

Ngoài ra, nếu bạn tìm kiếm những video “đập hộp" các món đồ xa xỉ trên YouTube, có rất nhiều video của người Hàn. Trong đó chủ yếu là những KOL ở độ tuổi 20, hay thậm chí là các bạn tuổi teen.

Mua những món đồ đắt tiền và mang chúng đi khắp nơi, đăng tải để trở thành “dân sành điệu” trên MXH. Việc sở hữu những món hàng xa xỉ như vậy thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến cách các bạn trẻ nhìn nhận về bản thân.

Ví dụ, một sản phẩm càng đắt tiền, họ càng thấy mình là người đủ xứng đáng để sở hữu những sản phẩm đó.

2. Văn hóa YOLO & Sự gia tăng của giá nhà ở

Chắc rằng bạn đã nghe nói về YOLO - bạn chỉ sống một lần - trước đây. Nó có nghĩa là theo đuổi một cuộc sống coi trọng hạnh phúc của bạn trên tất cả và không hy sinh vì lợi ích tương lai.

Văn hóa YOLO tràn qua Hàn Quốc vài năm trước. Nghiên cứu cho thấy, có một số mối tương quan với việc tăng chi tiêu cho hàng hiệu với văn hóa YOLO.

Ngoài ra, giá nhà ở Hàn Quốc đắt một cách kỳ lạ. Trung bình của các căn hộ ở Seoul là hơn 900 triệu won (Khoảng 16,7 tỷ đồng). Thật khó để đảm bảo có thể mua một ngôi nhà của riêng mình ở Seoul.

Khi giá bất động sản tăng vọt, nhiều người nhận ra rằng dù họ có tiết kiệm tiền đến đâu, họ cũng sẽ không thể sở hữu một ngôi nhà.

Vì vậy, nhiều người đã chọn cách từ bỏ việc mua nhà. Thay vào đó theo đuổi hạnh phúc của riêng mình bằng cách tăng mức tiêu thụ hàng hóa xa xỉ. Nhiều người trẻ tuổi Hàn Quốc tiết kiệm từng chút một trong thu nhập hàng tháng và vung tiền vào những món đồ đắt tiền để thỏa mãn bản thân.

3. Trải nghiệm tiêu dùng quá mức & Thị trường đồ cũ đang phát triển

Trong những năm gần đây, thị trường đồ cũ phát triển vượt bậc. Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bán các sản phẩm đã qua sử dụng của mình và mua các mặt hàng với giá ưu đãi bằng các ứng dụng. Trên những nền tảng này, thậm chí có thể tìm thấy hàng hóa xa xỉ.

 Giá bất động sản tăng vọt, nhiều người nhận ra dù tiết kiệm tiền đến đâu cũng không thể mua nhà, vậy nên họ mua hàng hiệu! - Ảnh 3.

Mọi người xếp hàng để vào cửa hàng Chanel trong bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, ở Seoul, Hàn Quốc, tháng 5 năm 2020.

Thế hệ Gen Z coi trải nghiệm sở hữu một món đồ hàng hiệu có giá trị hơn việc thực sự sở hữu sản phẩm đó mãi mãi. Vì vậy, họ thích bán các sản phẩm đã qua sử dụng và mua các sản phẩm mới với số tiền kiếm được.

Không giống như những món đồ đã qua sử dụng khác, các sản phẩm của thương hiệu cao cấp thường không giảm giá quá nhiều kể cả khi bán lại. Thay vào đó, nếu đó là một sản phẩm phiên bản giới hạn hoặc thuộc dòng cổ điển, nó có thể được bán với giá cao hơn nhiều so với giá bạn mua ban đầu.

Kiểu tiêu dùng này giúp giảm bớt gánh nặng khi mua sản phẩm mới.

Ảnh: Tổng hợp

Theo RIKA

Cùng chuyên mục
XEM